Ðam Rông liệu có lỡ hẹn (?!) (Bài 3)

09:05, 13/05/2019

Một Ðam Rông với chất chồng khó khăn đương nhiên phải cần rất nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ từ nhiều phía, hay giản đơn hơn phải cần rất nhiều Tiền - thứ vật chất quy đổi hiện hữu trước mắt để bắt đầu gầy dựng hình hài từ những viên gạch đầu tiên. Nhưng với nhiều người vẫn hay đi về vùng đất ấy, luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng, đó không phải là thứ duy nhất, là điều kiện tiên quyết...

[links()]
Tài sản có được ở tuổi 15
 
(LĐ online) - Một Ðam Rông với chất chồng khó khăn đương nhiên phải cần rất nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ từ nhiều phía, hay giản đơn hơn phải cần rất nhiều Tiền - thứ vật chất quy đổi hiện hữu trước mắt để bắt đầu gầy dựng hình hài từ những viên gạch đầu tiên. Nhưng với nhiều người vẫn hay đi về vùng đất ấy, luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng, đó không phải là thứ duy nhất, là điều kiện tiên quyết. Ở mảnh đất này còn có thứ tài sản vô giá khác - Tình người. Cái tình của người ở lại gánh vác, tình của người đến sau xắn tay đỡ đần, cái tình thấu hiểu và cảm thông san sẻ của người già và cả cái tình của lũ trẻ được lớn lên trong nhọc nhằn, được nuôi dưỡng trong gian khó bằng tình yêu của cha mẹ chúng khi mới chân ướt về đây lập nghiệp.  
 
Chúng tôi nhớ mãi ngày cưới của Tuấn - một người đồng nghiệp. Tốt nghiệp đại học, anh chọn Đam Rông để bắt đầu thay vì ở lại bám phố mưu sinh, kiếm tìm cơ hội. Ở đó, anh được làm công việc yêu thích, hay chỉ thỏa mãn một chút ngông cuồng dư thừa năng lượng, dại điên của tuổi trẻ, hoặc thử muốn gần hơn với mối tình gắn bó từ thời sinh viên. Chúng tôi chẳng rõ, bởi anh ít khi chia sẻ. 
 
Chỉ biết rằng ngày cưới con trai, chạm đất Đam Rông sau cuộc hành trình dài gần 1.000 cây số, mệt nhoài vì những cơn say xe vật vã, người mẹ già của anh gần như ngồi thụp xuống khóc nấc lên: “ở đây à con?”. Cái buổi chiều đìu hiu, quạnh quẽ nơi xóm núi Đạ Tông hôm ấy, nơi chúng tôi cũng phải quay mặt đi giấu vội nước mắt đã qua hơn mười mấy năm về trước.
 
Tuấn và Hoa - mối tình sinh viên từ thưở nào đã có với nhau hai mặt con, chúng là những đứa trẻ thế hệ đầu tiên mang nguồn gốc Made in Đam Rông, tất nhiên trừ cư dân bản địa khi Đam Rông chưa ra đời. 
 
Đam Rông ngày mới.
Đam Rông ngày mới.
 
Những người ở lại
 
Không ở đâu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, lại có nhiều cán bộ trẻ như Đam Rông. Cũng dễ hiểu, vì khi huyện mới thành lập, ngoài đội ngũ lãnh đạo chủ chốt là những người có kinh nghiệm, có năng lực thì nơi đây chính là “vùng đất hứa” cho những người trẻ đầy nhiệt huyết kiếm tìm cơ hội.
Có cả hàng trăm người trẻ như Tuấn vào thời điểm ấy, khi huyện mới thành lập.
 
Rất nhiều người đã ra đi, chuyển công tác có, tìm cơ hội khác có, không còn nặng lòng với đất nghèo có... Những người ở lại, cũng vì nhiều lý do, nhưng đến giờ phần đông trong số ấy đều có những nặng nợ với Đam Rông. 
 
Lớp cũ nhiều người đã về hưu, lớp trẻ trở thành kế cận, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau sau rất nhiều đắng cay lẫn ngọt bùi.
 
Bí thư Huyện ủy Trần Minh Thức hay Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hởi đều là những người có thâm niên gắn bó với Đam Rông, trước và sau khi huyện ra đời. Thế hệ đầu tiên như các ông đều hiểu đến “chân tơ kẽ tóc” đất và người nơi đây. Hơn thế, họ còn là những người từng trải, cảm thông sâu sắc và đầy sự sẻ chia với những khó nhọc của Đam Rông. Nói không quá, ít nhiều chính họ là điểm tựa, là cầu nối, là kho tư liệu quý để lớp trẻ có thể nhìn vào, từ đó làm tốt hơn công việc của mình ở phía trước. Bởi nói như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến thì đội ngũ cán bộ trẻ với năng lực và nhiệt huyết chính là một tiềm lực của Đam Rông.
 
Vườn Đương quy rộng 10 hecta mở ra hướng đi cho nông nghiệp Đam Rông.
Vườn Đương quy rộng 10 hecta mở ra hướng đi cho nông nghiệp Đam Rông.
 
Suối nguồn tươi trẻ
 
Nếu như “gam màu” thay đổi của Đam Rông được định vị, chúng tôi sẽ phết lên bức tranh ấy, màu sắc của những người trẻ và đương nhiên mang ánh sáng của hy vọng.
Ở ba xã Đầm Ròn, chúng tôi gặp rất nhiều Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch đều đang ở độ tuổi sung mãn nhất của đời người. Không khó để kể tên họ. Kinh nghiệm có thể thiếu, nhưng bù lại họ có tri thức, có năng lực và trên hết là sự nhiệt tình. Tất cả những điều đó đã được kiểm chứng bằng thực tế, bằng những ngày tháng “ăn, ở cùng dân”.
 
Anh Lơ Mu Ha Póh - Chủ tịch UBND xã Đạ Long, sinh năm 1987 và có lẽ anh là một trong những chủ tịch trẻ nhất lúc anh mới được bổ nhiệm 5 năm về trước. Anh tốt nghiệp ngành Tài chính - kế toán của một trong những trường đào tạo uy tín bậc nhất của khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Ha Póh tham gia Đề án 600 với cương vị Phó Chủ tịch xã Rô Men. Kinh nghiệm không nhiều, nhưng “thâm niên” 3 năm làm quản lý ở một đơn vị hành chính cấp xã, nhỏ nhưng không hề thiếu những áp lực, đã là giấy kiểm chứng niềm tin với lãnh đạo huyện cũng như độ tự tin cho anh khi được giao trọng trách Chủ tịch xã Đạ Long.
 
Cũng ở xã Đạ Long, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì Lâm Đồng. Lãnh đạo huyện Đam Rông cũng đã tin tưởng giao nhiều trọng trách cho những người trẻ, phù hợp với năng lực chuyên môn để họ có thể phát huy hết sở trường. Anh Trương Hữu Tư - Phó Chủ tịch UBND xã, một người tốt nghiệp ngành nông lâm, phụ trách kinh tế, hơn ai hết vị chủ tịch mới ngoài 30 ấy sẽ hiểu được trên đất cằn Đạ Long cây gì sẽ sống được và con gì sẽ phát triển hơn rất nhiều người dân bản địa đã quen với tập tục canh tác cũ, phụ thuộc nắng mưa.
 
Với một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tính dòng họ, cục bộ dòng tộc cũng là một thách thức làm đau đầu nhiều thế hệ lãnh đạo huyện. Rất nhiều cán bộ người Kinh do thiếu uyển chuyển và sự linh hoạt trong công tác điều hành nên đã thất bại khi về vùng đồng bào dân tộc thiểu số công tác. Hay Bí thư xã Đạ Long - chưa chạm ngưỡng 40 nhưng đã từng trải qua rất nhiều vị trí ở Huyện ủy, anh được Thường vụ Huyện ủy điều về khi đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. 
 
Ngay như Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc cũng là một người trẻ, anh được Thường trực Tỉnh ủy điều động về công tác khi đã đảm nhiệm rất nhiều công việc ở “lò luyện” cán bộ như Văn phòng Tỉnh ủy. Đi nhiều, trực tiếp giúp việc cho các đồng chí lãnh đạo ở cương vị đứng đầu tỉnh, nên anh phần nào hiểu được cái khó khăn, sự vất vả trong công tác Đảng, công tác điều hành đối với những địa phương đặc biệt khó khăn như Đam Rông. “Cũng còn nhiều thiếu sót khi mình là người trẻ, nhưng phần lớn anh em đều có trách nhiệm, phát huy được khả năng sở trường, cùng với năng lực trình độ được đào tạo cơ bản, nên đã giúp ích rất nhiều cho địa phương trong nhiều lĩnh vực có được sự linh hoạt và hiệu quả”, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy trải lòng.
 
Vườn Đương quy rộng 10 hecta mở ra hướng đi cho nông nghiệp Đam Rông.
Vườn Đương quy rộng 10 hecta mở ra hướng đi cho nông nghiệp Đam Rông.
 
Hy vọng
 
Trưởng thôn Rơ Jê Ha Mi - người đàn ông Cill 32 tuổi có lẽ là một trong những người can đảm nhất không chỉ ở Đạ Tông mà còn của cả vùng thung lũng dưới chân núi Mê Ka. 
 
Không ít người già, người trẻ trong buôn phải kêu “Yàng ơi!” khi chứng kiến anh liền một lúc bán 4 con bò, nhổ bỏ vườn cà phê rộng 8.000m2, những tài sản đáng giá nhất trong nhà để góp vốn trồng rau sạch. 
 
Ông chủ của vườn ớt và các loại rau sạch có thu nhập vài chục triệu đồng/tháng chỉ nở nụ cười hiền khi chúng tôi hỏi, sao liều thế? “Nhìn bà con cứ quanh quẩn với cà phê, lúa nước, cây điều cho năng suất thấp, giá cả bấp bênh, nên mình thuyết phục vợ, liều để thay đổi, chứ nghèo mãi đâu có được”, anh thật lòng chia sẻ. 
 
Không trồng rau, nhưng Ha Xiêm (thôn Liêng Trang) cũng có đủ “độ liều” để chặt vài mẫu cà phê lẫn rừng keo lai để chuyển sang các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng. Anh nói khác Ha Mi, khổ mãi quen rồi, có khổ nữa cũng chẳng sao, cứ phải thử mới biết được. Nụ cười sảng khoái của anh khiến tôi tin người đàn ông này chẳng bao giờ nghèo được nữa.
 
Không còn phải đếm trên đầu ngón tay, bởi ở Đam Rông đã có rất nhiều người có máu liều như Ha Xiêm và Ha Mi. Trong nụ cười của những người đàn ông Cill, trong những cơn gió ít ỏi hiếm hoi thổi về, cái nắng oi nồng trong những ngày đầu mùa mưa bí bách dường như dịu lại.
 
Và hy vọng thì chưa bao giờ tắt, bởi Đam Rông vẫn còn một lời hẹn cho chúng tôi trong ngày trở lại.
 
Phóng sự: TUẤN LINH - CHÍNH THÀNH