Những ''cánh én'' làm nên mùa xuân

09:08, 28/08/2019

Tôi đã đến mái ấm này rất nhiều lần nhưng trong tôi lúc nào cũng vẹn nguyên một cảm giác thương cảm và xúc động. Những đứa trẻ lành lặn có, đau ốm bẩm sinh có... tất cả đều được các sơ của Mái ấm Tín Thác nhặt về nuôi dưỡng với tình yêu thương vô bờ bến...

Tôi đã đến mái ấm này rất nhiều lần nhưng trong tôi lúc nào cũng vẹn nguyên một cảm giác thương cảm và xúc động. Những đứa trẻ lành lặn có, đau ốm bẩm sinh có... tất cả đều được các sơ của Mái ấm Tín Thác nhặt về nuôi dưỡng với tình yêu thương vô bờ bến. Cứ thế, 10 năm qua, hơn một trăm đứa trẻ bị bỏ rơi đã được các sơ chăm bẵm như chính con ruột của mình. 
 
Những đứa trẻ quấn quýt bên sơ Hoàng Thị Cúc. Ảnh: H.S
Những đứa trẻ quấn quýt bên sơ Hoàng Thị Cúc. Ảnh: H.S
 
Những “chú lính chì”
 
Ngày tôi đến, những bé trai đang chơi trong sân của Mái ấm Tín Thác. Trò chơi là một chú lính chì được buộc vào túi nilong rồi tung lên trời cho “nhảy dù” xuống. Đơn giản với tuổi thơ là vậy nhưng đủ khiến chúng bật cười khoái chí. Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ nhưng khiến những người biết rõ hoàn cảnh của các em phải đượm buồn, ngậm ngùi. Cách đây hơn 10 năm, trong lần đi tìm kiếm các thai nhi bị chối bỏ để đem về chôn, các sơ phát hiện cả những trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn, nặng chưa đầy ký vẫn thoi thóp thở như cố níu lại cuộc sống khi bị người sinh ra chối bỏ. Vào thời điểm đó, Mái ấm Tín Thác chưa được thành lập nhưng các sơ cũng vẫn quyết định nhận nuôi những đứa trẻ này. Phúc Ân - đó là đứa trẻ đầu tiên sơ Nguyễn Thị Hường, 63 tuổi, người có công rất lớn trong việc thành lập Mái ấm Tín Thác, nhặt được và đem về nuôi nấng. Sau Phúc Ân rồi lần lượt đến Hồng Ân, Thiên Ân, Khánh Ân, Gia Ân cũng được về chung một nhà trong những hoàn cảnh tương tự. Chưa một lần nuôi con và hoàn toàn không có kinh nghiệm nên các sơ phải gửi cho những bà mẹ xung quanh nhờ nuôi giúp. Những đứa trẻ đầu tiên của mái ấm với cái tên Ân như một cách tri ân những gia đình đã nhận các cháu làm “con đỡ đầu” khi chưa hình thành mái ấm. Mãi đến năm 2009, Mái ấm Tín Thác mới được thành lập tại thôn Thanh Xuân (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc) và ngày càng nhận nuôi nhiều trẻ bị bỏ rơi. Hầu hết các em đều được sơ Hường và các cộng sự nhặt được. Có em được quấn sơ sài trong quần áo rách hoặc để trong túi nilong, chậu nhựa, thùng giấy… bỏ bên vệ đường, trong lùm cây hay trước cổng bệnh viện. Có em thì lành lặn khỏe mạnh nhưng một vài em trong số đó thì lại bị bệnh tật bẩm sinh. Sau lớp những đứa trẻ tên Ân thì lần lượt đến lớp những đứa trẻ cùng tên Quyên, Quân… được chào đón ở mái ấm. Tất cả chúng như những “chú lính chì” đầy nghị lực đang lớn lên từng ngày dưới bàn tay nuôi nâng, che chở của các sơ, những thiện nguyện viên nơi mái ấm này. 
 
Một trẻ sơ sinh tự ngậm  bình bú. Ảnh: H.S
Một trẻ sơ sinh tự ngậm bình bú. Ảnh: H.S
 
Mái ấm Tín Thác hiện đang nuôi dưỡng trực tiếp 66 trẻ từ 1 tháng tuổi đến 10 tuổi; trong đó, có khoảng 10 cháu dưới một năm tuổi luôn được 3 sơ ngày đêm túc trực chăm sóc. Ở mái ấm này, các cháu được nuôi nấng bằng tình thương và cho ăn học đàng hoàng như những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Để tạo điều kiện cho các cháu được đi học, các cháu đều được làm giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu như bao đứa trẻ khác tại địa phương. Sơ Hoàng Thị Cúc, 73 tuổi, gắn bó với mái ấm suốt 5 năm qua, cho biết do số lượng trẻ khá đông nên các sơ chia theo từng nhóm tuổi để phân công người chăm sóc, theo dõi sức khỏe cũng như việc học hành của các cháu. “Mỗi độ tuổi đều có sự vất vả, khó khăn riêng nhưng điều đáng mừng là các cháu đều biết nghe lời và chịu khó học tập” - sơ Cúc chia sẻ. 
 
Những “chú lính chì” với trò chơi nhảy dù trong sân Mái ấm Tín Thác. Ảnh: H.S
Những “chú lính chì” với trò chơi nhảy dù trong sân Mái ấm Tín Thác. Ảnh: H.S
 
Trẻ đông nên việc ẵm bồng là điều dường như các sơ hạn chế tối đa. Người đến thăm đều được căn dặn hạn chế ẵm các cháu bởi sợ các cháu biết đòi rồi mè nheo các sơ kham không nổi. Khi theo chân sơ Cúc vào thăm những đứa trẻ dưới một năm tuổi, chúng ùa vào quấn lấy chân sơ và tôi đòi ẵm lên. Có đứa dù chưa tròn 1 tuổi nhưng đã biết giẫy nảy ăn vạ vì không được bồng. Chỉ có bé Mèo là nằm yên một chỗ với cái đầu to bất thường vì não úng thủy. Chỉ có cô bé 7 tuổi với đôi mắt to tròn là nằm im nhoẻn miệng cười, còn có bé dù đã hơn 1 năm tuổi nhưng vẫn nhỏ xíu như trẻ sơ sinh nằm lẳng lặng trong chiếc nôi... Nhìn hình ảnh đó thật đau lòng mặc dầu tất cả các em đều đã được các sơ đưa đi nhiều nơi để chữa trị nhưng đều không đạt kết quả. 
 
Những đứa trẻ đầu tiên của Mái ấm Tín Thác đến nay cũng đã tròn 10 tuổi. Khi biết suy nghĩ, chúng cũng thường hay thắc mắc về lý do chúng phải ở đây, về bố mẹ của chúng. Khi đó, các sơ đều giải thích rõ ràng cho các cháu hiểu để có thêm nghị lực vươn lên. Chắc hẳn rằng, trong số chúng cũng có đứa đã từng mong mỏi một lần được gặp mẹ, một lần được trong vòng tay yêu thương của mẹ. Các sơ ở đây cũng thế, cũng mong mỏi một ngày nào đó trong số những đứa trẻ này có mẹ đến nhận lại con của mình. Thế nhưng, đã 10 năm rồi… Và như để tự an ủi, sơ Cúc tâm sự: “Có lẽ khi bỏ lại con mình, mẹ của chúng sẽ dõi theo đến khi có ai nhặt được, có ai đem về chăm sóc thì mới yên lòng rời đi. Và có lẽ, vài người trong số họ cũng biết con mình đang được nuôi dưỡng nơi này nhưng vì hoàn cảnh mà họ không thể nhận lại con”. 
 
Một lớp học được các sơ tổ chức tại Mái ấm Tín Thác. Ảnh: H.S
Một lớp học được các sơ tổ chức tại Mái ấm Tín Thác. Ảnh: H.S
 
“Mùa xuân” của trẻ mồ côi
 
Ngoài các sơ, mỗi ngày tại Mái ấm Tín Thác có khoảng 10 thiện nguyện viên tới hỗ trợ làm cơm nước, dọn dẹp phòng ốc. Cô Ngân Thị Nga (63 tuổi) là người đã 6 năm đến Mái ấm Tín Thác làm công việc thiện nguyện. Việc chính của cô là chăm lo bữa ăn hàng ngày cho các cháu. “Các cháu ở đây thiệt thòi nhiều mặt nên tôi muốn góp một phần sức lực của mình để chăm lo bữa ăn của các cháu được tươm tất. Các sơ ở đây cũng có ý trả tiền công nhưng tôi không nhận, xem đó như sự đóng góp của mình cho các cháu được đủ đầy hơn” - cô Nga chia sẻ. Không chỉ cô Nga, mà nhiều thiện nguyện viên khác và ngay cả những người đến đây làm từ thiện đều có chung suy nghĩ ấy. Khi biết đến Mái ấm Tín Thác cách đây vài năm thì vài tháng một lần, cô Nguyễn Thị Thu Thủy (cán bộ về hưu ở phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) lại trích một phần lương hưu của mình để mua quà đến cho các cháu. Quà lần này cô mang đến có điều đặc biệt hơn đó là “sữa mẹ” của cô con gái mới sinh. Cô chia sẻ: “Sữa mẹ rất tốt cho trẻ sơ sinh nhưng những đứa trẻ nơi đây lại không được thụ hưởng điều đó. Con gái tôi mới sinh có nhiều sữa nên tôi trữ lạnh và mang đến cho các cháu. Cứ nghĩ đến các cháu nội ngoại của mình được chăm bẵm đủ đầy còn các cháu ở đây lại thiếu thốn, nhất là tình yêu thương, nên tôi muốn đóng góp một chút để chăm lo cho các cháu với mong muốn nhiều cánh én sẽ làm nên mùa xuân”. Chính những thiện nguyện viên, những nhà từ thiện như thế đã thực sự làm nên “mùa xuân” cho những đứa trẻ nơi này.
 
Những đứa trẻ mồ côi lớn lên như những bông súng trắng  vươn lên trên mặt hồ trong Mái ấm Tín Thác. Ảnh: H.S
Những đứa trẻ mồ côi lớn lên như những bông súng trắng vươn lên trên mặt hồ trong Mái ấm Tín Thác. Ảnh: H.S
 
Tín Thác - cái tên gợi nên sự tin tưởng, bao bọc và yêu thương vẫn đang ngày ngày rộng mở đón nhận những đứa trẻ bất hạnh. Nơi đây, những đứa trẻ ấy được nuôi dạy bằng một tình yêu thương vô hạn như một sự bù đắp những bất hạnh mà chúng phải gánh chịu khi còn quá nhỏ. Nơi đây, những đứa trẻ ấy lớn lên như những bông súng trắng vươn lên đón nắng trên mặt hồ trong Mái ấm Tín Thác. Với tôi, mỗi lần đến mái ấm này là một lần buồn day dứt. Buồn vì những đứa trẻ nơi đây tăng thêm mỗi ngày. Buồn vì cách mái ấm không xa, Nghĩa trang thai nhi - nơi chôn cất những đứa trẻ chưa được thành hình do các sơ nhặt về, cứ được nới rộng mỗi ngày và đến nay đã chạm mốc con số khủng khiếp: 9.000 ngôi mộ. Giá như, mỗi một hành động đều được nghĩ suy cặn kẽ, thấu đáo thì những vần thơ day dứt “hãy cho đời bé câu chào mẹ, đừng cướp thân em tiếng gọi ba” sẽ không còn được khắc ghi trên bia đá nơi này.
 
Mái ấm Tín Thác đã được UBND tỉnh Lâm Đồng trao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2018. Đồng thời, đơn vị cũng được Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn tham gia chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019. 
 
Phóng sự: ĐÔNG ANH