Lá dong mang tết đến gần

10:02, 02/02/2016

(LĐ online) - Những ngày giáp tết, một góc xanh rì màu lá dong, lá chuối, cùng màu trắng ngà của dây lạt đang tô điểm cho hương sắc ngày xuân tại các góc chợ. Đây cũng là một nét văn hóa không thể thiếu khi người dân khắp nơi đón tết cổ truyền của dân tộc.

(LĐ online) - Những ngày giáp tết, một góc xanh rì màu lá dong, lá chuối, cùng màu trắng ngà của dây lạt đang tô điểm cho hương sắc ngày xuân tại các góc chợ. Đây cũng là một nét văn hóa không thể thiếu khi người dân khắp nơi đón tết cổ truyền của dân tộc.
 
Khách hàng chọn mua lá dong
Khách hàng chọn mua lá dong

Khu vực bên hông chợ Liên Nghĩa những ngày này nhộn nhịp hẳn lên, bởi, bên cạnh hoa, trái cây, bánh mứt hay những mặt hàng nông sản thì lá dong, lá chuối được xem là mặt hàng không thể thiếu trong những ngày giáp tết này. Theo quan sát của chúng tôi, có khoảng một chục tiểu thương buôn bán mặt hàng này tại chợ Liên Nghĩa. Cô Chung Thị Siêu, một người có thâm niên buôn bán lá dong ở chợ cho hay, cô năm nay đã 61 tuổi và cô cũng không biết mình đã gắn bó với mặt hàng này được mấy chục năm. Chỉ biết rằng, từ rất lâu rồi, khi cô mới bước vào tuổi 17,18 cô đã theo mẹ bán mặt hàng này những ngày giáp tết. Đến giờ, trên đầu đã 2 thứ tóc, đã là bà nội, bà ngoại, cô vẫn không bỏ được nghề này. Cô cho biết, hàng năm, khoảng qua lễ Noel cô đã vào Tân Hà, Phú Sơn, Nam Ban để đặt hàng lá dong cho vụ tết. Và vào khoảng 21 âm lịch, cô và các tiểu thương đã bày lá bán ở chợ. “Trước ngày cúng ông táo, chúng tôi cũng bán lai rai, và sau thời điểm trên thì người dân mua lá gói bánh mới nhiều, lúc đó, thị trường lá dong mới thật sự nhộn nhịp”. Cô cũng cho biết thêm, hiện có 2 loại lá dong, lá dong nếp và lá dong tẻ với giá bán bằng nhau giao động 40-50 ngàn đồng 1 bó 50 lá. Lá dong nếp thường nhỏ, nhưng gói bánh xanh, thơm, bánh gói bằng loại lá dong nếp cũng để được lâu hơn so với lá dong tẻ. Những người có kinh nghiệm cũng thường chọn loại lá này để mua. 
 
Ngoài lá dong, các tiểu thương cũng bán thêm lá chuối để gói bánh tét. Theo những người bán, chuối có nhiều loại nhưng chỉ có lá từ cây chuối sứ và chuối hột hoặc lá chuối rừng mới có thể dùng để gói bánh. Bởi lẽ, lá của các loại chuối khác gói bánh sẽ giòn, dễ rách khiến khi nấu thì nước dễ thấm vào, khi ăn bánh thường có vị hơi chát, màu bánh hơi đỏ không đẹp mắt. Những người bán lá và cả những người mua lá nhiều kinh nghiệm nhìn màu lá, độ dày của thớ lá có thể biết lá loại nào. 
 
Bánh chưng, bánh tét là vật phẩm ăn tết có truyền thống ngàn đời nay của dân tộc. Và hàng năm, trong cái tết của người Việt cũng không thể thiếu món bánh chưng hay bánh tét. Vì vậy, không riêng gì chợ Liên Nghĩa mà tại các chợ ở khắp nơi, từ vùng quê cho đến thành thị cũng không thể thiếu lá dong trong các phiên chợ tết. Bên cạnh những lò bánh, tiểu thương đến mua lá về gói bánh bán cho khách thì đa phần khách mua lá lẻ đều là mua để gói bánh nấu cho gia đình. Nhà ít thì gói chừng 5-7 cái, nhà nhiều thì vài chục cái. Quan trọng và ý nghĩa hơn, theo nhiều người, mặc dù bây giờ thứ gì cũng có sẵn, chỉ cần có tiền, ra chợ hay vào các siêu thị, các loại bánh chưng, bánh tét cũng được bày bán sẵn với đủ kích cỡ, giá cả nhưng cũng chẳng có giá trị nào qua được việc tự gói, nấu bánh tại nhà. Bởi, đây cũng chính là dịp để ông bà, con cháu sum vầy. Cô Nguyễn Thị Ngát (Hiệp An, Đức Trọng) cho biết: “Hầu như năm nào nhà tôi cũng tổ chức gói bánh. Trước là để thờ cúng ông bà tổ tiên, sau là cho con cái đã ra riêng mỗi đứa vài cái, rồi biếu người thân của gia đình. Vẫn biết là sẽ vất vả, cực nhọc hơn với nhiều công đoạn như chọn rửa lá, rồi ngâm đậu, ngâm nếp, ướp thịt, rồi phải thức đêm thức hôm luộc bánh, nhưng được cái vui, con cháu mỗi đứa chia nhau một công đoạn, nhà nhờ thế cũng toàn tiếng cười”. Và, người lớn tuổi qua việc gói bánh chưng, bánh tét cũng truyền lại cho những người nhỏ tuổi văn hóa tết Việt, để văn hóa Việt vì thế cũng mãi được lưu truyền.
 
THY VŨ