Lâm Đồng tiêm 20.000 liều vắc xin phòng COVID-19

05:06, 18/06/2021

Vắc xin phòng chống dịch COVID-19 đang là mối quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong cơn đại dịch này. Xoay quanh chủ đề này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế về công tác triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn Lâm Đồng.

BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng
BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng
Vắc xin phòng chống dịch COVID-19 đang là mối quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong cơn đại dịch này. Xoay quanh chủ đề này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế về công tác triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn Lâm Đồng.
 
ĐỢT 1 ĐÃ TIÊM ĐƯỢC CHO 8.347 NGƯỜI
 
PV: Thưa ông, xin ông cho biết kết quả việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 vừa qua cũng như một số nhận định, đánh giá rút kinh nghiệm qua việc triển khai tại Lâm Đồng?
 
BSCKII Nguyễn Đức Thuận: Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 (là đợt 2 theo phân bổ của Bộ Y tế) tỉnh Lâm Đồng được cấp 7.100 liều vắc xin của AstraZeneca, trong đó có 400 liều cho lực lượng công an. 
 
Từ ngày 23/4/2019 đến ngày 5/5/2021, ngành Y tế đã tiến hành tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho cán bộ y tế, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Kết quả đến 16h00 ngày 5/5/2021, đã tiêm được cho 8.347 người (đạt tỷ lệ 117%, do một lọ vắc xin thường đóng trên 10 liều).
 
Một số nhận định, đánh giá rút kinh nghiệm qua việc triển khai đợt 1 đó là: Các cơ sở đã tổ chức buổi tiêm chủng đúng theo quy định của Bộ Y tế. Công tác tiêm chủng đạt tiến độ do Bộ Y tế giao và đạt 117%. Trong đó, 26,7% đối tượng tiêm chủng có phản ứng nhẹ sau tiêm như: sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ, chóng mặt, buồn nôn… 1 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm (cán bộ y tế của Bệnh viện II Lâm Đồng) đã được xử lý kịp thời, đúng quy trình. 
 
Kinh phí triển khai tiêm vắc xin đợt 1 chưa được cấp nên các đơn vị phải tự tạm ứng nguồn kinh phí để sử dụng. Số lượng vắc xin phân bổ còn ít, do đó số người được tiêm còn thấp. Chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về việc cập nhật hồ sơ sức khỏe cho các đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, do đó thông tin tiêm chủng của người đi tiêm chưa cập nhật theo hệ thống, chưa được quét QR code. 
 
Rút kinh nghiệm, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng sẽ sớm liên hệ với Bộ Y tế để được hướng dẫn triển khai nhập hồ sơ tiêm chủng trên phần mềm hồ sơ sức khỏe cho đợt tiêm tiếp theo, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, kết nối thế giới.
 
ĐỢT 2 LÂM ĐỒNG CÓ 20.000 LIỀU
 
PV: Xin ông cho biết cụ thể kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đợt 2?
 
BSCKII Nguyễn Đức Thuận: Đợt 2 tại Lâm Đồng, theo Quyết định Bộ Y tế phân bổ vắc xin (đợt 3 của Bộ Y tế ) cho tỉnh 20.000 liều vắc xin của AstraZeneca, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Thời gian tiêm là: mũi 1 từ ngày 15/6/2021 - 5/7/2021; mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm đợt 1 thời gian từ ngày 25/6/2021 đến 15/7/2021. 
 
Các đối tượng tiêm trong đợt 2 theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ gồm:
 
a) Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch:
 
- Người làm việc trong các cơ sở y tế.
 
- Người tham gia phòng, chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).
 
- Quân đội (đối tượng làm việc tại các khu cách ly tập trung).
 
- Công an (tổ chức tiêm theo ngành).
 
b) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
 
c) Ban chỉ đạo, nhân viên các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.
 
d) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải.
 
e) Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
 
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng
 
PV: Ngành Y tế đã chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho công tác an toàn tiêm chủng như thế nào?
 
BSCKII Nguyễn Đức Thuận: Để thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 được đảm bảo an toàn, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện một số nội dung sau:
 
- Cơ sở vật chất: Chỉ đạo các đơn vị bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc một chiều, đảm bảo có khu vực chờ trước tiêm chủng; khu vực sàng lọc, tư vấn; phòng tiêm chủng và theo dõi, xử trí tai biến sau tiêm chủng 30 phút đảm bảo thông thoáng, đủ ghế ngồi và giữ khoảng cách giữa các đối tượng được tiêm chủng, nhân viên y tế, người nhà. Chỉ đạo các đơn vị đảm bảo hệ thống máy tính, mạng Internet tại các điểm tiêm chủng để thực hiện nhập dữ liệu trong buổi tiêm chủng.
 
- Trang thiết bị: Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêm chủng, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết. Có bồn rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh. Các bề mặt thường xuyên tiếp xúc phải được vệ sinh bằng các biện pháp thích hợp (ít nhất 1 lần/buổi khi có dịch tại cộng đồng và ít nhất 1 lần/ngày khi không có dịch tại cộng đồng). Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang ngay tại vị trí cửa ra vào và các vị trí đối tượng tiêm chủng, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại cố định, thang máy...). Các tài liệu chuyên môn theo quy định; áp phích, tờ rơi hướng dẫn các bước thực hiện tiêm chủng, lịch tiêm chủng, theo dõi, chăm sóc, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng để cán bộ y tế, đối tượng tiêm chủng có thể đọc, xem được.
 
Chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1 mg/ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1 mg/1 ml vào bơm tiêm gắn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ (khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng, ỉa chảy….) tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp (ưu tiên mặt trước bắp đùi) sau đó theo dõi và xử trí theo Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT.
 
- Nhân lực: Tổ chức tập huấn tiêm vắc xin COVID-19 cho các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, Công an, Quân đội trên địa bàn tỉnh. Thành lập đội cấp cứu lưu động sẵn sàng huy động để thường trực cấp cứu kịp thời các trường hợp sốc phản vệ xảy ra nếu có. Chỉ đạo các đơn vị bố trí nhân lực để thực hiện công tác tiêm chủng theo qui định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế: Mỗi bàn ít nhất 3 người gồm một BS, 2 điều dưỡng.
 
- Các bước thực hiện tiêm chủng
 
Bước 1: Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón.
 
Hướng dẫn đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử; phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng (nếu đối tượng không mang); đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng. 
 
Bước 2: Cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo mẫu (Phụ lục 5) để người được tiêm chủng đọc, điền thông tin và ký nếu đồng ý tiêm chủng. Hướng dẫn người được tiêm chủng nhập các thông tin trên phần mềm Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại của người được tiêm chủng (nếu có).
 
Bước 3: Khám sàng lọc đối tượng trước khi tiêm chủng theo hướng dẫn tại Quyết định 1624/QĐÐ-BYT ngày 18/3/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca (mẫu tại Phụ lục 6). Tư vấn cho đối tượng tiêm chủng về lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng. Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Thông báo các phản ứng sau tiêm bằng phần mềm Sổ sức khỏe điện tử.
 
Bước 4: Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Thông tư số 34/2018/TT-BYTT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
 
+ Danh sách đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 (lập file excel theo mẫu tại phụ lục 8) và nhập đầy đủ vào phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử tại địa chỉ http://hssk.kcb.vn/.
 
+ In phiếu chứng nhận tiêm chủng có mã QR code trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử cho các đối tượng đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định và mẫu của Bộ Y tế (mẫu phiếu đã được Bộ Y tế thiết kế sẵn trên hệ thống phần mềm).
 
KHUYẾN NGHỊ 
 
PV: Xin ông cho biết một số khuyến nghị khi tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng được tiêm chủng lần này?
 
BSCKII Nguyễn Đức Thuận: Khi tiêm vắc xin, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm… Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng. Theo các chuyên gia, phản ứng sau tiêm chủng vắc xin phòng bệnh COVID-19 thậm chí là có lợi vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin. Để giảm bớt tình trạng này thì ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh: Bổ sung nước cho cơ thể, chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng.
 
PV: Đồng thời với việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì ngành Y tế khuyến cáo Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay như thế nào?
 
BSCKII Nguyễn Đức Thuận: Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tại một số tỉnh đã có nhiều ổ dịch trong cộng đồng… Vì vậy, bên cạnh việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì ngành Y tế khuyến cáo Nhân dân thực hiện một số nội dung sau:
 
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tập trung đông người).
 
- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
 
- Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý, xây dựng lối sống lành mạnh.
 
- Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
 
- Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
 
- Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân.
 
- Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)