Đơn Dương: Nâng mức cho các trường học đã đạt chuẩn quốc gia

09:07, 21/07/2017

Với 70% trường học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia, Đơn Dương cho biết đang có kế hoạch nâng mức chuẩn cho một số trường đã đạt chuẩn lâu nay. 

Với 70% trường học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia, Đơn Dương cho biết đang có kế hoạch nâng mức chuẩn cho một số trường đã đạt chuẩn lâu nay. 
 
Trong giờ học tại Tiểu học Quảng Lập - Đơn Dương. Ảnh: V.Trọng
Trong giờ học tại Tiểu học Quảng Lập - Đơn Dương. Ảnh: V.Trọng
Dẫn đầu Lâm Đồng
 
Với 48 trường học thuộc Phòng Giáo dục huyện quản lý, khoảng 20 nghìn học sinh các cấp học, đến nay Đơn Dương đã có 34 trường đạt chuẩn quốc gia và là huyện dẫn đầu Lâm Đồng về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh hiện nay. 
 
Một trong những thuận lợi để trường học ở đây có tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia nhanh như thế chính là sự quan tâm, đầu tư rất lớn của huyện trong việc đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống trường lớp các cấp học trên địa bàn. Đồng thời ngành Giáo dục huyện cũng nỗ lực không nhỏ trong việc nâng chất lượng dạy và học trong tất cả các cấp học.
 
Trong 34 trường đạt chuẩn trên tính đến thời điểm này, bậc học mầm non có 9 trong tổng số 15 trường; bậc tiểu học có 20/21 trường và bậc trung học cơ sở (THCS) có 5/12 trường. 
 
Chỉ tính trong năm học 2016-2017 vừa qua, Đơn Dương vừa có thêm 4 trường đạt chuẩn quốc gia, gồm Mẫu giáo Măng Non tại thị trấn D’ran; Mẫu giáo Tu Tra, Tiểu học R’Lơm (Tu Tra) và THCS Lạc Lâm, trong đó THCS Lạc Lâm về cơ bản hầu như được xây mới lại trong vài năm gần đây với trường lớp cực kỳ khang trang.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2016 vừa qua, hệ thống trường lớp tại huyện đã được đầu tư khoảng 20 tỷ đồng cho việc cải tạo, xây dựng mới; thêm 4 tỷ đồng cho thiết bị. Trong 6 tháng đầu năm 2017, hàng loạt các trường học trên địa bàn tiếp tục được cải thiện bộ mặt như Tiểu học Trần Quốc Toản; Tiểu học Quảng Lập; THCS Thạnh Mỹ, THCS Châu Sơn, THCS Quảng Lập… Tổng kinh phí cho đợt sửa chữa, xây dựng mới này theo Phòng Giáo dục huyện cho biết, trên 27 tỷ đồng, cộng thêm 14 tỷ đồng cho trang thiết bị đi kèm. 
 
Cũng nói thêm rằng Đơn Dương cũng đang làm tốt việc vận động nguồn lực từ xã hội cho xây dựng trường học. Chẳng hạn THCS Lạc Xuân hiện nay đang xây dựng lại một khu 12 phòng học mới, cả sửa sang, làm sân lại tổng cộng khoảng 5,5 tỷ đồng, trong đó vốn tài trợ của Ngân hàng Viettin Bank 1 tỷ đồng, Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi tài trợ 300 triệu đồng. Dự kiến ngôi trường này sẽ hoàn tất trong cuối hè này để chào đón học sinh năm học mới đang đến và đến tháng 11 năm nay sẽ đạt chuẩn quốc gia. 
 
“Chỉ tiêu của ngành Giáo dục huyện trong năm học 2017-2018 sắp đến sẽ có thêm 1 trường nữa đạt chuẩn quốc gia, đó là THCS Lạc Xuân, còn lại chúng tôi sẽ tập trung nâng chuẩn cho một số trường đã đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn lâu nay” - ông Nguyễn Văn Kháng - Trưởng phòng Giáo dục Đơn Dương cho biết.
 
Nâng chuẩn mức độ 2 
 
Một trong những điểm mạnh của Giáo dục Đơn Dương những năm gần đây chính là việc đẩy mạnh công tác kiểm định giáo dục trong hệ thống trường học. Theo ông Kháng, đã có khoảng 30% số trường trên địa bàn Đơn Dương đạt chuẩn kiểm định giáo dục, trong đó nhiều trường đạt chuẩn kiểm định mức độ 3 như THCS Lạc Nghiệp, Mẫu giáo Măng Non, Tiểu học Nghĩa lập, Tiểu học Thạnh Mỹ…
 
Trong năm học 2017-2018 này, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh kiểm định giáo dục trong hệ thống trường học, Đơn Dương theo ông Kháng, sẽ tập trung đầu tư nâng chuẩn quốc gia lên mức độ 2 cho một số trường tiểu học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia lâu nay như Tiểu học Nghĩa Lập, Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Quảng Lập, Tiểu học Tu Tra, Tiểu học Lạc Lâm.
 
Để thực hiện được đều này, Phòng Giáo dục huyện khẳng định sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với huyện cho mục tiêu tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học, tăng cường trang thiết bị dạy học, nâng cấp, xây mới phòng học mới, đầu tư sân chơi, bãi tập, nhà đa năng cho các trường còn thiếu.
 
Phòng cũng sẽ phối hợp tốt với các xã, thị trấn trên địa bàn trong việc duy trì sĩ số, chống bỏ học, đôn đốc học sinh đến lớp, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
 
Trong chuyên môn ông Kháng cho biết sẽ ưu tiên việc đánh giá chất lượng giáo dục để đề ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn; tiếp tục triển khai việc đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học. Cùng đó, bên cạnh tổ chức tốt các hoạt động phong trào, các cuộc thi dành cho học sinh, huyện sẽ phát động sâu rộng cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học với yêu cầu tất cả các trường THCS đều phải tham gia cuộc thi này.
 
Trong xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bên cạnh việc đánh giá theo chuẩn đã ban hành gắn với thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, Phòng cho biết trong năm học mới sẽ tổ chức nghiêm túc các kỳ thi dành cho giáo viên như thi giáo viên giỏi cấp huyện, giáo viên tài năng, nghiệp vụ sư phạm trẻ đồng thời tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên phổ thông nhằm đáp ứng tốt việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới trong năm 2018. 
 
Phòng Giáo dục, theo ông Kháng, cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn sử dụng và quản lý hiệu quả cơ sở trường lớp đã được đầu tư; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện. Các trường cũng được yêu cầu rà soát mua sắm bổ sung sách, thiết bị dạy học, sử dụng có hiệu quả sách và các đồ dùng, thiết bị hiện có và mua mới, đồng thời phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học tại trường. 
 
VIẾT TRỌNG