Tăng cường giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

09:04, 25/04/2017

Trong 3 tháng đầu năm 2017, số vụ tai nạn và số người chết đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp, Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các sở, ngành đang áp dụng nhiều giải pháp để kéo tỉ lệ số vụ tai nạn, số người chết giảm xuống mức thấp nhất trong những tháng còn lại của năm 2017.

Trong 3 tháng đầu năm 2017, số vụ tai nạn và số người chết đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp, Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các sở, ngành đang áp dụng nhiều giải pháp để kéo tỉ lệ số vụ tai nạn, số người chết giảm xuống mức thấp nhất trong những tháng còn lại của năm 2017.
 
Vụ tai nạn giao thông giữa hai xe khách tại huyện Di Linh làm hai người tử vong do lỗi của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Hữu Sang
Vụ tai nạn giao thông giữa hai xe khách tại huyện Di Linh làm hai người tử vong do lỗi của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Hữu Sang
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ TNGT, làm chết 46 người, 34 người bị thương, tăng 4 vụ (tăng 7,7%), số người chết tăng 11 người (tăng 31,4%) so với cùng kỳ. Thống kê cho thấy hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng chủ yếu xảy ra trên trục Quốc lộ 20 từ TP Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh. Trong đó, số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra nhiều nhất tại địa bàn TP Bảo Lộc (13 vụ, 13 người chết) tiếp sau là TP Đà Lạt (5 vụ, 5 người chết), huyện Đạ Huoai và Di Linh (4 vụ, 4 người chết). Số vụ TNGT thường rơi vào khung giờ từ 18 tới 24 giờ (chiếm 48%).
 
Thượng tá Trần Văn Sơn, Phó Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Lâm Đồng cho hay, như mọi năm nhu cầu đi lại của người dân lại tăng cao đột biến, nhất là các ngày trước và sau Tết Nguyên đán dẫn tới tình trạng người điều khiển phương tiện có hành vi uống rượu bia, tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định... khiến số vụ TNGT, số người chết trong 3 tháng đầu năm thường cao nhất trong năm.
 
Trước thông tin người dân cho rằng, một số vụ tai nạn giao thông gần đây đều rơi vào xe khách giường nằm (hay xe hai tầng) do mức độ an toàn loại xe này thấp hơn các loại xe khách khác, ông Võ Quang Vũ - Trưởng Phòng Quản lý vận tải - phương tiện và người lái thuộc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, hiện nay, hầu hết các nhà xe đều trang bị xe khách giường nằm, số lượng xe khách ghế cứng chiếm tỉ lệ nhỏ. Chính vì vậy, khi xảy ra tai nạn đối với xe khách nhiều người hay đổ lỗi cho xe khách giường nằm hay gây ra tai nạn hơn. Bên cạnh đó, thực tế về mặt cảm quan xe giường nằm cao hơn, to hơn và trọng tâm cao hơn sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhiều hơn khi hoạt động. Nhưng nói nguy hiểm đến đâu chỉ về mặt cảm tính. Bộ GTVT cũng đã khẳng định xe khách giường nằm được kiểm định về mặt kỹ thuật đảm bảo an toàn chạy trên đường núi cho phép, không phải là loại phương tiện hay lật hơn so với các loại xe khác. “Thực tế cũng cho thấy gần như 100% các vụ tai nạn xảy ra với xe khách giường nằm đều do lái xe chạy ẩu, vi phạm các quy định an toàn giao thông…” - ông Vũ cho hay.

Số liệu thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông quý I/2017, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 11.987 trường hợp, tạm giữ 1.555 xe mô tô, 49 xe ô tô, chuyển Kho bạc Nhà nước thu phạt 7,3 tỷ đồng, tước 553 GPLX có thời hạn. Sở Giao thông vận tải ra quyết định xử lý 125 trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ với số tiền phạt trên 340 triệu đồng, kiểm tra 82 xe, trong đó có 15 xe vi phạm chở hàng quá trọng tải. 

 
Đề cập tới nguyên nhân các vụ tai nạn, Thượng tá Sơn cho rằng, hiện nay, tuyến Quốc lộ 20 dài khoảng 150 km và một số tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh được nâng cấp rộng rãi, thông thoáng hơn nhưng số vụ tai nạn lại tăng so với cùng kỳ một số năm. Qua thực tế xử lý, điều tra các vụ tai nạn gần đây, Phòng CSGT thống kê: 100% số vụ TNGT đều do người điều khiển phương tiện gây ra. Tiếp tới là hành vi vi phạm làn đường, phần đường, vượt xe sai quy định, chuyển hướng sai quy định, uống rượu bia... “Như vậy rõ ràng không phải do đường đẹp hay xấu dẫn tới tỉ lệ TNGT tăng hay giảm mà nguyên nhân chính là ý thức người điều khiển phương tiện còn hạn chế gây nên”- Thượng tá Sơn nhận định và cho biết thêm một thực tế khác là phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay tăng nhanh. Lượng xe máy lưu thông trên Quốc lộ tăng trong khi nhiều tuyến đường trên địa bàn chưa phân chia làn đường riêng biệt dành cho xe ô tô, xe mô tô dẫn tới giao thông hỗn hợp dễ gây ra tai nạn. Tại các tuyến đường dễ xảy ra tai nạn như đèo Bảo Lộc, Prenn có nhiều vị trí đường gấp khúc, che khuất tầm nhìn người điều khiển phương tiện nhưng qua tuần tra, kiểm soát Phòng CSGT tỉnh nhận thấy các biển báo, vạch sơn được kẻ cắm một số chỗ chưa phù hợp. Hay tại địa bàn huyện Di Linh, một số đoạn đường TP Bảo Lộc trên trục Quốc lộ 20, nơi mật độ lưu thông cao nhưng dải phân cách cứng bị bỏ đi đều tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.
 
Trong Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đặt ra mục tiêu và yêu cầu Công an, Sở GTVT, Ban An toàn giao thông cùng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh trong quý II/2017 phải nỗ lực giảm 10% số vụ TNGT, 10% số người chết, dưới 10% số người bị thương so với quý I.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh triển khai và tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 13/1/2015 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, Sở GTVT, Phòng CSGT sẽ mở đợt cao điểm về xử lý vi phạm tốc độ để hưởng ứng Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (8/5-14/5/2017). Tăng cường sử dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và ứng dụng thông tin trong giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời, kết hợp đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vê trật tự, an toàn giao thông tới mọi đối tượng, nhất là cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo bằng chương trình vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, phát động phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”. Gần nhất là việc tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2017, kỳ nghỉ hè và kỳ thi Phổ thông trung học Quốc gia 2017.
 
C.THÀNH