Khát vọng của Điểu Hòa

08:05, 18/05/2016

Trong không khí oi bức của cái nắng nóng miền rừng sắp đổ mưa, gần chục đoàn viên, thanh niên (dân tộc Mạ) nhễ nhãi mồ hôi, chăm chú theo dõi người đàn ông có nước da nâu sạm, mặc áo đoàn, đang hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn từ khâu chọn chồi, lấy thân ghép và các thao tác kỹ thuật ghép cải tạo cà phê...

Trong không khí oi bức của cái nắng nóng miền rừng sắp đổ mưa, gần chục đoàn viên, thanh niên (dân tộc Mạ) nhễ nhãi mồ hôi, chăm chú theo dõi người đàn ông có nước da nâu sạm, mặc áo đoàn, đang hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn từ khâu chọn chồi, lấy thân ghép và các thao tác kỹ thuật ghép cải tạo cà phê. Thỉnh thoảng anh lại nở nụ cười như động viên mọi người. Đó chính là anh Điểu Hòa (Bí thư Đoàn xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm). 
 
Điểu Hòa đang hướng dẫn đoàn viên, thanh niên người Mạ ghép cải tạo cà phê
Điểu Hòa đang hướng dẫn đoàn viên, thanh niên người Mạ ghép cải tạo cà phê
Không chịu khuất phục đói nghèo
 
Năm 1995, chàng thanh niên dân tộc Châu Ro (Chơ Ro) - Điểu Hòa, 19 tuổi (sinh 1976), rời bản quán (xã Túc Trưng, Định Quán, Đồng Nai) lên xã vùng sâu Lộc Lâm lập nghiệp. Thời gian đầu, Điểu Hòa đi làm thuê cho cư dân trong vùng. Dần dần, anh tìm hiểu thấy giá đất sản xuất nơi đây cũng không cao lắm, nhiều diện tích còn bỏ hoang. Điểu Hòa đã quyết định dùng số tiền dành dụm được trị giá bằng 4 chỉ vàng để mua 5 sào chè. Từ đó, Điểu Hòa có điều kiện canh tác trên diện tích đất của chính mình. Số tiền bán chè thu hoạch được lại tái đầu tư và mua thêm đất trồng chè, đồng thời khai hoang thêm để trồng cà phê. Trong thời điểm những năm từ 1996 đến 1999 cà phê được giá nên anh đã không ngừng mở rộng diện tích loại cây trồng này. Đến thời điểm đó, Điểu Hòa đã có trong tay hơn 3ha cà phê và 2,5ha chè. 
 
Tưởng chừng, mưu sinh nơi đất khách quê người thuận lợi đối với chàng thanh niên người Châu Ro này, nhưng những năm 2000 - 2001, chè thu hoạch không được là bao, cà phê thì rớt giá thê thảm chỉ khoảng 4.200 đồng đến 5.000 đồng/kg cà phê nhân nên  đẩy anh vào tình cảnh khốn khó. Điểu Hòa phải vay mượn đủ bề để có tiền đầu tư duy trì vườn chè và cà phê. Điều tồi tệ hơn, anh lại đổ bệnh nặng, nằm viện ròng nhiều tháng trời.
 
Nhớ lại những thời khắc đó, Điểu Hòa như rơm rớm nước mắt khi tâm sự với chúng tôi: “Lúc đó tưởng chừng không trụ nổi nữa anh ạ! Nhưng khi nghĩ lại nếu mình không bám trụ trong những thời khắc này xem như thất bại”. Tuổi trẻ và ý chí đã thôi thúc anh tiến lên phía trước. Năm 2006, Điểu Hòa được vay 5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách huyện Bảo Lâm để cải tạo và đầu tư lại khu vườn của mình. Đến nay, anh có tổng diện tích trên 7ha, trong đó 3ha chè và 4ha cà phê. Riêng năm 2015, gia đình Điểu Hòa thu về gần 150 triệu đồng tiền chè, 20 tấn cà phê nhân cũng cho nguồn thu trên 600 triệu đồng.
 
Khi thấy Điểu Hòa vừa năng nổ, nhiệt tình, lại biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi và trồng trọt, giữa năm 2013, Tỉnh Đoàn phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đầu tư mô hình chăn nuôi dê lai cho gia đình anh. Trong đó, các cấp ngành hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình anh bỏ 60 triệu đồng mua 24 con dê giống và làm chuồng trại. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, đồng cỏ lại thuận lợi nên đàn dê của gia đình anh sinh sản nhiều và mau lớn. Đến nay, ngoài số dê thịt và dê cái giống đã bán 65 con, thì trong chuồng nhà anh còn 42 con dê cái sinh sản và dê đực giống. 
 
Bằng ý chí và công sức của mình đổ xuống, nên mỗi năm từ chăn nuôi và trồng trọt, Điểu Hòa thu về không dưới 500 triệu đồng (đã trừ chi phí).
 
Hết lòng vì đoàn viên, thanh niên
 
Từ khi là đoàn viên, ngoài chí thú làm giàu, Điểu Hòa luôn canh cánh với cuộc sống khó khăn của các đoàn viên, thanh niên nơi đây. Anh đặt nhiều câu hỏi: Đất sản xuất khá nhiều sao họ cứ đói nghèo mãi? Phải chăng do lối tư duy canh tác lạc hậu? Những câu hỏi đó luôn thôi thúc Điểu Hòa làm một cái gì đó để giúp đỡ bà con nơi đây có cái ăn, cái mặc. Với sự nhiệt tình, năng nổ trong công tác Đoàn, đầu tàu trong sản xuất nông nghiệp, nên Điểu Hòa được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Lộc Lâm. Trên cương vị mới, anh có điều kiện tiếp xúc nhiều với các đoàn viên, thanh niên. Đây cũng là cơ hội tốt để Điểu Hòa thực hiện mong ước của mình.
 
Những buổi sinh hoạt Đoàn xã, cũng như ở thôn buôn, ngoài tuyên truyền các đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt các phong trào hoạt động của địa phương, anh còn dành nhiều thời gian hướng dẫn họ cách làm ăn phát triển kinh tế. Anh nghĩ: Mình phải cầm tay chỉ việc thì may ra mới có kết quả cao. Điểu Hòa lấy mảnh vườn cà phê, chè và chuồng trại của mình ra làm dẫn chứng để hướng dẫn các đoàn viên, thanh niên kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. “Mưa dầm thấm đất”, sau một thời gian, nhiều đoàn viên, thanh niên đã áp dụng thành công những cách làm hay của anh tại gia đình mình. Đoàn viên Ka Ngọc ở thôn 3 cho biết: “Điểu Hòa rất quan tâm đến cuộc sống của gia đình đoàn viên, thanh niên. Cái gì anh biết là truyền lại cho mọi người hết nên ai cũng rất quý trọng, nể phục anh”.
 
Năm 2015, Điểu Hòa còn cho đoàn viên K’Tùng ở thôn 2 và K’Đảo ở thôn 3 vay 20 triệu đồng không lấy lãi suất để mua phân bón cho cà phê. Trong năm 2016 này, anh dự định tiếp tục cho hai đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, Điểu Hòa còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho trên 20 đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, anh đứng ra thành lập 3 tổ nhóm giúp nhau làm kinh tế với 42 đoàn viên tham gia.
 
Ông K’Giáp Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm nhận xét: “Anh Điểu Hòa là một người hết lòng vì xã hội, nhất là đối với việc giúp các đoàn viên phát triển kinh tế. Chính anh đã góp một phần không nhỏ giúp các đoàn viên nơi đây có cơ hội thoát nghèo. Đến nay, trong tổng số 136 đoàn viên thì chỉ còn 11 đoàn viên thuộc hộ nghèo là điều rất đáng mừng”.
 
Với sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hết lòng vì mọi người và buôn làng nơi đây, anh Điểu Hòa đã được Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng rất nhiều bằng khen. 
 
Hôm nay, trong căn nhà ấm cúng của mình cùng vợ và 2 con ở miền sơn cước, Điểu Hòa cho chúng tôi biết nhiều dự định trong tương lai thật đáng trân trọng. “Mong rằng bà con trong buôn làng ai cũng no cơm, lành áo là mừng nhất” - đó là suy nghĩ và mong muốn nhất của Điểu Hòa.
 
THẾ HẠNH