"Cất cánh" từ khởi nghiệp

09:08, 08/08/2017

Khởi nghiệp hiện hữu ở khắp nơi trên mảnh đất Lâm Đồng, như cách mà những thanh niên đất này làm giàu. Lặng lẽ thành công, họ đã tự viết nên câu chuyện của chính họ mà chẳng cần tô vẽ...

Khởi nghiệp hiện hữu ở khắp nơi trên mảnh đất Lâm Đồng, như cách mà những thanh niên đất này làm giàu. Lặng lẽ thành công, họ đã tự viết nên câu chuyện của chính họ mà chẳng cần tô vẽ. Có thể những dự án khởi nghiệp của thanh niên chưa có hàm lượng công nghệ thật cao, những mô hình quản trị thật tiên tiến nhưng bằng bàn tay, khối óc sức trẻ, nhiều người trẻ ấy đã “biến điều không thể thành điều có thể, điều chưa có thành điều sẽ có”.
 
Gặp họ, những thanh niên Lâm Đồng đang miệt mài, lặng lẽ làm kinh tế và thành công từ những ý tưởng được hiện thực bằng sự say mê, tâm huyết, nghe những câu chuyện “tỷ phú từ làng”, “bỏ thành phố về quê làm triệu phú”...
 
Phan Thanh Sang, một trong những thanh niên trẻ khởi nghiệp thành công tiêu biểu của Lâm Đồng. Ảnh: V.Đ.Đông
Phan Thanh Sang, một trong những thanh niên trẻ khởi nghiệp thành công tiêu biểu của Lâm Đồng.
Ảnh: V.Đ.Đông
Sinh ra từ làng
 
Chúng tôi đến xã Tân Hà, huyện Lâm Hà vào một ngày đầu hè, cái nắng gắt hanh hao chẳng hề ảnh hưởng gì đến bức tranh đô thị hóa của nơi đây, nông thôn mới và tinh thần làm giàu, diện mạo nông thôn ở nơi này chắc sẽ làm không ít người ngạc nhiên khi lâu ngày trở lại.
 
Chủ tịch xã - Đỗ Văn Minh đón chúng tôi ngay tại sân ủy ban xã đang tập trung rất nhiều người dân, vị Chủ tịch xã hồ hởi cho biết rằng hôm nay là buổi tập huấn về nuôi bò Úc cho một số hộ và thanh niên trong xã về giống bò đang thành công tại xã. Rồi cũng bằng sự niềm nở và cả niềm vui trong từng lời kể, ánh mắt ông trao đổi với các phóng viên về chuyện “Thanh niên xã nuôi bò Úc thành công lắm, xã đang tiếp tục nhân rộng mô hình và cho đi học tập kinh nghiệm ở Vũng Tàu, Châu Thành đấy các nhà báo. Rồi ngày mai lại có đoàn của Công ty Dalat Hasfarm đến làm việc để nhân rộng và phổ biến kỹ thuật trồng cây trang trí, liên kết hợp tác với các hộ dân. Thanh niên xã tôi bây giờ làm kinh tế giỏi lắm, Tân Hà ngày một phát triển cũng nhờ vào chúng nó góp phần cả đấy. Kể mãi chẳng hết đâu!”. Nói rồi ông lại giục chúng tôi nhanh cùng ông đến thăm các mô hình thanh niên làm giàu trong xã, nổi bật nhất phải kể đến câu chuyện về “chàng trai 31 tuổi và 35 chiếc taxi” - Lê Văn Cường (sinh năm 1986, Giám đốc hãng taxi Lavi). Kiệm lời nhưng chia sẻ rất chân thành, Cường kể lại câu chuyện ấp ủ ước mơ để rồi tốt nghiệp đại học Luật xong lại trở về “làng” để xây dựng nên hãng taxi này.
 
Vừa rời khỏi Tân Hà, người đồng nghiệp đi cùng tôi bảo: “Đi cơ sở thấy nhiều câu chuyện bạn trẻ khởi nghiệp lắm, giỏi thật đấy, chương trình Sinh ra từ làng của VTV6 vào đây làm chắc quanh năm không hết chuyện để làm luôn đấy, thanh niên ở Lâm Đồng nhiều người giỏi lắm”. Mà thật, đi đến huyện nào của tỉnh, vào tận từng xã, từng phường từ huyện xa khó khăn như Đam Rông cho đến TP Đà Lạt, nơi nào chúng tôi cũng được xem, được gặp những mô hình khởi nghiệp của các thanh niên, mà điểm chung ở họ chính là nhiệt huyết tuổi trẻ, sự say mê và cả tâm huyết. Có bạn trẻ được học kinh doanh bài bản, cũng có bạn trẻ thành công bằng ý tưởng mới lạ, phù hợp với điều kiện địa phương, chìa khóa thành công của họ mỗi người khác nhau nhưng bằng cấp lại không phải là điểm chung quyết định mà chính là ý tưởng và ý chí.
 
Câu chuyện về chàng thanh niên người Dao - Triệu Văn Lưu ở thôn Păng Bah, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông vẫn được nhiều bạn trẻ truyền tai nhau về nghị lực vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng trên chính mảnh đất nghèo khó Đam Rông. Lưu không ngừng mở rộng mô hình kinh tế của gia đình, vừa nuôi bò thịt, nuôi cá kết hợp với trồng gừng, trồng cà phê xen cây mắc ca mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Cũng bằng sự nhanh nhạy, Triệu Văn Lưu đầu tư mua sắm các loại máy móc như máy cày, máy xay cà phê để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con trong thôn, xã... Với người dân xã Đạ K’Nàng, Văn Lưu còn là Bí thư đoàn năng nổ, hiện Triệu Văn Lưu nhận quản lý 1,3 tỷ đồng vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đam Rông hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế và nhận giao khoán bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn rừng Tà Đùng từ năm 2015 đến nay. Với những thành tích và hiệu quả kinh tế đạt được, năm 2016 chàng thanh niên người Dao là gương mặt duy nhất đại diện cho tuổi trẻ tỉnh Lâm Đồng vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn TNCSHCM trao tặng.
 
Lê Văn Cường - Giám đốc hãng taxi Lavi tâm sự rằng: Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, có điều kiện đi học ở những thành phố phát triển hơn, tôi thấy lúc nào cũng muốn làm gì đó cho quê mình, cũng mong ước quê mình rồi sẽ có lúc phát triển hơn thế, để gia đình, người thân, bạn bè mình cũng được hưởng lợi từ sự phát triển đó. Cứ nghĩ vậy mà cố gắng thôi”. Hay như Hoàng Sỹ Hiếu (sinh năm 1993, khởi nghiệp với dự án cà phê Organic tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) bộc bạch: “Thật ra thì đầu tiên cũng là vì lợi ích kinh tế chị (PV) ạ, nhưng mà thực hiện ý tưởng của mình, trải qua thất bại rồi nếm được “mùi” thành công nó “đã” lắm chị. Về quê làm giàu có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của em. Không chỉ giúp phát triển quê mình mà ở đây còn có sự hỗ trợ, động viên tinh thần của những người thân nữa. Thêm động lực để cố gắng”. Có lẽ đó cũng là nỗi niềm trăn trở của bao thanh niên trở về quê cống hiến, làm giàu cho chính mảnh đất nơi mình lớn lên như Cường, như Hiếu. Sinh ra từ làng, những thanh niên Lâm Đồng ở khắp mọi nơi vẫn đang hăng say làm kinh tế, vẫn khởi nghiệp lặng lẽ trên chính những mảnh đất mà ở đó đã có cả tuổi thơ lẫn sự trưởng thành.
 
Du khách tìm hiểu các sản phẩm tại Vườn ươm khởi nghiệp đặt tại Trạm dừng chân của Công ty YSA Orchil. Ảnh: D.Thương
Du khách tìm hiểu các sản phẩm tại Vườn ươm khởi nghiệp đặt tại Trạm dừng chân của Công ty YSA Orchil. Ảnh: D.Thương
Khó mà dễ 
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ trong lễ phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” rằng: “Khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Điều gì khiến chúng ta mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất”.

Ở mỗi câu chuyện khởi nghiệp mà tôi được thấy khắp các địa phương Lâm Đồng, tôi vẫn thường đặt một câu hỏi chung cho các bạn: “Khởi nghiệp có khó không?”. Và câu trả lời tôi nhận về là: “Khó chứ chị, nhưng cứ làm bằng tất cả đam mê đi rồi khi thành công lại thấy tuy khó mà dễ” (Hoàng Sỹ Hiếu, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà), hay: “Không dễ đâu chị ạ, nhưng ý tưởng mới lạ, thực hiện bằng đam mê, tâm huyết và một tinh thần thật lạc quan thì cũng không khó” (Nguyễn Thị Diệp Thúy, khởi nghiệp với làng du lịch homestay Bo ho, TP Đà Lạt). Bạn trẻ nào cũng thế, khởi nghiệp với tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, bằng bàn tay, khối óc và những trái tim chân thành.

 
Với tấm bằng Thạc sĩ Tài chính ngân hàng, đang làm việc ở một chi nhánh ngân hàng tại TP Đà Lạt, anh Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1979) đã chuyển hướng về trồng rau thủy canh với thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng. Dương hiện là điều hành chính của 2 công ty rau sạch có tiếng tại TP Đà Lạt: Công ty nông sản thủy canh Việt Nam chuyên về trồng, phân phối rau thủy canh và Công ty TNHH Đà Lạt rau thủy canh phân phối hệ thống trồng, chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh trên toàn quốc và phát triển du lịch canh nông. Với nụ cười chân thành, Dương kể về cái duyên đến với nghề nông của mình: “Mình làm ngân hàng thường đi thẩm định các dự án nông nghiệp và nhận thấy tiềm năng tương lai của nông nghiệp sạch, thời đại bùng nổ công nghiệp sạch của Lâm Đồng sẽ đến. Và tháng 6/2015, Công ty nông sản thủy canh Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, với 4 ha đất tại Vạn Thành (P5, Đà Lạt). Đến tháng 3/2016, mình nghỉ ngân hàng và chính thức rẽ sang nông nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp không hề dễ, nhưng với ý tưởng mới lạ, dám nghĩ dám làm và phải nắm bắt cơ hội thị trường thì thành công sẽ không khó tìm đến”.
 
Câu chuyện của Vũ Huy Hoàng (huyện Đức Trọng), thanh niên ưu tú từng được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2015 cũng là một câu chuyện như thế. Là một cán bộ ngân hàng có năng lực nhưng vì đam mê với hoa lan, chàng trai thế hệ 8x rẽ ngang theo đuổi niềm đam mê với hoa lan và làm giàu từ chính niềm đam mê ấy. Với thu nhập mỗi năm trên 3 tỷ đồng, Vũ Huy Hoàng hiện là một trong những doanh nghiệp cung cấp các loại hoa lan đi khắp mọi nẻo đường trong nước và xuất khẩu, Hoàng tâm sự: “Ban đầu chỉ là niềm đam mê chơi lan, sau đó thấy hoa mình trồng đẹp và phát triển tốt nhiều người đến hỏi mua. Nhận thấy nhu cầu thị trường bắt đầu tăng, mình mạnh dạn đầu tư trên 500 triệu đồng để trồng hoa lan và may mắn đã mỉm cười. Với mình, khởi nghiệp chính là theo đuổi đam mê, hoài bão và làm giàu từ nó, có tâm thì nhất định sẽ thành công”.
 
Hai từ “khởi nghiệp” mới nghe dường như thật mông lung và đầy thử thách nhưng các thanh niên Lâm Đồng đã khởi nghiệp như thế, dám nghĩ dám làm, bằng chính đam mê của mình và thực hiện nó với quyết tâm cùng bao tâm huyết, chấp nhận rủi ro để nhận lấy kinh nghiệm… và khi đam mê ấy thành công thì chính là khởi nghiệp thành công!
 
Thủ lĩnh tiên phong
 
Tôi vẫn thường gọi Phan Thanh Sang - Giám đốc Công ty YSA Orchid Đà Lạt là “thủ lĩnh khởi nghiệp” mỗi lần gặp. Vừa vinh dự được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu vào tháng 3/2017, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, chàng trai 8x mang nhiều duyên nợ với hoa, cây cảnh ấy không chỉ gây ấn tượng với người gặp bằng những thành tích xuất sắc trong kinh doanh và hoạt động xã hội mà tôi gọi anh là “thủ lĩnh” chính bởi sự say mê trong cách anh kể về những khó khăn từ ngày đầu khởi nghiệp, sự thẳng thắn, quyết liệt khi thấy anh đưa ra những ý kiến đề xuất giúp các thanh niên đến lãnh đạo tỉnh và cả nhiệt tình đầy tâm huyết của anh khi giúp thanh niên địa phương cùng khởi nghiệp.
 
Sau hơn 10 năm từ ngày đầu khởi nghiệp, Công ty YSA Orchid hiện có doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm với mô hình sản xuất rộng khắp tại TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương và tại tỉnh Ninh Thuận. Thành công như hôm nay, Phan Thanh Sang cũng không quên những ngày đầu khởi nghiệp từ thời sinh viên với 50 chậu lan Sang vừa học, vừa mày mò nghiên cứu lai tạo giống. Sang kể: “Khởi nghiệp nghe lớn lao quá, ngày trước chỉ là sinh viên khoa Nông Lâm, mình thường tự mày mò lai tạo các giống lan. Ban đầu là trồng các giống xương rồng vốn chỉ có giống nhập từ nước ngoài, mình tìm cách tạo giống và thành công. Ngày đó chưa nghe cụm từ “khởi nghiệp”, chỉ biết là theo đuổi đam mê và kiếm tiền từ công việc thôi. Vườn lan “Sang Còi” ngày ấy nay đã phát triển và trở thành một công ty có tiếng trong và ngoài nước với thương hiệu YSA Orchid. 
 
Gặp Phan Thanh Sang sau khi anh vừa vinh dự được Trung ương Đoàn chọn là một trong những thanh niên ưu tú của cả nước ra thăm đảo Trường Sa. Chàng thanh niên Lâm Đồng với bao ấp ủ, kỳ công để mang rau sạch ra nơi sóng gió, thiêng liêng của Tổ quốc - Trường Sa... Bên cạnh đó, Sang là một trong những thanh niên đi đầu, đang tìm cách cùng địa phương hỗ trợ tối đa cho các thanh niên cùng khởi nghiệp, làm giàu cho chính quê hương mình từ những sản vật đặc trưng. 
 
Là đại biểu HĐND TP Đà Lạt và Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Phan Thanh Sang thường đưa ra nhiều đề xuất, ý kiến đến lãnh đạo tỉnh các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, của các thanh niên và cũng là người tích cực cùng Tỉnh Đoàn trong các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Với những kinh nghiệm của chính bản thân và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho tỉnh nhà, cho đất nước; thế mà, khi tôi gọi là “thủ lĩnh khởi nghiệp”, anh chỉ cười xòa chân chất bảo rằng: “Ôi, mình chỉ làm hết tâm mình thôi, ở Lâm Đồng còn biết bao thanh niên đã giỏi và sẽ giỏi hơn mình rất nhiều”. 
 
Trong không gian ngập tràn sắc hoa và thoang thoảng hương ngọc lan tại Trạm dừng chân YSA Orchid bây giờ còn ngào ngạt cả mùi hương cà phê Đà Lạt. Đó là một góc trong điểm kinh doanh dành cho du khách đến tham quan và mua lan của YSA Orchid mà ông chủ Phan Thanh Sang vừa xây dựng Vườn ươm khởi nghiệp để hỗ trợ các thanh niên khởi nghiệp trong tỉnh. Tại “Vườn ươm” này, các sản phẩm như trà aitisô, cà phê sạch, đặc sản Đà Lạt... cùng các thông tin về doanh nghiệp được trưng bày khá bắt mắt để du khách có thể tìm hiểu và hợp tác. Đây là một cách làm mới mà Phan Thanh Sang vừa thực hiện để giúp các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Lâm Đồng đến gần hơn với thị trường, đối tác và người tiêu dùng.
 
Vườn rau thủy canh của Nguyễn Văn Dương (Vạn Thành, Đà Lạt). Ảnh: Văn Báu
Vườn rau thủy canh của Nguyễn Văn Dương (Vạn Thành, Đà Lạt). Ảnh: Văn Báu
Lan tỏa từ những “Vườn ươm khởi nghiệp”
 
Cũng là một người mang nhiều trăn trở với phong trào khởi nghiệp của thanh niên, anh Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng đã nhiều lần đề xuất việc hình thành một “làng khởi nghiệp công nghệ cao cho thanh niên”. Theo anh Thái, nơi đó là một khu đất quy hoạch mà tỉnh dành để hỗ trợ cho các dự án khả thi về nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên. Việc tập trung các ý tưởng khởi nghiệp ở cùng một khu vừa là một điểm đến cho du lịch, vừa thuận lợi cho các đối tác đến tìm kiếm cơ hội hợp tác. Anh Phan Đức Thái cũng chia sẻ: Hiện nay phong trào khởi nghiệp và tinh thần của nó đã lan tỏa khắp nơi, Tỉnh Đoàn cũng liên tục tổ chức các hoạt động để đưa tinh thần ấy lại gần hơn với thanh niên và vườn ươm từ các trường đại học cũng đang làm rất tốt vai trò “ươm mầm” của mình, hướng đến một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Văn Yên cho biết: Với mục tiêu 10.000 doanh nghiệp vào năm 2020 của Lâm Đồng thì khởi nghiệp đang là một hoạt động được quan tâm hàng đầu và tỉnh cũng có những chủ trương, chính sách để hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp. Bởi có đạt được mục tiêu ấy hay không, số doanh nghiệp có tăng lên đáng kể hay không thì khởi nghiệp là một trong những yếu tố then chốt. Ngay khi Thủ tướng phát động, Lâm Đồng cũng chủ động làm việc và xây dựng Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Từ đề án này, hàng năm tỉnh Lâm Đồng bố trí 5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Mà trong đó, phong trào khởi nghiệp của thanh niên là mạnh mẽ và quyết định hơn cả. Tôi tin bằng sức trẻ, bàn tay, khối óc của những người trẻ sẽ đem đến những ý tưởng khởi nghiệp mới mẻ, thành công, phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương và góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.
 
Có đến từng địa bàn, xem từng mô hình khởi nghiệp của các thanh niên khắp tỉnh mới thấy được sự lan tỏa của tinh thần ấy. Những chàng trai, cô gái lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên này, bằng tình yêu đất mẹ, tình yêu gia đình và bằng sức trẻ vẫn đang hàng ngày khởi nghiệp ở khắp nơi từ huyện xa cho đến thành phố gần. 
 
Họ, những người trẻ, cùng những câu chuyện của những người sinh ra từ làng ấy vẫn đang lặng lẽ cùng tô điểm bức tranh khởi nghiệp tại Lâm Đồng với những gam màu tươi vui từ những ý tưởng kinh doanh mới, với những “nét vẽ” ấn tượng từ những thành công mà họ đã làm được và bức tranh sáng ấy đổi lại là sự thay đổi đời sống, kinh tế, tư duy… của bao nhiêu người dân Lâm Đồng. Kỳ tích sẽ xuất hiện từ những điều tưởng chừng lặng lẽ, thường nhật ấy.
 
DIỄM THƯƠNG