Niềm tin và kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng (tiếp theo và hết)

07:01, 24/01/2021

(LĐ online) - Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã bày tỏ niềm tin và sự kỳ vọng về một kỳ đại hội Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển.

[links()]
(LĐ online) - Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã bày tỏ niềm tin và sự kỳ vọng về một kỳ đại hội Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển.
 

Bà Nguyễn Thị Cẩm Giang - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Lạc Dương: Tôi mong muốn Đại hội XIII của Đảng sẽ chọn ra được những người đủ đức, đủ tài 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của đất nước. Đại hội diễn ra vào dịp cả nước ta đang nô nức chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu và kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện nói chung, bản thân tôi nói riêng cũng đặc biệt quan tâm, hướng tới Đại hội với kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp. 
 
Qua theo dõi thông tin trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có sự chuẩn bị kỹ về nội dung và nhân sự của đại hội; dự thảo các văn kiện của đại hội đã được lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, tôi mong muốn Đại hội XIII của Đảng sẽ chọn ra được những người đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển toàn diện, đời sống người dân tiếp tục được nâng cao. 
 
Là người công tác trong ngành tuyên giáo, tôi rất quan tâm đến những vấn đề như: Giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên. Bởi vì, thực tế hiện nay cho thấy ở một số cấp uỷ cơ sở chưa thật sự coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ; chưa làm tốt việc học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng; một số cán bộ, đảng viên chưa tích cực, chịu khó học tập rèn luyện, chấp hành không nghiêm việc học tập lý luận chính trị, chưa thật sự gương mẫu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số -CT/TW của Bộ Chính trị. Chính vì vậy, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng sẽ tạo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và là yếu tố quyết định nhằm tạo nền tảng tư tưởng vững chắc trong toàn Đảng. 
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, thời gian tới, Bộ Chính trị cần lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc; tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày; đồng thời, có cơ chế về khuyến khích, động viên, bảo vệ công tác phản biện lại những thông tin sai trái, nhằm nâng cao ý chí đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị đã đề ra. 
 
Tôi mong muốn Đại hội sẽ đề ra những quyết sách phù hợp đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu của người dân góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển vì thực tế tại các vùng sâu, vùng xa đời sống của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn. 
 
Với niềm tin và những kỳ vọng về một định hướng, quyết sách đúng đắn tạo khâu đột phá cho sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ tới; tôi tin tưởng rằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đưa đất nước nói chung, địa phương nói riêng phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới.
 
Bà Ka Phờm - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm:  Kỳ vọng vào những quyết sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
 
Những năm qua, bằng những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng ta đã và đang góp phần đưa kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi khắp cả nước ngày càng phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện, bảo đảm an sinh xã hội.
 
Đối với xã Lộc Lâm, với hơn 98% bà con đồng bào DTTS Châu Mạ và K’Ho sinh sống. Thời gian qua, từ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã góp phần giúp nông thôn xã nhà được đầu tư xây dựng ngày một đồng bộ, khang trang; tỷ lệ đường giao thông “bê thông hóa”, “nhựa hóa” trên địa bàn đã đạt hơn 80%; ý thức tự đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của bà con đã có sự thay đổi rõ nét góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững. 
 
Cùng với đó, ý thức thức bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và bài trừ các hủ tục lạc hậu của người dân địa phương ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, với sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, chung tay của Nhân dân đã giúp Lộc Lâm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự chênh lệch trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào DTTS và miền núi so với người dân vùng đồng bằng, đô thị còn quá cao. Cùng với đó, việc tiếp cận tri thức và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh của đại đa số bà con đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, miền núi bị cắt giảm do sự thay đổi về Chương trình mục tiêu quốc gia 30a và 135… 
 
Vì vậy, để góp phần đưa vùng đồng bào DTTS, miền núi tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong những năm tới, tôi mong rằng Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng sẽ tập trung trí tuệ đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tế chung để tiếp tục đưa nền kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển đi lên. Trong đó, tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế và thiết chế văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho đội ngũ cán bộ công tác tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi để họ phát huy tốt vai trò, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển chung của người dân.
 
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà - Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Lâm Hà:  Rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền
 
Giống như mọi người dân Việt Nam, tôi cũng kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ chọn ra được những đồng chí hội đủ những tiêu chuẩn để lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển phồn vinh.
 
Là một người giáo viên, tôi mong rằng, Đại hội sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là tạo cơ hội học tập cho các đối tượng là học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa; đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở những nơi còn khó khăn, giúp cho các Sở Giáo dục và Đào tạo có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, biên chế đủ tỷ lệ giáo viên theo từng đặc điểm của cơ sở giáo dục để các trường chưa đạt chuẩn có cơ hội công nhận chuẩn Quốc gia, trường đạt chuẩn rồi thì giữ vững và có điều kiện để nâng chuẩn.

 

Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh luôn được Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Lâm Hà chú trọng. Ảnh: Thân Thu Hiền
Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh luôn được Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Lâm Hà chú trọng. Ảnh: Thân Thu Hiền

 

Để đánh dấu một bước chuyển lớn của đất nước về mọi mặt, đặc biệt là ngành giáo dục, tôi mong ngành giáo dục sẽ được Đảng và Nhà nước quan tâm đến trẻ em nhiều hơn; chế độ trường lớp, đời sống giáo viên, học sinh, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn, được quan tâm chu đáo. 

 
Mong rằng, Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa để rút ngắn dần khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền, từ thành thị tới nông thôn với những hỗ trợ, đầu tư về mọi mặt từ các chính sách.
 
Ông Păng Ting Sin - Bí thư Chi bộ Tổ Bon Dơng 1 (thị trấn Lạc Dương):  Đặt trọn niềm tin vào Đại hội XIII của Đảng
 
Thị trấn Lạc Dương may mắn có vị trí thuận lợi về khí hậu, địa lý, thổ nhưỡng… hơn nhiều địa phương khác. Người dân đã biết chuyển đổi từ các diện tích đất không hiệu quả sang trồng rau hoa ứng dụng công nghệ cao, nhiều hoạt động du lịch cộng đồng kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống đã góp phần đã tạo công ăn việc làm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Tất cả những điều đó đã chứng minh những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là vô cùng đúng đắn, tạo được sức bật về mọi mặt. 
 
Mặc dù năm 2020, không chỉ Việt Nam mà toàn cầu phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của dịch bệnh, thiên tai nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết của các dân tộc anh em, chúng ta đã từng bước vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục và phát triển đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên hiện nay, vùng DTTS vẫn còn chưa phát triển đồng đều so với mặt bằng chung của xã hội. Đảng và Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách, quan tâm đến sự phát triển của đồng bào DTTS, khắc phục những điểm yếu còn tồn tại trong một bộ phận người dân. 
 
Tôi đặt trọn niềm tin của mình vào Đại hội XIII sắp tới, đặc biệt là tin tưởng vào đội ngũ Ban Chấp hành mới sẽ là những người cán bộ có đức, có tài, dành hết tâm, hết sức mình phụng sự đất nước, Nhân dân và đặc biệt hơn là quan tâm đến đời sống của bà con DTTS, xóa đói giảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Cần có những chính sách khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi, tiếp nhận cái mới, đặc biệt là những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cũng mong rằng bà con tự mình vươn lên, thoát khỏi thói quen lệ thuộc để từng bước thay đổi chính tư duy của mình. 
 
Ông Nguyễn Minh Thu - Trưởng thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà):  Rất vui mừng và phấn khởi
 
Thôn Đam Pao được thành lập vào năm 1963, toàn thôn hiện có 446 hộ với 2.167 nhân khẩu; trong đó, đồng bào DTTS chiếm 47%. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thôn Đam Pao đã thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, thôn Đam Pao là một trong những thôn đầu tiên của huyện Lâm Hà hoàn thành sớm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 
Đặc biệt, Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đam Pao đã được UBND tỉnh công nhận vào năm 2012, với 165 hộ dân đang hoạt động. Bên cạnh việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, nghề dệt thổ cẩm còn tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn, góp phần xóa đối giảm nghèo. 
 
Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nhân dân các dân tộc trong thôn Đam Pao rất vui mừng, phấn khởi. Chúng tôi đặc biệt kỳ vọng, Đại hội sẽ có sự quan tâm đến bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Chúng tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong giai đoạn 2020 - 2025, Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và Nhân dân thôn Đam Pao nói riêng sẽ tiếp tục có những bước chuyển biến, phát triển, nâng cao đời sống về mọi mặt. 
 
Tổ già làng tự quản thôn Đam Pao đến từng nhà, vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Việt Quỳnh
Tổ già làng tự quản thôn Đam Pao đến từng nhà, vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Việt Quỳnh
 
NGUYỄN NGHĨA - KHÁNH PHÚC - THU HIỀN - HỒNG THẮM - VIỆT QUỲNH