Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

08:10, 13/10/2016

Về vai trò và sức mạnh của nhân dân trong lịch sử, từ thực tế của dân tộc Việt Nam qua ngàn năm chống xâm lăng, xây dựng và bảo vệ đất nước đã khẳng định "người chèo thuyền là dân, người lật thuyền cũng là dân". 

Về vai trò và sức mạnh của nhân dân trong lịch sử, từ thực tế của dân tộc Việt Nam qua ngàn năm chống xâm lăng, xây dựng và bảo vệ đất nước đã khẳng định “người chèo thuyền là dân, người lật thuyền cũng là dân”. Chủ nghĩa Mác - Lênin nhất quán quan điểm: Sức mạnh của quần chúng nhân dân là vô địch; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Sức mạnh của quần chúng chỉ được phát huy khi họ được tổ chức lại do một đảng chân chính lãnh đạo. Kế thừa và tiếp thu những luận điểm ấy, từ khi mới thành lập và xuyên suốt 86 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá cao ý nghĩa chiến lược và đặc biệt coi trọng công tác vận động, tập hợp nhân dân. 
 
Công tác dân vận nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của nhân dân vì sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong mối quan hệ gắn bó mật thiết, hữu cơ giữa Đảng và Dân, Người yêu cầu “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh” và căn dặn: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
 
Giáo dục, thuyết phục, vận động và tập hợp quần chúng bằng những hình thức tổ chức phù hợp được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm rất sớm. Xuất phát từ nhận thức muốn có sức mạnh của lực lượng quần chúng đông đảo nhất tham gia vào tiến trình thay đổi xã hội cũ bằng một xã hội mới tiến bộ, không thể để quần chúng hành động tự phát, ngược lại đòi hỏi lực lượng quần chúng đông đảo ấy phải có hành động tự giác. Muốn quần chúng hành động tự giác, họ phải được giác ngộ, phải được giáo dục và tổ chức lại. Vì vậy, Người thường xuyên chú ý đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xây dựng lực lượng cách mạng. Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh X.Y.Z viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, đã chỉ rõ bản chất dân chủ của chế độ xã hội mới, đó là:
 
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”...
 
Cũng ở bài báo này, Người đưa ra khái niệm: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”.
 
Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”. Phương thức lãnh đạo công tác dân vận phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, đã xác định: “Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… Đại hội XII của Đảng cũng yêu cầu: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… 
 
Thiết thực đưa Nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, nhân kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10) và Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy (18/10), công tác dân vận của Đảng đang đặt ra vấn đề đổi mới nội dung và cách thức phát động các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị, nắm bắt lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Từ đó xác định nội dung và lựa chọn cách thức vận động sát thực tế với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, thời điểm; sáng tạo trong lồng ghép, kết hợp các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại lợi ích vật chất, tinh thần cho nhân dân. Qua phong trào thi đua, cần quan tâm xây dựng, phát hiện các điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực để nhân rộng trong đời sống. Bên cạnh đó, tăng cường lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác, hướng các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
 
LAN HỒ