Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với giai cấp, dân tộc và xã hội

05:01, 08/01/2020

(LĐ online) - Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Tròn 90 năm qua "Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại: thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội"...

(LĐ online) - Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Tròn 90 năm qua “Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại: thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”1. Đảng Cộng sản Việt Nam - luôn khẳng định là chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, mang bản chất giai cấp công nhân, Đảng là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Do đó, lợi ích của Đảng trước hết đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, Đảng ta đã tỏ rõ là một đảng cách mạng chân chính nhất, có sức hội tụ lớn nhất mọi sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, sớm trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến.  
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng không chỉ là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong và đại biểu cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc mà Đảng còn là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong và đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác - con đường cách mạng vô sản” 2. Để thực hiện được mục tiêu đó, Người chỉ rõ: “Trước hết phải có Đảng Cách Mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy” 3. Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo nhân dân cùng một lúc vừa làm tư sản cách mạng, vừa làm dân tộc cách mạng và làm giai cấp cách mạng. Đây là đặc điểm lớn nhất của cách mạng vô sản ở Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
 
Vai trò lãnh đạo của Đảng ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Lời kêu gọi của Đảng khi Đảng mới thành lập, đó là: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng (révolution démocratique bourgeoise) và thổ địa cách mạng (révolution agratire) để đi tới xã hội cộng sản”;... “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”;... Làm cho nước Việt Nam được độc lập;... Giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản; Mở mang công nghiệp và nông nghiệp;... Đem lại mọi quyền lợi tự do cho nhân dân”.
 
90 năm qua, Đảng ta đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. 15 năm sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam-kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đứng lên kháng chiến giải phóng dân tộc và cuối cùng đã giành được thắng lợi to lớn, đánh thắng đế quốc xâm lược; lập lại hoà bình ở miền Bắc Việt Nam. Trong hoàn cảnh đất nước tạm bị chia làm hai miền, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Khi Mỹ đưa quân vào xâm lược ở miền Nam (1965), tiến hành chiến tranh cục bộ đánh phá các căn cứ cách mạng ở miền Nam và mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc (1964), Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân cả nước đánh cho Mỹ cút (tháng 01 năm 1973), đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (tháng 4 năm 1975), đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi vĩ đại của các cuộc cách mạng: Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam trở thành một trong những dân tộc đầu tiên làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công ở một nước thuộc địa và lệ thuộc; một trong những dân tộc đầu tiên đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, mở đầu phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - La tinh. 
 
Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Đảng đã chủ động khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu to lớn hơn 30 năm đổi mới trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng-an ninh, quan hệ quốc tế... đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá, bị bao vây, cấm vận kinh tế, lại phải chịu nhiều tổn thất do thiên tai khắc nghiệt gây ra, Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động không ngừng được cải thiện; chính trị ổn định; lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng được củng cố; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam trở thành một trong những nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên tiến hành đổi mới thắng lợi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân, dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam-người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Từ thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta có thể khẳng định một cách có cơ sở khoa học, được trang bị bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin tưởng đi theo Đảng có đủ bản lĩnh, trí tuệ, khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam không chỉ thắng lợi trong đấu tranh giành và giữ chính quyền trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, mà cả trong xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng đất nước theo mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Ngày nay, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Những mục tiêu cơ bản của cách mạng Việt Nam do Đảng ta xác định từ những năm 30 của thế kỷ trước, đến nay đang được thực hiện. Đất nước đã được độc lập, nhân dân được tự do. Tuy nhiên, đời sống của nhân dân lao động cũng như kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Đảng ta chỉ rõ: “nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, ... sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham những, lãng phí” 4,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, cơ hội đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thâm độc, nhằm gây chia rẽ, mất đoàn kết từ bên trong nội bộ Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi Đảng ta đang tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì các thủ đoạn chống phá Đảng đòi “đổi mới thể chế chính trị” ở Việt Nam càng được chúng thực hiện ráo riết hơn. Trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết kích động gây ra sự bất ổn về chính trị ở một số nơi. Họ tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật, “kích động lôi kéo những người bất mãn với chế độ, bôi nhọ, nói xấu cấp ủy, chính quyền địa phương... gây ra sự hoài nghi về vai trò, khả năng lãnh đạo của Đảng, từng bước làm mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng; tiến đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với giai cấp, dân tộc và xã hội; họ yêu sách Đảng cần phải nhường quyền lãnh đạo cho các lực lượng đối lập khác, cần đa nguyên, đa đảng…. Chúng ta không lạ gì đây chỉ là những chiêu trò lừa bịp không hơn không kém.
 
Để khẳng định Đảng có vai trò lãnh đạo đối với giai cấp và xã hội hay không, chỉ có người dân Việt Nam mới có quyền trả lời điều đó. Chính nhân dân - chứ không phải ai khác mới là cán cân chân lý, là người đánh giá chính xác nhất vai trò, uy tín của Đảng, là người có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn sự lãnh đạo đối với cách mạng Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Còn những kẻ bán nước cầu vinh, vụ lợi chính trị, tuyên truyền bịa đặt, giả danh, giả nghĩa, không đủ tư cách, nhân phẩm để có tiếng nói trong vấn đề này. Dù họ có nỗ lực đến đâu và cố tình bịa đặt “bóp méo sự thật” đến mức độ nào thì kết quả nhận được cũng sẽ là sự tuyệt vọng. Đảng ta không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi đối với dân, với nước và trên thực tế Đảng đã là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Cho dù thời cuộc có thay đổi phức tạp, khó khăn thế nào đi chăng nữa, nhưng người dân Việt Nam vẫn một lòng theo Đảng; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp, dân tộc và xã hội ngày càng được khẳng định trong thực tiễn.
 
Có thể nói, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với giai cấp, dân tộc và xã hội được xây dựng trên cơ sở pháp lý đồng bộ (hệ thống các văn bản pháp luật) và đồng thuận (điều lệ, quy định) của các tổ chức có liên quan, không phải do Điều lệ Đảng “cố tình” quy định. Đây là một yếu tố quan trọng, bảo đảm tính chính danh đầy đủ được quy định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã qui định: (1). Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. (2). Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. (3). Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị-xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn. 
 
Sự lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” 5. Đảng ta chỉ rõ: “Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên” 6. Vấn đề đặt ra là mọi tổ chức đảng, từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên phải nắm vững toàn bộ nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo. Đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc thật sự dân chủ, thiết thực, nói đi đôi với làm. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đó là những vấn đề vừa cơ bản vừa cấp thiết nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
 
Kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp, dân tộc và xã hội là vấn đề chiến lược có tính nguyên tắc, đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện, song còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng, với bản lĩnh đã được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, nhất định Đảng ta sẽ vượt qua, làm tốt sứ mệnh lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao phó. Mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá nhằm làm mất uy tín, danh dự, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với giai cấp và xã hội nhất định sẽ vị vạch trần và thất bại thảm hại. Bởi vậy, Đảng cần kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng cần tích cực tổng kết thực tiễn kết hợp với nghiên cứu lý luận để nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng, không ngừng bổ sung, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội nói chung và các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ mới.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H, 2001, tr.12.
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, CTQG, H, 1995, tr.314.
3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, tr.267 - 268.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb CTQG-ST, H. 2016, tr.18-19.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.217.
6 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.199. 
 
LÊ THỊ DUNG
Hệ Quốc tế - Học viện Lục quân