Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV thu hút khách tham quan

06:10, 15/10/2019

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm đưa Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đặc biệt là vào dịp Festival Hoa Đà Lạt diễn ra cuối năm nay.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm đưa Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đặc biệt là vào dịp Festival Hoa Đà Lạt diễn ra cuối năm nay.
 
Du khách tham quan phòng trưng bày tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt.
Du khách tham quan phòng trưng bày tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt.
 
Nằm kề khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV lâu nay là một địa điểm du lịch thu hút rất đông đảo du khách khi đến với thành phố này. 
 
“Địa điểm này nằm trong tour du lịch của chúng tôi, với lại khi đến đây chúng tôi biết được rất nhiều điều bổ ích trong lịch sử nước nhà, đặc biệt cảm thấy rất tự hào khi tham quan các chứng tích Hoàng Sa - Trường Sa, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc” - anh Đinh Hữu Bằng - một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
 
Địa điểm đặt Trung tâm này nguyên là Biệt điện Trần Lệ Xuân - một trong những dinh thự nổi tiếng của thành phố hoa. Khu Biệt điện rộng khoảng 1,3 ha, tòa nhà này đến nay dù được sử dụng làm công tác lưu trữ nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo với vườn hoa cây cảnh bao quanh.
 
 Tại đây, Trung tâm hiện đang có các kho lưu trữ những di sản lớn trong lịch sử Việt Nam cận đại như khối tài liệu hành chính thời Pháp thuộc; hằng chục nghìn các loại bản đồ các khu vực trên toàn Đông Dương và Việt Nam giai đoạn 1881-1969; kho công báo, tạp chí trong nhiều thời kỳ.
 
Đặc biệt, Trung tâm đang lưu trữ bộ tài liệu Mộc bản triều Nguyễn gồm những bộ ván khắc các tác phẩm chính văn, chính sử của triều đình thời bấy giờ; các tác phẩm văn thơ tiêu biểu trong lịch sử và của các vua triều Nguyễn từ năm 1820 đến năm 1945, trong đó có một số lượng rất lớn các bản gốc khắc gỗ.
 
Tháng 7/2009, Mộc bản triều Nguyễn vinh dự là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới; Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã trở thành nơi bảo quản di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.
 
Để giới thiệu nguồn tài liệu quý đến rộng rãi với công chúng, những năm gần đây, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã tổ chức các hoạt động triển lãm, đầu tư làm mới nhiều chương trình, làm mới các không gian trưng bày, đi kèm các hoạt động tuyên truyền quảng bá rộng rãi, nhờ vậy, lượng khách đến tham quan tại Trung tâm không ngừng tăng lên.
 
Như chị Võ Nhật Linh, du khách đến từ Khánh Hòa nhận xét, nhiều lần chị đến đây đều thấy có nhiều điểm mới: “Trung tâm mở rộng thêm chỗ trưng bày, tôn tạo kiến trúc biệt thự; cổng hoa tại Trung tâm cũng được trang trí đẹp hơn; tổng thể bố trí khoa học, thông tin hấp dẫn”.
 
Theo bà Trần Thị Minh - cán bộ Phòng Tổ chức và Sử dụng tài liệu Trung tâm cho biết, đơn vị thường xuyên thực hiện việc thay đổi làm mới tại khu trưng bày, mỗi năm thực hiện các chuyên đề khác nhau, có chỉnh sửa, bổ sung. Tùy vào kinh phí hàng năm để Trung tâm tổ chức các hoạt động, nhằm thu hút nhiều khách đến tham quan hơn cho mục tiêu biến Trung tâm thành điểm đến yêu thích không chỉ cho các nhà nghiên cứu học sinh, sinh viên mà còn cho toàn thể công chúng đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. 
 
Trung tâm lâu nay đã phối hợp rất tốt với ngành giáo dục trong và ngoài tỉnh, các trường học trên địa bàn, nhằm đưa sinh viên, học sinh, các đoàn thực tập đến đây tham quan, nghiên cứu. 
 
Với khách du lịch, Trung tâm cũng có nhiều giải pháp thu hút khách, biến mình thành một điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa và lịch sử tại Đà Lạt thông qua công tác quảng bá, đưa hình ảnh các di sản của mình đến với các công ty du lịch. Theo Ban Giám đốc Trung tâm cho biết, trung bình những năm gần đây hằng năm có khoảng trên 50 nghìn khách du lịch đến tham quan nơi này.
 
Để đẩy mạnh công tác quảng bá, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ hợp tác với các công ty du lịch bán vé tự động qua một phần mềm ứng dụng cho các điểm du lịch trên cả nước; đồng thời cung cấp thông tin, hình ảnh về Trung tâm cho du khách, giúp khách du lịch có thêm nhiều sự lựa chọn, thuận lợi trong việc mua vé và thanh toán trực tuyến. Cùng đó, trong quảng bá, các công ty sẽ giới thiệu những điểm du lịch tại Lâm Đồng, trong đó có Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV vào tờ rơi để phát tại các khách sạn, nhà hàng, sân bay. 
 
Tại Trung tâm hiện nay, hệ thống thuyết minh tự động hai ngôn ngữ gồm tiếng Việt và tiếng Anh cũng được đưa vào sử dụng khi cần cho du khách, đặc biệt là khách người nước ngoài.
 
Trong cuối tháng 9 vừa qua, Trung tâm đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để tổ chức triển lãm “Mộc bản - Bảo vật hoàng triều” và “Thiên hùng ca sử Việt”. Trong đó giới thiệu 10 bức tranh khổ lớn ngoài trời nhằm khắc họa lại lịch sử hoạt động khắc in mộc bản trước và trong thời Nguyễn; đồng thời giới thiệu 8 tài liệu mộc bản với các nội dung quý về các sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam. 
 
Trung tâm cho biết, hiện đã lên kế hoạch chuẩn bị chương trình tham gia Festival Hoa Đà Lạt 2019 trong cuối năm nay, cụ thể là thiết kế các màn hình LED để triển lãm tài liệu trên tuyến đường “Phố sách” cho mọi người tham quan cả ngày lẫn đêm. Cùng đó, cũng trong khuôn khổ lễ hội hoa tháng 12 năm nay, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại của Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức triển lãm về “Nhân quyền” tại Nhà Văn hóa Lao động thành phố, trong đó có rất nhiều tài liệu mộc bản liên quan tới vấn đề quyền con người.
 
GIA KHÁNH - KIM THU