Hội thảo góp ý Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Chứng khoán

05:10, 11/10/2019

(LĐ online) - Chiều ngày 11/10, tiếp tục chương trình lấy ý kiến góp ý luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Chứng khoán.

(LĐ online) - Chiều ngày 11/10, tiếp tục chương trình lấy ý kiến góp ý luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Chứng khoán.
 
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Dự án Luật Kiểm toán và Luật Chứng khoán
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Dự án Luật Kiểm toán và Luật Chứng khoán
 
Đối với Luật Chứng khoán, đa số ý kiến nhất trí chỉ có Sàn giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam và được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia. Có ý kiến cho rằng mô hình SGDCK theo Đề án thành lập SGDCK Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ cần được thể chế vào Luật.
 
Biến động về thị trường tại SGDCK Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối đối với doanh nghiệp, đề nghị điều chỉnh: ”SGDCK Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”.
 
Về Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN), đa số ý kiến cho rằng nhiều nội dung chưa khoa học, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, về phạm vi hoạt động của Kiểm toán có chồng chéo hoạt động với Thanh tra và Thuế. Có ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo Luật là mở rộng đối tượng kiểm toán, trái với Luật KTNN và Hiến pháp. Ý kiến khác cho rằng, đối tượng kiểm toán theo Dự thảo Luật là rất rộng, cần thu hẹp lại. Có ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán…
 
Một số ý kiến tán thành việc bổ sung nội dung này để đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp khi xử lý các vụ án kinh tế, vụ án tham nhũng, song băn khoăn vì dễ phải thành lập thêm tổ chức bộ máy, chưa phù hợp với Nghị quyết của TW. Một số ý kiến khác đề nghị giới hạn phạm vi chỉ thực hiện giám định khi cấp có thẩm quyền yêu cầu để tránh chồng chéo và phù hợp với khả năng của KTNN. Có ý kiến cho rằng nên giao cho tổ chức giám định tài chính thực hiện, không nên giao cho KTNN. 
 
Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, có ý kiến đề nghị không giao quyền truy cập cho KTNN vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật, quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ, quy định bảo vệ bí mật Nhà nước.
 
Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp báo cáo trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh vào Kỳ họp thứ 8 sắp diễn ra.
 
NGUYỆT THU