Cô học trò say mê Hóa học

09:02, 16/02/2017

Bằng niềm yêu thích đặc biệt đối với môn Hóa học, cô học trò "bé hạt tiêu"  Trần Thị Anh Thư - lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Bảo Lộc đã mày mò nghiên cứu để tạo ra phần mềm hỗ trợ học tập bộ môn này, giúp nhiều học sinh hứng thú hơn với một môn học vốn được xem là khá "khô khan".

Bằng niềm yêu thích đặc biệt đối với môn Hóa học, cô học trò “bé hạt tiêu”  Trần Thị Anh Thư - lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Bảo Lộc đã mày mò nghiên cứu để tạo ra phần mềm hỗ trợ học tập bộ môn này, giúp nhiều học sinh hứng thú hơn với một môn học vốn được xem là khá “khô khan”.
 
Thư tự tin thuyết trình đề tài của mình. Ảnh: T.Hương
Thư tự tin thuyết trình đề tài của mình. Ảnh: T.Hương

Tâm huyết với môn Hóa
 
Đoạt giải nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm học 2016 - 2017 với đề tài “Phần mềm hỗ trợ học tập môn Hóa học tích hợp công nghệ AR trên Android”, Anh Thư đang tiếp tục hoàn thiện phần nghiên cứu của mình để tham dự cuộc thi cấp quốc gia sắp tới. 
 
Là học sinh chuyên Hóa, Thư luôn đạt kết quả cao ở môn học này và cũng là học sinh giỏi nhiều năm liền. Đối với em, Hóa học có tính thực tiễn rất cao vì áp dụng phong phú vào thực tế. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Thư thấy nhiều bạn gặp khó khăn khi học môn này do nhiều nguyên nhân: ít có cơ hội thực hành, nhiều trường trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy môn Hóa còn hạn chế, ít có điều kiện quan sát thí nghiệm… dẫn đến việc học trở nên thụ động, làm người học cảm thấy nhàm chán và mất hứng thú trong học tập. Vốn tiếp cận công nghệ thông tin nhanh, Thư quyết định xây dựng phần mềm để hỗ trợ việc học Hóa học. Đây là ứng dụng được tích hợp một số công nghệ mới như: thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) kết hợp với kính dùng trong thực tế ảo (VR - Virtual Reality), nhận diện chữ bằng Camera... Ứng dụng bao gồm hệ thống từ điển Hóa học, tóm tắt lý thuyết sách giáo khoa, tiện ích nhanh như bảng tuần hoàn, dãy điện hóa..., quan sát mô hình 3D về cấu trúc chất hay thí nghiệm Hóa học. Chỉ cần một thiết bị chạy Android phiên bản 3.0 trở lên là có thể sử dụng phần mềm hỗ trợ này bằng hai thao tác gõ nhập văn bản hoặc quét từ khóa bằng camera. “Em mong muốn ứng dụng này sẽ tạo ra được niềm hứng thú cho người học và giúp hỗ trợ nhanh cho việc học Hóa, từ đó có thể đóng góp được phần nào vào việc phổ biến môn Hóa học trong học sinh, thúc đẩy ứng dụng thực tiễn bộ môn Hóa trong cuộc sống”, Thư chia sẻ. 
 
Để thực hiện đề tài này, Thư gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm tài liệu bởi không có tài liệu bằng tiếng Việt. Thư phải mày mò, tìm hiểu và với khả năng tiếng Anh khá tốt, cô trò nhỏ dần hiểu được các từ ngữ chuyên ngành. Một trở ngại cũng khiến Thư không ít lần nản chí là việc chạy ứng dụng khi mất điện phải chạy lại, khiến nhiều lần viết gần xong Thư phải dò lại từ đầu. Tuy nhiên, được thầy cô giúp đỡ và hỗ trợ trong việc thực hành thí nghiệm cũng như hướng dẫn nhiệt tình, cộng với sự động viên của cha mẹ tuy làm nông nhưng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Thư nên em đã có động lực để hoàn thành đề tài của mình. 
 
Tạo hứng thú khi học Hóa
 
Phần mềm hỗ trợ học Hóa học của Thư được nhiều học sinh trong trường hào hứng áp dụng và nhiều bạn cảm thấy thú vị khi quan sát những mô hình 3D Hóa học. “Phần mềm này với những hình ảnh sống động và đầy màu sắc, nhìn thực tế và dễ hiểu hơn so với trên sách vở. Do đó, chúng em thích học môn Hóa hơn và việc học cũng dễ dàng hơn”, Nguyễn Thị Bích Trâm - lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Bảo Lộc cho biết. 
 
Đây là năm thứ 5 Trường THPT Chuyên Bảo Lộc tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, với 4 đề tài tham gia đều có giải, đề tài của Thư là 1 trong 2 đề tài đoạt giải nhất chung cuộc và được chọn tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Cô Trương Nguyễn Nha Trang - Giáo viên hướng dẫn Thư thực hiện đề tài khẳng định: “Thư là một học sinh có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh cùng với kiến thức tiếng Anh tốt nên em có thể tìm hiểu tư liệu nước ngoài. Tuy cô trò ít có thời gian gặp trực tiếp bởi cô bận dạy, trò bận học, chủ yếu tranh thủ trao đổi buổi tối qua online nhưng Thư nắm rất vững kiến thức và thực hiện đề tài khá tốt. Tính mới của đề tài là sử dụng công nghệ vào việc học tập giúp học sinh chủ động tìm tòi, làm tăng sự thích thú và phục vụ việc dạy học được thuận lợi hơn. Cô trò chúng tôi hy vọng phần mềm này sẽ phát triển hoàn chỉnh hơn nữa để giúp học sinh có được công cụ học tập môn Hóa”.
 
TUẤN HƯƠNG