Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - chặng đường 85 năm xây dựng và phát triển (18/11/1930 - 18/11/2015)

08:11, 17/11/2015

Trải qua các thời kỳ hoạt động với những hình thức, tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, được thành lập ngày 18 tháng 11 năm 1930. Trải qua các thời kỳ hoạt động với những hình thức, tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng nước ta.
 
1. TRUYỀN THỐNG VẺ VANG CỦA MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM 
 
Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930). Trong giai đoạn cách mạng nước ta chưa giành được chính quyền, các hình thức tổ chức của Mặt trận như: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt minh - 1941) đã thực hiện nhiệm vụ tập hợp, huy động sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến hành đấu tranh cách mạng và tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công, thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội Liêp hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951) tiếp tục vận động, tập hợp, đoàn kết các lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên phủ “chấn động địa cầu”, đi đến Hiệp định Giơ ne vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
 
Từ năm 1954 đến 1975, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơ ne vơ, xâm chiếm miền Nam, đất nước tạm thời chia làm hai miền, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1977) đã cùng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968) tiếp tục đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân cả nước làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang: xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN - làm hậu phương vững chắc, tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên CNXH. 
 
Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) luôn giữ vai trò củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “MTTQVN là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân...”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật MTTQVN năm 1999, khẳng định: “MTTQVN là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài” (Khoản 1, điều 1). “MTTQVN là một bộ phận của hệ thống chính trị của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo...” (Khoản 2, Điều 1).
 
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Mặt trận đã tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất - kinh doanh, học tập, công tác; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển tình đoàn kết hữu nghị với các nước trên thế giới. Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vai trò của MTTQVN tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội. Mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và các tầng lớp nhân dân ngày càng được tăng cường. Ðường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, góp phần to lớn tạo nên sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo nên sức mạnh to lớn để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 
 
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tiêu biểu như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (1995) ra đời hợp ý Đảng với lòng dân; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” (2000) đã góp phần xây dựng hàng trăm ngàn ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (2009) nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; các cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng... Đặc biệt, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”đã được Mặt trận tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện sâu rộng, làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Bác thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại cơ sở và địa bàn dân cư.
 
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, năm 2003 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua Nghị quyết về “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, với mục đích tiếp tục tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam; vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó đến nay, hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11), dưới sự tổ chức và chủ trì của Ban công tác Mặt trận, các địa phương đã sôi nổi tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư. Đây là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, là dịp để bà con trong khu dân cư gặp gỡ, giao lưu, phát động phong trào thi đua và cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo không khí vui tươi, đoàn kết ở khu dân cư. Đồng thời, cũng là dịp cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, để mỗi chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vị trí, vai trò của MTTQVN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
 
85 năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, thách thức đến đâu, Mặt trận luôn có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh của cách mạng; là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.  
 
2. PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI 
 
Để phát huy vai trò to lớn của MTTQVN trong tiến trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện chủ trương đường lối, pháp luật về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò, vị trí của MTTQVN. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”.
 
Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đều quy định: “MTTQVN là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. 
 
Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định: “MTTQVN là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.   
 
Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã xác định quyền và trách nhiệm của Mặt trận là: (1). Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; (2). Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Kế tục và phát huy vai trò lịch sử của Mặt trận qua các thời kỳ, thực hiện đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, MTTQVN thực hiện chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam; lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội. 
 
Để chủ trương trở thành hiện thực, trong thời gian tới MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần tập trung thực hiện có hiệu quả 5 Chương trình thống nhất hành động đã được Nghị quyết Đại hội toàn quốc MTTQVN lần thứ VIII (2014) đề ra: 
 
(1) Đa dạng hóa các hình thức nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
(2) Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân; động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
 
(3) Vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ và giữ gìn kỷ cương, phép nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh; nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội gắn với yêu cầu tăng cường sự đồng thuận xã hội.
 
(4) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
 
(5) Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQVN các cấp.
 
Tiếp tục tổ chức thiết thực, hiệu quả “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư; chú trọng cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thiết thực. Trong đó, cần chú ý tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trong tiến trình phát triển của cách mạnh Việt Nam; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQVN trong giai đoạn cách mạng hiện nay; kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động; truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương gắn với kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước… Đồng thời tổ chức biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu trong năm; phát huy tình cảm nhớ về cội nguồn của con em xa quê để mọi người hướng về gia đình và góp sức xây dựng quê hương, đất nước…
 
Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18/11) là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang của Mặt trận, giúp chúng ta nhận thức và tin tưởng hơn về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQVN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Từ đó khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”, để cùng nhau tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động; góp phần “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, lập thành tích mừng Ðại hội XII của Ðảng.
 
BAN BIÊN TẬP