Giáo dục huyện Đức Trọng tiếp tục cụ thể hóa nghị quyết Tỉnh ủy

06:06, 25/06/2021

Thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 18/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (NQ13) về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo  tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020...

Thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 18/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (NQ13) về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành Kế hoạch số 104 ngày 24/8/2018.
 
Trường THCS Phú Hội - Trường chuẩn quốc gia năm 2013
Trường THCS Phú Hội - Trường chuẩn quốc gia năm 2013
 
100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày 
 
Khái quát sau gần 3 năm thực hiện NQ13 có thể nhận thấy, chất lượng, hiệu quả GDĐT của huyện Đức Trọng từng bước nâng lên theo hướng toàn diện, đảm bảo thực chất; chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đạt kết quả khá tốt; đội ngũ phát triển cả số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Quy mô trường, lớp ổn định, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường; phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh…
 
Thực hiện các mục tiêu cụ thể, GDĐT Đức Trọng đạt khá nhiều lĩnh vực. Ở giáo dục mầm non, 100% xã, thị trấn có trường học; trong đó 27/28 trường tổ chức được nấu ăn tại chỗ cho trẻ. Chỉ còn Trường Mầm non Đà Loan chưa tổ chức được, trẻ mang cơm đi ăn và ngủ lại trường để học 2 buổi/ngày như 27 trường khác. Trưởng phòng GDĐT huyện Thái Quốc Hoàn chia sẻ: “Do đặc điểm địa bàn rộng, nhiều điểm trường, cơ sở vật chất chưa đáp ứng; nhưng ngành quyết tâm và được địa phương quan tâm, vào năm mới, trường xây dựng xong, điều kiện tổ chức nấu ăn tại chỗ cho trẻ sẽ thực hiện được”. Về huy động học sinh, tỷ lệ trẻ từ 0-2 tuổi đến nhà trẻ so với trẻ trong độ tuổi đạt 30,5%; trẻ đi học mẫu giáo trong độ tuổi 3-5 đạt 87,8%; trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 2,8%, giảm 3%, và trẻ thể thấp còi 7,16%. Đối với tiểu học, Đức Trọng hiện có 30 trường công lập và một trường tư thục. Đây là điều kiện góp phần quan trọng để huyện đạt 100% số xã hoàn thành chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 về tiểu học và tuyển sinh vào lớp 1 đạt 100%. Đáng ghi nhận nữa là cả 31/31 trường đều tổ chức được dạy học 2 buổi/ngày; đặc biệt trong đó 100% học sinh khối 1 với 4.006 học sinh; còn khối 2 đến khối 5 có 4.436 học sinh. Yếu tố này đưa giáo dục tiểu học của huyện ổn định và mỗi năm học tăng dần về mặt chất lượng giáo dục toàn diện. Đối với giáo dục THCS, tuyển sinh lớp 6 đạt 100% và tốt nghiệp THCS đạt gần 100%. Còn giáo dục thường xuyên huyện Đức Trọng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 522 của Thủ tướng về “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Năm 2020, đánh giá về “Cộng đồng học tập”, huyện có 5/15 xã xếp loại tốt, 10/15 xã xếp loại khá, không còn xã trung bình so với năm trước đó…
 
Đội ngũ đạt chuẩn là điểm cộng
 
Để đạt được những mục tiêu trên, huyện Đức Trọng triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp theo tinh thần của NQ13. Đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, công tác phối hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể, Nhân dân. Đến nay, 84/84 trường công lập đều có chi bộ độc lập với số lượng 986 đảng viên, chiếm trên 40%. Đó là tập trung công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Toàn huyện có 6 trường THPT, 20 trường THCS, 31 trường tiểu học, 28 trường mầm non, một trường trung cấp kinh tế kỹ thuật, một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 15 trung tâm học tập cộng đồng. Trưởng phòng Thái Quốc Hoàn cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương, Kế hoạch 3898 của UBND tỉnh và Kế hoạch 95 của Huyện ủy, Phòng tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch, đề án cụ thể và đã được phê duyệt, dự kiến trong năm 2021 này sẽ sáp nhập 7/70 trường công lập theo lộ trình. Việc sáp nhập giảm được đầu mối, theo đó sẽ giảm được bình quân 10% về đội ngũ như nghị quyết”. 
 
Vấn đề bồi dưỡng, phát triển cán bộ quản lý, giáo viên ở Đức Trọng đã và đang tích cực phát huy. Toàn ngành GDĐT huyện có 2.138 cán bộ, giáo viên, nhân viên và hợp đồng theo Nghị định 68 thêm 136 người. Theo Luật Giáo dục 2019, huyện Đức Trọng có trình độ đội ngũ ở giáo dục mầm non đạt chuẩn 99,7%, trên chuẩn 73,4%; tiểu học đạt chuẩn 71,3%, trên chuẩn 0,12% và THCS đạt chuẩn trên 80%, trên chuẩn 0,45%. Kết quả này cao hơn nhiều địa bàn trong tỉnh và là yếu tố tích cực từ chủ trương của Phòng GDĐT động viên khuyến khích đội ngũ nâng cao năng lực, không chỉ đón đầu hiệu lực pháp lý của Luật Giáo dục mà đáp ứng tốt Chương trình giáo dục mới 2018. Hiện nay, số cán bộ quản lý và giáo viên theo học nâng trình độ trên chuẩn của Đức Trọng đang tiếp tục tăng. 
 
Nhiệm vụ và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục còn là đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị. Trong năm 2020, từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện và tài trợ, ngành GDĐT Đức Trọng được đầu tư xây dựng 66,6 tỷ đồng; các trường mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học trên 11 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 55/70 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 78,5%. Đây là những cơ sở cần giữ vững và tiếp tục nâng lên để đảm bảo tiêu chí của một huyện nông thôn mới. Trưởng phòng Thái Quốc Hoàn cũng cho biết, số lượng trường đông và rải đều trên địa bàn rất rộng, đội ngũ và chất lượng giáo dục thì huyện đều đạt, chỉ vướng nhất ở cơ sở vật chất. Tuy nhiên, 2 năm nay, huyện và tỉnh rất quan tâm và đầu tư liên tục, đơn cử Trường Mẫu giáo Đà Loan là ví dụ mới nhất. 
 
Có thể nói những ưu điểm và thành quả đạt được trong việc triển khai thực hiện NQ13 là cần ghi nhận. Cuối tháng 5/2021, Đoàn Giám sát 261 của Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã ghi nhận những thành tích; đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế và tồn tại. Trước hết, đó là chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn tuy chuyển biến tích cực nhưng còn chậm; một số trường chưa thực sự quan tâm đúng mức về giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về đổi mới phương pháp quản lý và dạy học; cơ sở vật chất chưa đồng bộ để đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GDĐT còn hạn chế, nhất là vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đoàn Giám sát đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung để huyện tiếp tục rút kinh nghiệm những hạn chế, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện.
 
MINH ĐẠO