Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

12:08, 11/08/2022
(LĐ online) - Theo Sở Y tế Lâm Đồng, ghi nhận đến ngày 9/8, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn toàn tỉnh là 1.796 ca, tăng 1425 ca so với cùng kỳ 2021, chưa ghi nhận ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết. Cao điểm 3 tháng gần đây, số ca bệnh SXH đã tăng lên 3 con số từ 166 ca (tháng 5), lên 512 ca (tháng 6) và 849 ca (tháng 7).
 
Triển khai các biện pháp phòng chống SXH tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng
Triển khai các biện pháp phòng chống SXH tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng
 
Đến hết ngày 9/8, số ổ dịch SXH được xử lý là 708/720, đạt 98,3%, một số ổ dịch có yếu tổ dịch tễ từ nơi khác nên chỉ ghi nhận và không xử lý (Đà Lạt 9 ổ dịch, Đức Trọng 2, Lâm Hà 1).
 
Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, đoàn cán bộ y tế địa phương cùng phối hợp với Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, triển khai các hoạt động phòng chống SXH. Từ tháng 4 đến nay, có nhiều đoàn giám sát hoạt động phòng chống SXH và giám sát phun xử lý ổ dịch tại một số phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đạ Tẻh.
 
Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao như: Bảo Lộc 368 ca, Di Linh 361 ca, Đạ Tẻh 272 ca, Đức Trọng 208 ca, Lâm Hà 183 ca, Bảo Lâm 137 ca…
 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã làm việc với Trung tâm Y tế các huyện và lãnh đạo UBND các huyện Di Linh, Bảo Lâm, TP Bảo Lộc, Đam Rông, Đạ Tẻh để triển khai các hoạt động phòng chống SXH, tiêm chủng Covid-19, tiêm chủng thường xuyên và các bệnh dịch mới nổi như bạch hầu, bệnh đậu mùa khỉ... nhằm giảm ca mắc và ổn định tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị tăng cường công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế. 
 
Chỉ đạo các đơn vị thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề "Đẩy lùi bệnh SXH". Tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống SXH, tay chân miệng, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và làm việc với UBND các huyện, thành phố có ca bệnh SXH tăng cao và các đơn vị có tiến độ tiêm vắc xin chậm và tỷ lệ đạt thấp tại các huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Di Linh, Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà.
 
Chỉ đạo các đơn vị tham mưu UBND các huyện, thành phố huy động các phòng, ban thuộc địa phương quản lý để tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
 
Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.
Khó khăn đối với công tác phòng chống dịch bệnh SXH hiện nay do sự chủ quan và thiếu tinh thần tự giác cũng như việc không duy trì thường xuyên các hoạt động phòng chống bệnh SXH tại gia đình, cộng đồng của không ít người dân hiện đang được xem là một trong những trở lực lớn trong công tác phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh. Có không ít người dân xem việc phòng chống SXH là nhiệm vụ của ngành y tế nên thiếu sự chủ động tham gia vào các hoạt động phòng chống SXH do ngành y tế phát động. 
 
Nhiều bệnh nhân SXH không đến cớ sở y tế để khám và điều trị hoặc đến muộn khi đã xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo dẫn đến lây lan dịch bệnh tại cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tổ chức phun hóa chất tại các khu vực người dân có nuôi tằm còn gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng tới tằm và kén.
 
Hóa chất vật tư phục vụ cho công tác điều trị SXH đặc biệt là dung dịch cao phân tử còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu (hiện nay theo thông báo của Cục Quản lý dược dung dịch cao phân tử đặc biệt là dung dịch dextran đã hết hàng). Tại một số huyện thành phố chưa có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các ban, ngành đoàn thể trong việc tổ chức, triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các địa phương; thiếu sự kiểm tra giám sát, nhắc nhở việc thực hiện diệt lăng quăng của người dân và cộng đồng.
 
Để phòng chống dịch bệnh SXH trong thời gian tới, không để dịch bệnh lan rộng kéo dài, Sở Y tế Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng chống bệnh sốt xuất huyết”. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban thuộc địa phương quản lý để tổ chức thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH, tay chân miệng. Tăng cường công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế. 
 
Phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống SXH với nhiều hình thức để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như: Lật úp, loại bỏ các dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt lăng quăng (bọ gậy), nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của bệnh SXH và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. 
 
Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân SXH trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, chủ động nguồn hóa chất tại địa phương để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế.
 
Các cơ sở khám, chữa bệnh, thu dung bệnh nhân chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư… để phục vụ cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khi tới khám và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; theo dõi điều trị và chuyển tuyến kịp thời hợp lý, không để bệnh nhân diễn tiến nặng và tử vong do SXH.
 
AN NHIÊN