Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông Quý 1/2021

12:04, 09/04/2021

(LĐ online) - Sáng 9/4, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông Quý I/2021...

• Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng trên 70%
 
(LĐ online) - Sáng 9/4, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông Quý I/2021. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình kết luận hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình kết luận hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
 
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì hội nghị cùng với sự tham dự của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh. 
 
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, 3 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 3.206 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. So với 3 tháng đầu năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 263 vụ (giảm 7,58%), số người chết tăng 33 người (tăng 2,01%), số người bị thương giảm 183 người (giảm 7,12%). Có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, có 9 địa phương giảm trên 30% số người chết là Đồng Tháp, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hưng Yên, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Điện Biên, Hải Dương và Hà Nam. 
 
Tuy nhiên, cũng trong 3 tháng đầu năm 2021, vẫn còn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2020; trong đó, 16 tỉnh tăng trên 30%. Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia lưu ý 5 tỉnh có số người chết tăng trên 70% trở lên là Lâm Đồng, Hà Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Quảng Bình.
 
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
 
Với nhưng kết quả trên, theo đánh giá của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Quý I năm 2021, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 3 tháng đầu năm và 7 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 về cơ bản được bảo đảm tốt. 
 
Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng nêu ra còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ tai nạn giao thông tại Thanh Hóa, ngày 22/3/2021 làm 7 người tử vong; 2 vụ tai nạn giao thông ngày 16/3/2021 tại Hòa Bình và Nghệ An làm 5 người chết và 3 người bị thương; vụ tai nạn giao thông ngày 26/3/2021 trên Quốc lộ 3 làm 3 người chết và 1 người bị thương… 
 
Số người chết do tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm tăng 2,01%; trong đó, tai nạn giao thông đường bộ tăng cả về số vụ (tăng 7,66%), số người chết (tăng 2,88%) và số người bị thương (tăng 12,26%); tai nạn hàng hải tăng cả số vụ, số người chết và mất tích. Vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu bia gây ra. Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài; tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải…. 
Một số địa phương thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn chưa đồng bộ, một số bộ phận thiếu quyết liệt, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm diễn ra Tết Nguyên đán, dẫn đến tai nạn giao thông tăng cao trong Quý I.
 
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Nguyên nhân, theo phân tích của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia là do tình hình vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng thanh, thiếu niên và học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe; xe khách, xe tải chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá tải trọng, chở quá số người quy định, đi sai phần đường làn đường, vi phạm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vẫn xảy ra tình trạng người dân ở khu vực ngoài đô thị đi mô tô, xe máy khi gặp tai nạn giao thông nguy cơ tử vong cao do không đội mũ bảo hiểm. 
 
Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ. Các lực lượng hiện đang dồn sức ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng làm ảnh hưởng phần nào đến nguồn lực dành cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. 
 
Là một trong nhưng tỉnh có tỷ lệ tai nạn giao thông tăng nhiều trong 3 tháng đầu năm, tại hội nghị, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có bài phát biểu và trình bày 4 nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng 3 tháng đầu năm tăng. Đồng thời, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác khắc phục và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh như đề nghị Chính phủ, bộ, ngành quan tâm đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27; quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đặc biệt là đoạn Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc.
 
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã đề nghị các bộ, ngành địa phương cần nỗ lực hơn nữa, thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí.
 
NGUYỄN NGHĨA