Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Luật Đấu giá tài sản

NGUYỆT THU 18:42, 28/11/2023

(LĐ online) - Ngày 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo luật Đấu giá tài sản, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Quy định về tài sản đấu giá còn chung chung, chưa cụ thể. Cụ thể, về tài sản đấu giá, dự thảo luật quy định, tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn chung chung, vì theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, tài sản bao gồm bất động sản và động sản.

ĐBQH Nguyễn Tạo góp ý Luật Đấu giá tài sản và Luật dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Đại biểu bày tỏ quan điểm nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn bảo đảm tính đặc thù của một số loại tài sản đấu giá cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.   

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý Luật Đấu giá tài sản

Cụ thể, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, tôi có một số ý kiến, Tại điểm m khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “Tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Tôi cho rằng, quy định như vậy thì quá chung, vì theo quy định của Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Như vậy tài sản đảm bảo là vật, bất động sản, động sản thì có thể đưa ra giấu giá được, còn tài sản là tiền, giấy tờ có giá thì không thể đấu giá vì bản thân của tài sản đó đã có giá trị… Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi điểm m như sau: “Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trừ tài sản đảm bảo là tiền và giấy tờ có giá” thì phù hợp hơn.

Quang cảnh kỳ họp thứ 6

Tại điểm q khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “Tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật về hợp tác xã”; Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị phá sản thì tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phá sản bị đem đấu giá để thanh toán các khoản nợ, do đó những tài sản này phải được quy định theo Luật Phá sản chứ không chỉ theo quy định của pháp luật về hợp tác xã. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm q như sau: "Tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật về hợp tác xã và pháp luật phá sản”.

Như vậy, tài sản bảo đảm là vật, bất động sản, động sản thì có thể đưa ra đấu giá được, còn nếu tài sản là tiền, giấy tờ có giá, thì bản thân tài sản đó đã có giá, không thể đấu giá được. Đại biểu đề nghị dự thảo luật sửa lại theo hướng: tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trừ tài sản bảo đảm là tiền, giấy tờ có giá.

Dự thảo luật cũng có quy định, tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật về hợp tác xã. Khi hợp tác xã phá sản, tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phá sản được đem đấu giá để thanh toán các khoản nợ, do đó những tài sản này phải được quy định theo Luật Phá sản chứ không phải chỉ theo quy định của Luật Hợp tác xã. Đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung nội dung này đảm bảo đầy đủ và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Đề nghị bổ sung Điều 73 về hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá. Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề tồn tại hiện nay và vướng mắc nhất là thay đổi kết quả đấu giá, xử lý vấn đề này tồn đọng lâu nay. Thực tiễn ở địa bàn đấu giá quyền sử dụng đất mà 15 năm trôi qua không thực hiện được, không giao được quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung Điều 73 về hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá, sửa đổi Điều 72 khoản 2, khoản 3, khoản 4… Cụ thể, khi có tình tiết làm thay đổi kết quả giá trị tài sản đấu giá thì phải hủy kết quả đấu giá, và các cơ quan thẩm quyền công nhận kết quả đấu giá đó không thành. Bên cạnh đó, giá trị tài sản không hợp lý theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan Nhà nước phải hủy kết quả đấu giá.

Một vấn đề khác mà các đại biểu đề cập là trúng đấu giá nhưng phải hủy kết quả đấu giá, vì các tiêu chí về hồ sơ đấu giá không đầy đủ. Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị hồ sơ của các cơ quan đấu giá phải được công khai, rõ ràng.

Tiếp tục phiên buổi chiều cùng ngày, thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ quan điểm cơ bản thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới. Việc xây dựng Luật có cơ sở pháp lý vững chắc theo Hiến pháp 2013 khẳng định công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là một vấn đề rất quan trọng, phải được quan tâm đặc thù và ưu tiên.

Bên cạnh đó, các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII đã định hướng “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ”… tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật quy định việc động viên công nghiệp chỉ được thực hiện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định. Đề nghị cần phải lượng hóa cụ thể tỷ lệ này để việc thực hiện Luật được thông suốt và đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 2 trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp chiếm từ 51% trở lên tức là không thuộc đối tượng động viên công nghiệp nhưng tự nguyện thực hiện theo lời kêu gọi của Nhà nước Việt Nam khi đất nước xảy ra tình trạng chiến tranh.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng ngoài hành vi tiết lộ bí mật nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 5, đề nghị bổ sung thêm hành vi: “thu thập, cung cấp các bí mật nhà nước về công nghiệp quốc phòng và an ninh cho nước ngoài” để khẳng định tính chất đặc biệt nghiêm trọng khi có hành vi gián điệp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Đề nghị nghiên cứu kỹ và thận trọng xem xét nội dung quy định tại khoản 7 Điều 18 nêu trên; tránh việc lạm dụng, lách luật và bảo đảm phù hợp với các quy định của  pháp luật Dân sự, pháp luật Hình sự.