Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khoá XV họp phiên toàn thể lần thứ bảy

NGUYỆT THU 11:19, 23/12/2023

(LĐ online) - Sáng 23/12, tại Resort Đôi Dép, Khu du lịch thác Prenn, thành phố Đà Lạt, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ bảy. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội Vũ Hải Hà phát biểu khai mạc phiên họp thứ bảy

Phiên họp dưới sự điều hành chủ trì đồng chí Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và các Phó Chủ nhiệm; cùng dự có các Ủy viên Ủy ban đối ngoại, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Tham dự phía tỉnh Lâm Đồng có các đồng chí: Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Khắc Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cùng đại diện văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh.

Phiên họp diễn ra trong 2 ngày từ 23 – 24/12/2023.

Quang cảnh phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đã được nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn báo cáo kết quả hoạt động của Ủy ban Đối ngoại năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024; báo cáo cập nhật tình hình thế giới, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước…

Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về hàm, cấp ngoại giao và Luật Cơ quan đại diện Nhà nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Góp ý thảo luận về tờ trình “Đề án nâng cao chất lượng công tác thẩm tra đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài”…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong phát biểu

Theo báo cáo, Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 31/5/1995 với 5 chương và 28 điều, bao gồm các nội dung về hàm, cấp ngoại giao, mối quan hệ giữa hàm ngoại giao và chức vụ ngoại giao; tiêu chuẩn các hàm ngoại giao phong hàm, thăng hàm, hạ hàm và tước hàm ngoại giao.

Sau 28 năm triển khai và thực hiện, pháp lệnh đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc phong hàm ngoại giao nhằm hướn tới mục tiêu chuẩn hoá đội ngũ công chức ngành ngoại giao; từng bước thực hiện chính quy hoá ngành ngoại giao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Việc triển khai thực hiện pháp lệnh đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Nhà nước; pháp lệnh là cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định; hướng dẫn việc phong hàm ngoại giao và đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà phát biểu tóm tắt về thành tựu nổi bật của công tác ngoại giao năm 2023

Có đại biểu góp ý, kiến nghị, đề xuất các cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho các cơ quan của Quốc hội, vừa qua Đảng, nhà nước ta ta đã tổ chức nhiều chuyến thăm ngoại giao thành công, tuy nhiên, việc đề xuất các nội dung sau hợp tác của các chuyến thăm còn trùng lặp; giống nhau; cơ quan tham mưu chưa nghiên cứu, để có chọn lọc; cần phát huy vai trò giám sát của Quốc hội hơn nữa; cần tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động giám sát.

Các đại biểu tham dự phiên họp phát biểu thảo luận, kiến nghị

Nhiều đại biểu phát biểu bày tỏ vui mừng trước kết quả đạt được của công tác ngoại giao thời gian qua, điều đó đã cho thấy vị thế đối ngoại của Việt Nam đang được nâng lên, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có đại biểu kiến nghị Ủy ban Đối ngoại cần tăng cường thêm thông tin đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho các thành viên của Ủy ban.

Đại biểu Nguyễn Tạo phát biểu thảo luận, kiến nghị về vấn đề quốc tịch

Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo kết quả hoạt động của Ủy ban và kiến nghị Ủy ban cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu đến chế định đối với người người có 2 quốc tịch, người không có quốc tịch Việt Nam nhưng đang sinh sống ở Việt Nam, người không có quốc tịch nước ngoài… nhằm đảm bảo chính sách phù hợp và đúng quy định.

Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các lãnh đạo UBND, HĐND tham dự phiên họp

Các đại biểu tiếp tục thảo luận sâu sắc, trách nhiệm về nhiều nội dung quan trọng như vai trò nghị viện, thúc đẩy kinh tế điện tử, biện pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách, nâng tầm đối ngoại đa phương; tăng cường cung cấp nguồn thông tin đối ngoại chính xác, kịp thời hơn đến các thành viên Uỷ ban Đối ngoại và các ĐBQH nhằm giúp đại biểu hiểu rộng, hiểu sâu hơn về công tác đối ngoại của đất nước ta, thời gian tới sẽ chú trọng tăng cường bản tin ngoại giao nghị viện…

Phiên họp sẽ được xin ý kiến các thành viên và tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết “Đề án nâng cao chất lượng công tác thẩm tra đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài”.

Lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo và các thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội