Đà Lạt: Thúc đẩy chuyển đổi số xây dựng đô thị thông minh

06:11, 22/11/2022
Từ khi khái niệm “Chuyển đổi số” còn chưa phổ biến thì TP Đà Lạt đã bắt tay xây dựng “Thành phố thông minh” với những lộ trình cụ thể. Sau 3 năm xây dựng và vận hành, Thành phố thông minh Đà Lạt đã có những kết quả khả quan, là bước đệm quan trọng cho tiến trình chuyển đổi số của Đà Lạt. 
 
Trung tâm Điều hành thông minh, “não bộ số” của thành phố thông minh
Trung tâm Điều hành thông minh, “não bộ số” của thành phố thông minh
 
  XÂY DỰNG HẠ TẦNG SỐ VÀ DỮ LIỆU SỐ
 
TP Đà Lạt đã phối hợp VNPT Lâm Đồng xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành dữ liệu ở 16 phường, xã được công bố trên Cổng thông tin công bố quy hoạch TP Đà Lạt và phần mềm trên thiết bị di động. Theo đó “Thông tin quy hoạch Đà Lạt” công bố thông tin cho người dân dữ liệu các lĩnh vực về quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, quy hoạch phân khu, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất… trên nền tảng GIS. Đến nay, đã số hóa dữ liệu được 116.848 thửa đất cho 12 phường và 4 xã; số hóa dữ liệu quy hoạch cho 17 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt và số hóa dữ liệu giao thông 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm. 
 
Cổng thông tin công bố quy hoạch TP Đà Lạt cung cấp các thông tin liên quan đến các dự án về chỉnh trang đô thị như: xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các khu đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực… giúp người dân và doanh nghiệp không phải đối mặt với những vấn đề bức xúc; đồng thời qua đó chính quyền thành phố xây dựng một hình ảnh minh bạch trong mắt người dân. Trung bình mỗi ngày hơn 550 lượt xem trang, số lượt tải ứng dụng tổng 48.045 lượt.
 
Thành phố Đà Lạt đã triển khai hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cổng thông tin du lịch và phần mềm ứng dụng Dalat City; qua đó, du khách có thể thực hiện thủ tục cho chuyến du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet, từ tìm hiểu, cập nhật thông tin về TP Đà Lạt thông qua các cổng thông tin du lịch, mạng xã hội và các diễn đàn du lịch; đặt vé, phòng khách sạn qua mạng; tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết; tương tác mạng xã hội trên suốt lịch trình; nhận các thông tin sự kiện văn hóa, lễ hội, du lịch; đánh giá, góp ý về chất lượng dịch vụ, phục vụ của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt.
 
Đến nay, đã cập nhật được 1.570 cơ sở lưu trú, 819 cơ sở ăn uống, 138 địa điểm du lịch, 96 địa điểm mua sắm, 561 điểm giải trí và gần 1.000 địa điểm tiện ích công cộng; đã cung cấp thông tin trên TP Đà Lạt (danh bạ công an, ATM, cây xăng, bệnh viện, nhà thuốc, nhà xe, bãi đỗ xe…). Ngoài việc sử dụng các tiện ích của ứng dụng, khách du lịch có thể liên hệ với các cơ quan chức năng qua số điện thoại đường dây nóng để được hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh khi du lịch tại Đà Lạt. Đến nay, đã có 1,2 triệu lượt truy cập, trung bình mỗi ngày là 1.500 lượt.
 
  “KẾT NỐI SỐ” VỚI CHÍNH QUYỀN
 
Đối với các ứng dụng nội bộ phục vụ công tác quản lý nhà nước, TP Đà Lạt đã đưa vào khai thác các phần mềm nghiệp vụ: Cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh giúp công chức giải quyết các thủ tục cấp phép vực xây dựng 10.939 hồ sơ; đăng ký kinh doanh 15.595 hồ sơ… Từ ngày 15/12/2020, thành phố đưa vào khai thác phần mềm Xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng, văn hóa du lịch. Việc ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ đã từng bước tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng - đô thị, kế hoạch đầu tư theo hướng hiện đại. Đầu tư và triển khai các phần mềm quản lý việc thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND thành phố, quản lý việc giải quyết các chỉ đạo của UBND thành phố trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
 
Đặc biệt, ứng dụng “ Đà Lạt Trực tuyến - iGov Connect”- Kết nối Người dân và Chính quyền cung cấp trên 2 nền tảng di động và website dễ khai thác, sử dụng, nâng cấp, bổ sung tính năng, có thể tác nghiệp trên điện thoại thông minh, máy vi tính nên công chức có thể tiếp nhận, xử lý, báo cáo kết quả nhanh chóng và công dân dễ dàng khai thác các tính năng của ứng dụng và các phần mềm kèm theo. Điều này giúp cho các phòng, ban, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm trên các lĩnh vực. Ứng dụng còn là cầu nối, kênh tương tác giữa Nhân dân, tổ chức với chính quyền thành phố.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, có 38.652 công dân tải, sử dụng ứng dụng Đà Lạt trực tuyến; có 47.630 công dân lấy số trực tuyến để thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thành phố Đà Lạt. Sau hơn 3 năm vận hành, trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận được 8.238 phản ánh tại hiện trường trên các lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông…
 
Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng Đà Lạt trở thành Thành phố thông minh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng cách tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch, trong đó có nhiều hệ thống đang cung cấp dữ liệu thời gian thực như: hệ thống chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hiệu quả hoạt động của chính quyền và độ hài lòng của người dân; an ninh trật tự công cộng; các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý sử dụng đất đai; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; tích hợp kết nối hiển thị các ứng dụng trên thiết bị di động tại Trung tâm giám sát gồm các ứng dụng: Đà Lạt trực tuyến, Quy hoạch Đà Lạt, Giáo dục, Du lịch, Việc làm Lâm Đồng…
 
DIỄM THƯƠNG