Trọng dân, gần dân, lắng nghe dân

08:07, 31/07/2018

Từ đầu năm 2016 đến nay, việc tăng cường thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo hướng gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân đã góp phần nâng cao năng lực điều hành của lãnh đạo các cấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Từ đầu năm 2016 đến nay, việc tăng cường thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo hướng gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân đã góp phần nâng cao năng lực điều hành của lãnh đạo các cấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
 
Chuyển biến tích cực
 
Sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành kết luận về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch cụ thể triển khai. Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 24 “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp thực hiện tốt QCDC ở cơ sở.
 
Ông Huỳnh Mỹ - Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ đầu năm 2016 đến nay, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn đạt kết quả tích cực đã phát huy đầy đủ quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Huy động được nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh. Nâng cao dân trí, dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước các cấp”. Cụ thể, ở khu vực xã, phường, thị trấn; nội dung “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát” được cụ thể hóa qua 11 nội dung. Trong đó tiêu biểu như: Các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp xã có liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân; các chương trình, dự án đầu tư tại địa bàn cơ sở; phương án đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; phí, lệ phí và các nghĩa vụ khác của công dân… Các nội dung được niêm yết công khai tại hội trường xã hay trong các cuộc họp đã tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận và nắm bắt thông tin, phản ánh những băn khoăn, thắc mắc trong triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
 
Tại cơ quan nhà nước, các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân được chú trọng. Hai năm qua, đã có trên 5.000 lượt tiếp công dân, hơn 1.000 đơn thư được giải quyết. UBND tỉnh đã công bố công khai thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã với trên 1.600 thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì, thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp với 100% các cơ quan hành chính. Đến nay đã có 18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 12 UBND huyện, thành phố và 19 UBND cấp xã được trang bị hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến…
 
Cũng thời gian này, các Ban thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát, kiểm tra trên 600 vụ việc. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát trên 1.000 công trình đầu tư tại cơ sở, từ đó kịp thời có ý kiến với chính quyền, chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan liên quan để đảm bảo chất lượng công trình. Riêng năm 2017, qua giám sát của Ban thanh tra nhân dân đã có 59 vụ việc cần xác minh, 100 kiến nghị được đưa ra. Các công trình xây dựng nông thôn mới tại các xã, phường, thị trấn cũng được giám sát và có 85 kiến nghị cụ thể để chính quyền, chủ đầu tư, các nhà thầu khắc phục, sửa chữa, đảm bảo chất lượng công trình.
 
Khơi thông nội lực phát triển 
 
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian qua đã có chuyển biến mạnh mẽ với nhiều mô hình sáng tạo, qua đó đã góp phần phát huy dân chủ của người dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
 
Ghi nhận cụ thể tại xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương) - địa phương được Ban Dân vận Trung ương chọn để kiểm tra về việc thực hiện QCDC ở cơ sở vừa qua cho thấy: khi nội dung này được triển khai cụ thể, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC của xã làm việc có trách nhiệm đã góp phần tạo nên những chuyển biến nhất định. Ông Nguyễn Bình Trị - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập cho biết: “Những vấn đề trọng tâm của địa phương đều được tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân trước khi triển khai. Việc thông tin những vấn đề quan trọng để dân biết, dân góp ý được nhân dân đồng tình cao. Bà con hưởng ứng tất cả các cuộc vận động ở địa phương trên tinh thần dân chủ. Lịch tiếp dân được xây dựng và địa phương cử các đồng chí lãnh đạo thay phiên nhau thực hiện. Lãnh đạo xã cũng thường xuyên đối thoại trực tiếp với nhân dân nên mọi vấn đề của bà con đều được giải quyết, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Cùng với việc thực hiện mạnh mẽ QCDC ở cơ sở, nhân dân đã trực tiếp tham gia bàn và quyết định việc xây dựng quy ước, hương ước phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, thành lập ban giám sát công trình để nghiệm thu và quyết toán các công trình xây dựng cơ bản do nhân dân đóng góp và xây dựng… nên tạo được sự đồng thuận lớn”.
 
Cũng theo người đứng đầu xã này, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng cộng đồng dân cư, góp phần khắc phục thói quen trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Điều này cũng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của chính quyền địa phương và phát huy được khả năng, trí tuệ, công sức của các tầng lớp nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là một trong những tác động quan trọng giúp khơi thông nội lực phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Lập. Đồng thời “là một trong những yếu tố quyết định góp phần giữ vững danh hiệu Đảng bộ 5 năm liền trong sạch vững mạnh tiêu biểu và là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện Đơn Dương”, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương Lưu Tấn Huệ khẳng định.
 
Tháng 6 vừa qua, Đoàn kiểm tra Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở do đồng chí Trần Thị Bích Thủy - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Trung ương làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện nội dung này trên địa bàn tỉnh. Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra thực hiện QCDC ở cơ sở của Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở và cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện nội dung này từ thực tiễn của Lâm Đồng. Trong đó Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh tới việc điều chỉnh về bộ máy, cơ chế, quy trình thực hiện QCDC ở các cấp để tránh sự cồng kềnh bộ máy và chồng chéo về chức năng. 
 
Cùng với việc ghi nhận ý kiến từ lãnh đạo địa phương, bà Trần Thị Bích Thủy - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Trung ương cũng đã nêu ra các nhiệm vụ Lâm Đồng cần thực hiện trong phát huy QCDC ở cơ sở thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh việc: tăng cường sự phối hợp của chính quyền, đơn vị với các cấp, ngành liên quan trong thực hiện QCDC; người đứng đầu các cấp, các ngành cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện QCDC, đưa việc thực hiện QCDC đi vào thực chất, bền vững.
 
NGỌC NGÀ