Truyền thanh cơ sở - đừng để lãng phí một kênh tuyên truyền quan trọng

06:10, 15/10/2019

Thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi nhanh chóng cả hình thức lẫn nội dung của các loại báo chí truyền thống...

Thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi nhanh chóng cả hình thức lẫn nội dung của các loại báo chí truyền thống. Trong vòng xoáy đó, hệ thống truyền thanh cơ sở (TTCS) cũng dần bị rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, TTCS với những tính chất đặc thù và ưu thế nhất định, với sự quan tâm, nhìn nhận đúng mức, TTCS sẽ thực sự trở thành một kênh hữu hiệu, đắc lực trong việc chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Đặc biệt là người dân nông thôn, đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Nhiều địa phương vẫn còn thờ ơ với truyền thanh cơ sở
 
Ở thời điểm hiện tại, 116 xã trên địa bàn toàn tỉnh đều được trang bị hệ thống TTCS để phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Trong đó, 115 xã có hệ thống truyền thanh vô tuyến (không dây) và 1 xã đang sử dụng truyền thanh hữu tuyến cùng 20 đài truyền thanh cơ sở, hiện nay vẫn hoạt động ngoài dải tần số vô tuyến điện đã được quy hoạch (54MHz-68MHz).
 
Theo ông Huỳnh Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lâm Đồng: “Hạ tầng mạng lưới của đài truyền thanh tuy đã có điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng hạ tầng hệ thống đài truyền thanh cơ sở ở một số xã, thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư ở thời điểm công nghệ truyền thanh còn lạc hậu, hư hỏng thường xuyên, chính sách sau đầu tư như duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp chưa hợp lý đã khiến hàng loạt đài bị xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin - truyền thông cơ sở; độ phủ chưa đảm bảo theo quy định (70% số hộ gia đình trong thôn); chưa phát huy hết tác dụng của hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, xóm phục vụ cho công tác thông tin - tuyên truyền”.
 
Cũng theo kết quả đánh giá mới nhất của Sở TT&TT về truyền thanh cơ sở: Hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn còn thiếu, bộ máy tổ chức và nhân lực còn ít, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn yếu, chưa qua đào tạo cơ bản mà chủ yếu thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều việc, chế độ phụ cấp thấp nên không có sự toàn tâm và ổn định.
 
Hầu hết các đài truyền thanh cấp xã hiện nay đều thực hiện nghiêm túc việc tiếp sóng và phát lại chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Tuy nhiên, có một số đài xã không thu được do máy thu đã sử dụng quá lâu và do địa hình các xã miền núi phức tạp nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp sóng.
 
Đầu tư nhỏ giọt
 
Hiện nay, đài truyền thanh cấp xã thực hiện chế độ phát sóng bình quân 2 buổi/ngày, với thời lượng từ 40 - 125 phút/ngày. Ngoài việc tiếp sóng các đài cấp trên, truyền thanh cấp xã còn phát các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; đọc các thông báo hỗ trợ về hoạt động y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, nông thôn, phòng chống ma túy... tại địa phương. Với nhiều chức năng thông tin và được đánh giá là một kênh quan trọng với người dân nông thôn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên hệ thống truyền thanh cơ sở lại nhận được mức đầu tư tương đối ít và nhỏ giọt.
 
Trong giai đoạn từ 2011 - 2015, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư mới và nâng cấp một số đài truyền thanh cơ sở. Có 34/117 đài được xây dựng mới chủ yếu bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở (7 đài) và nguồn vốn từ Chương trình hỗ trợ giá đầu tư trực tiếp, trợ giá và cấp không thu tiền hàng chính sách miền núi tỉnh Lâm Đồng (27 đài).
 
Gần đây, sau khi có kế hoạch “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở phục vụ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020” của UBND tỉnh; năm 2018, Sở TT&TT cũng đã tiến hành đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở cho 3 đơn vị và thay thế cụm loa cho 10 xã bởi nguồn kinh phí cho kế hoạch này là 1 tỷ đồng. Với năm 2019, nguồn kinh phí cũng nằm ở mức như năm 2018 mà không được cấp duyệt thêm.
 
“Đìu hiu chợ chiều” 
 
Dù vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhưng có thể nói việc xây dựng và phát triển hệ thống TTCS là điều cần thiết, bởi việc này đã mang lại những hiệu quả thiết thực. 
 
Những chiếc loa truyền thanh kí ức của một thời (nhiều nơi còn đề xuất loại bỏ) với sức mạnh kiểu “mưa dầm thấm lâu” đã giúp cho nhiều người dân nắm bắt được các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân; nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng nông thôn mới, con người xã hội chủ nghĩa, công tác giảm nghèo bền vững... Trong giai đoạn mới, TTCS thực sự đã trở thành công cụ của Đảng, đồng thời cũng là diễn đàn của người dân. Đây cũng là loại hình gần gũi, thân thuộc với người dân và là kênh thiết yếu tuyên truyền trong tất cả lĩnh vực về giao thông, kinh tế, an ninh, văn hóa, y tế, giáo dục...
 
Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận, hầu hết hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh việc hoạt động còn phụ thuộc vào rất nhiều ngân sách, điều kiện phát triển kinh tế của địa phương cũng như năng lực của cán bộ làm truyền thanh. Việc phân bổ kinh phí còn hạn hẹp, trung bình chỉ 12 triệu đồng/năm, số tiền này gần như không đảm bảo cho đài hoạt động thường xuyên để làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đến với Nhân dân. Chưa nói đến, những khó khăn, bất cập trong việc đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ.
 
Nhận định đúng về chức năng, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của TTCS, cùng với phương pháp quản lý phù hợp cũng như việc thực hiện nhiệm vụ với sự linh hoạt và có chiều sâu, chắc chắn TTCS sẽ tìm lại được “đất sống” của mình.
 
Xác định được tầm quan trọng của truyền thanh cơ sở, ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2018. Trong đó, có nội dung số 8: Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, với mục tiêu đến năm 2020, có 95% số xã đạt chuẩn các nội dung khác của tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông.
 
LINH ĐAN