Sinh viên Ðà Lạt với nghề len mỹ nghệ

08:09, 12/09/2017

Nhiều sinh viên tại Ðà Lạt đã chọn làm thêm ở nhà bằng nghề đan len mỹ nghệ, tự tay mình khéo léo làm ra những món đồ kỷ niệm xinh xắn "handmade", vừa có thêm thu nhập vừa học thêm được một nghề mới.

Nhiều sinh viên tại Ðà Lạt đã chọn làm thêm ở nhà bằng nghề đan len mỹ nghệ, tự tay mình khéo léo làm ra những món đồ kỷ niệm xinh xắn “handmade”, vừa có thêm thu nhập vừa học thêm được một nghề mới.
 
Một quầy bán đồ len tại chợ Đà Lạt. Ảnh: G.K
Một quầy bán đồ len tại chợ Đà Lạt. Ảnh: G.K

Nguồn thu nhập thêm
 
Với chiếc móc nhỏ bằng kim loại trên tay, Nguyễn Thị Trúc Ly - sinh viên Khoa Văn năm tư Đại học Đà Lạt đang khéo léo móc len thành chiếc lá dâu nhỏ nhắn, vừa làm vừa nói chuyện với chúng tôi. Trong căn phòng trọ nhỏ gần đường Nguyễn Công Trứ - Đà Lạt của Trúc Ly có rất nhiều túi chứa len các màu, trên bàn học là bọc đựng các quả dâu kèm lá xanh - thành phẩm của Ly trong một tuần làm thêm: “Cuối tuần du khách thường lên đông nên chủ hàng hối làm nhanh một chút, chiều phải giao hàng rồi” - Vân tươi cười.
 
Cũng như nhiều sinh viên ở Đà Lạt, cô sinh viên người Quảng Ngãi này tìm được một nghề làm thêm để kiếm thêm thu nhập chút ít trong lúc đi học đại học tại thành phố hoa, đó là nghề đan - móc len.
 
 “Trước đây, em cũng từng đi làm vườn rồi, làm vườn phải có xe máy, cùng đi với nhóm bạn, đi hơi xa một chút, công việc nhiều nhưng rất cực, làm cả ngày từ sáng sớm đến tối mịt mới về, về nhà chỉ muốn lên giường không nhúc nhích nổi người. Em cũng đi làm hoa, mùa tết cả nhóm cùng đi làm được cũng nhiều tiền, công việc không nặng nhưng thời gian rất gò bó, ảnh hưởng việc học. Được một chị người quen chỉ cho cách móc len nên em làm nghề này gần 2 năm nay. Với lại, đây là năm cuối em muốn tập trung cho việc học để ra trường nên chọn công việc làm thêm này rất phù hợp” - Ly cho biết.
 
Nghề đan, móc len này theo Ly không khó, chỉ cần chịu khó quan sát và phải có chút đam mê mới làm được: “Chẳng áp lực như các bạn đi làm gia sư hay phục vụ nhà hàng, tiệc cưới nhưng phải tỉ mỉ một chút. Khoán sản phẩm mà, cứ tùy lịch học mà nhận hàng, nếu bận học thì nhận ít, rảnh thì nhận nhiều, khi nào xong thì mang đến cho các chủ hàng”. 
 
Theo Trúc Ly, tùy vào từng sản phẩm mà người móc len được trả công khác nhau, chẳng hạn như móc lá dâu, mỗi chiếc lá được trả 200 - 300 đồng, một trái dâu sẽ là 500 đồng, một chiếc vớ trẻ em có công cao hơn chút... Những ngày đầu làm chậm nên Ly thu nhập ít, nhưng nay quen tay nên sản phẩm làm ra nhiều, mỗi tuần nếu chăm chỉ thì có thể kiếm được khoảng 200 - 300 nghìn đồng. 
 
Trong dãy nhà trọ nơi Trúc Ly ở cũng có không ít bạn chọn nghề đan len như Ly. Nguyễn Hồng Hoa, người Buôn Mê Thuột, sinh viên năm ba Khoa Luật - Đại học Đà Lạt cho biết. “Đắk Lắk mùa đông cũng lành lạnh như Đà Lạt nên áo len cũng khá thông dụng. Hồi nhỏ em đã mê nghề đan len để tự tay đan đồ cho mình nhưng qua đây học đại học mới học được nghề này”. 
 
Những tìm tòi mới 
 
Ưu điểm lớn nhất của nghề đan, thêu móc len như nhiều sinh viên cho biết là có thể nhận hàng ở nhà làm, làm bất cứ lúc nào mình muốn, tiết kiệm được thời gian đi lại, thu nhập cũng tàm tạm tùy theo khả năng mà không ảnh hưởng việc học.
 
Như chị Hồng - một chủ cửa hàng áo quần trong đó có hàng len và đồ lưu niệm trên đường Bùi Thị Xuân cho biết, đa số người làm ra các sản phẩm thủ công này là sinh viên: “Thú thật, lúc đầu cũng ngại khi giao cho sinh viên làm hàng, nhưng thật sự ngạc nhiên là nhiều bạn rất chịu khó và khéo léo không thua gì những người làm lâu năm, không chỉ nhận giá gia công khá dễ chịu mà hàng các bạn làm ra rất đẹp và luôn có nhiều mẫu mới”. 
 
Trong lúc nói chuyện, chị Hồng đưa chúng tôi xem các món hàng sinh viên làm, đó là những móc khóa nhỏ xinh nhiều màu sắc, những bao đựng điện thoại với nhiều hình thú cách tân ngộ nghĩnh, những bình hoa làm từ len giống hoa thật... Chị cho biết du khách vào cửa hàng rất thích những mẫu hàng mới này nên gần đây chị đặt hàng cho các sinh viên khá nhiều để bán trong mùa hè và dịp lễ hội hoa cuối năm nay.
 
Chị Hải, một người chuyên bán đồ len tại Khu Hòa Bình cũng cho biết rất thường lấy hàng đan móc tay của sinh viên: “Nhiều em rất năng động, thường xuyên cập nhật các kiểu trên mạng nên hàng rất phong phú. Tôi đặt hàng các em nhưng không trả thấp quá, tạo điều kiện cho các em như con cháu mình đi học xa làm thêm đó mà”. Chị Hải cũng đưa chúng tôi xem các mẫu đan móc tự tay sinh viên làm đang rất thịnh hành trong giới trẻ hiện nay như Đôremon, Minion, mèo Kitty...
 
Riêng với Hồng Hoa, cô sinh viên Khoa Luật năm ba này mộc mạc: “Em rất thích nghề này, mai mốt về Buôn Ma Thuột, nếu không tìm được việc làm, em sẽ mở một cửa hàng đồ len, đồ lưu niệm cho du khách với các mẫu hàng độc đáo cách điệu từ các hoa văn người bản địa Tây Nguyên mà em tự mình tìm tòi lâu nay”.
 
GIA KHÁNH