Học Bác để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

08:03, 20/03/2017

Bác đã đi xa, nhưng những tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người về các vấn đề đạo đức nói chung, về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm nói riêng vẫn còn nguyên giá trị.

Bác đã đi xa, nhưng những tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người về các vấn đề đạo đức nói chung, về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm nói riêng vẫn còn nguyên giá trị.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Người, tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Tiết kiệm là tích cực. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ 3 nội dung của việc tiết kiệm: tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm tiền của. Đối tượng cần phải tiết kiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra ở đây là tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, song trước hết là các cơ quan, bộ đội, các xí nghiệp. Nội dung tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong vị trí công tác của mình. Bộ đội, chiến sĩ thì tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm; cán bộ cơ quan hành chính thì tiết kiệm thời gian, giấy, mực; cán bộ tư pháp tiết kiệm thời giờ cho dân khi triển khai nhanh công việc...
 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn quan tâm đến việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và điều đó có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập dân tộc cũng như trong hòa bình, xây dựng, kiến thiết nước nhà. 
 
Theo Bác, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của đạo đức cách mạng, của người cán bộ cách mạng. Người khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần; là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Bác dạy “Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to; Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra”. Người luôn hiểu rằng “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”…
 
Đi đôi với việc thực hành tiết kiệm phải chống lãng phí, chống bệnh quan liêu, vì theo Bác, ruộng đất, máy móc không tự nó làm ra của cải mà phải do sức lao động của con người sáng tạo nên. Do đó, nếu làm ra được bao nhiêu lại tiêu xài hết bấy nhiêu thì không lại hoàn không; “sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”. “Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô”. 
 
Theo Hồ Chí Minh, lãng phí có các nội dung: lãng phí sức lao động: Việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Do tính toán không cẩn thận. Bố trí nhân sự không đúng. Lãng phí thì giờ: việc gì có thể làm trong một ngày một buổi cũng kéo dài đến mấy ngày. Lãng phí tiền của Nhà nước, cơ quan và bản thân mình. Cụ thể là: Ăn tiêu xa xỉ, tiêu xài không hợp lý, mắc phải bệnh “Phô trương, hình thức”. Bác nghiêm khắc phê phán những việc làm gây ra sự lãng phí, tổn thất về thời gian, sức lao động, vật tư, tiền bạc của nhân dân và nhà nước. Bác chỉ rõ, nguồn gốc của việc gây ra bệnh lãng phí, đó là bệnh quan liêu và “hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, hoặc tính toán không cẩn thận”, “hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ phô trương”, “hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công”. Vì thế phải kiên quyết chống bệnh lãng phí, chống thói họp lu bù, chống việc làm ẩu để sản phẩm làm ra không sử dụng được, chống việc liên hoan ăn uống bừa bãi. Hoang phí cũng là một tội ác bởi chính nó đã góp phần không nhỏ trong việc gây nên những tiêu cực của xã hội.
 
Người khẳng định: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. 
 
Lời nói và việc làm của Người luôn song hành. Chính vì vậy, cả cuộc đời Bác sống giản dị, tiết kiệm tiền của Nhà nước, của nhân dân. Bác luôn dạy cán bộ, đảng viên phải thực hiện “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” và chính Bác là một gương sáng điển hình trong việc thực hiện những đức tính này.
 
Bác Hồ lúc sinh thời không dành cho mình một sự ưu đãi nào. Ngay từ những ngày đầu mới dành được chính quyền, Bác vẫn cùng ăn cơm chung với anh em trong cơ quan Bắc Bộ Phủ, cũng một suất ăn bình thường như các đồng chí khác. Trở về Hà Nội lần thứ hai, sau kháng chiến chống Pháp, với cương vị là Chủ tịch nước, nhưng Bác không ở Dinh toàn quyền lộng lẫy, khang trang mà ở ngôi nhà của một người thợ điện cũ chỉ có 3 phòng nhỏ đơn sơ. Đến ngày 17/5/1958, Bác chuyển hẳn sang ngôi nhà sàn gỗ mà ngày nay đã đi vào huyền thoại đẹp đẽ của cuộc đời Người. Trong cuộc sống hàng ngày từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Người không nói nhiều, không hô hào đao to búa lớn mà luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm bằng chính những hành động, nếp sống của mình. 
 
Trước lúc “đi xa”, một lần nữa, ngay trong Di chúc để lại, Người căn dặn: “... Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Những lời dặn của Người về việc tang lễ khi Người đi xa là việc rất riêng tư nhưng vẫn vì công việc chung của đất nước, vì tình thương yêu vô hạn với đồng bào. Đó chính là những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
Noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ và thấm nhuần sâu sắc những lời dạy của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này, nhất là trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước. 
 
Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, chúng ta vẫn còn lãng phí thời gian, sức lao động, chi phí vật chất. Sử dụng vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả, còn lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Quy hoạch bố trí dự án dàn trải, không hiệu quả, dự án chậm tiến độ, chất lượng công trình kém. Một loại lãng phí khác đó là lãng phí chất xám, bố trí người chưa đúng chỗ, chưa thực sự quan tâm người tài, chưa “khéo dùng cán bộ” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Để thực hiện rộng rãi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đòi hỏi các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện như vậy sẽ góp phần giáo dục chúng ta - mọi người, mọi nhà, mọi ngành nghề, tổ chức ở mọi cấp, mọi nơi cần phải tiết kiệm để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây cũng chính là hành động thiết thực để góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 
 
HỒNG VĨNH