Dạy và học ở nhà tù Côn Ðảo

08:12, 07/12/2016

Ðã có những năm tháng nhà tù biến thành trường học. Sau những bức tường kiên cố, ngột ngạt, dưới bóng đèn lòe nhòe và ánh trăng biển thật sáng, những lớp học thành lập, thầy và trò mải mê trò chuyện, trao đổi tới tận khuya. Ðó là nơi không chỉ trui rèn ý thức, sức mạnh mà còn là nơi nâng cao trình độ và tư tưởng chính trị cho những người tù yêu nước.

Ðã có những năm tháng nhà tù biến thành trường học. Sau những bức tường kiên cố, ngột ngạt, dưới bóng đèn lòe nhòe và ánh trăng biển thật sáng, những lớp học thành lập, thầy và trò mải mê trò chuyện, trao đổi tới tận khuya. Ðó là nơi không chỉ trui rèn ý thức, sức mạnh mà còn là nơi nâng cao trình độ và tư tưởng chính trị cho những người tù yêu nước.
 
Người thầy không bục giảng
 
Một trong những người thầy vẫn được nhiều tù binh Côn Đảo nhắc tới là bác Hai Tân (Trần Trọng Tân). Ngày bác Hai Tân chuyển xuống khu giam giữ đặc biệt, trên người ông chỉ có manh áo mỏng, rách, một chiếc quần đùi cộc. Vóc dáng gầy còm nhưng vẻ mặt toát ra hào khí khiến cả những tay cai tù cũng phải dè chừng. Một cai tù “bỏ nhỏ” với nhau: “Không biết “ổng” là gì mà cấp trên lệnh không được làm gì xúc phạm ổng”.
 
Bác Hai Tân lúc đó là giảng viên của trường Đảng (Hiện là trường Nguyễn Ái Quốc). Bác bị bắt và áp giải ra Côn Đảo, ở Trại 5 - một khu trại bình thường. Nhưng ông lại tham gia chống chào cờ ngụy, chống hát những ca khúc ca ngợi Việt Nam Cộng hòa đồng thời có tác động lớn tới những người xung quanh nên bị cách ly vào một phòng biệt giam, nơi giam giữ khổ ải hơn, như một cách trừng trị. Ở bất cứ khu trại nào, bác cũng chia sẻ những bài học, tư tưởng, lý luận cách mạng cho những anh em tù nhân. Kể cả trong khu tù biệt giam mỗi người một phòng, thường xuyên có người canh gác này.
 
Giáo sư Lê Quang Vịnh chia sẻ, ngày bị chuyển ra Côn Đảo, gặp được anh Hai Tân là một mối duyên lớn. Nhìn bộ dạng gầy còm, co ro, đêm lại nghe tiếng Hai Tân rên lên vì lạnh nên Giáo sư Vịnh đã nhờ chuyển bộ bà ba mới tinh mẹ gửi vào cho mình, qua tặng người bạn tù mới. Ai ngờ, sau đó, nhận lại được những dòng thơ cảm xúc:
 
Áo lọt phòng giam áo tới đây
Ôm hơi áo mới nhớ câu này
 Yêu nhau cởi áo cho nhau mặc
Mẹ hỏi qua cầu để gió bay
 
Đọc thơ, đoán rằng đây là người có trình độ, sâu sắc, Giáo sư Vịnh liền viết lên lá bàng (lá bàng trong tù được phát rất nhiều để dành cho việc vệ sinh), trình bày về việc bị bắt vào khi tuổi còn trẻ, nhiều kiến thức lý luận Đảng chưa được học đến… Ngay ngày hôm sau, khi giáo sư Vịnh được ra ngoài tắm nắng buổi sáng, thấy người bạn tù Hai Tân liền ném những cuộn giấy nhỏ tí cuộn thật chặt như đầu lọc thuốc lá về phía mình, trong đó trình bày rất rõ về quan điểm, đường lối chính trị. “Anh ấy là người thầy lớn trong một trường học đặc biệt của tôi - “trường học” ở nhà tù Côn Đảo”. “Tôi đã trưởng thành hơn về mọi mặt nhờ người thầy lớn, trường học đặc biệt ấy” - Giáo sư Vịnh chia sẻ.
 
Côn Đảo - chốn tù đày khắc nghiệt. Ảnh: Tư liệu
Côn Đảo - chốn tù đày khắc nghiệt. Ảnh: Tư liệu
Những buổi học trong đêm trăng
 
Cô Chính Nghĩa là người phụ nữ duy nhất tham gia trận Biệt động Sài Gòn quyết tử đánh vào Dinh Độc Lập, Mậu Thân 1968. Cô Nghĩa “ham” tham gia cách mạng hơn ham đi học nên nghỉ học ngang, đi theo các anh chị vào đoàn Biệt động Sài Gòn và có cơ hội tham gia nhiều trận đánh lớn. Sau trận đánh quyết tử, cô bị bắt và đày ra Côn Đảo. Bất ngờ, đây lại là môi trường học tập mới của cô Nghĩa.
 
Cô Nghĩa kể, trong những căn phòng bao quanh là những bức tường đá dày cộp, là những lớp học nho nhỏ. Ở đó các bà, các chị khéo tay dạy các cô gái mới lớn cách đan, may vá. Kể chuyện, đọc thơ và phân tích những tác phẩm như một cách học văn học, đạo lý. Những bài dân ca, hò vè các vùng miền cũng được các chị lớn dạy các em nhỏ ca hát. Những phép tính toán nhân, chia, cộng, trừ phức tạp cũng được giảng dạy kỹ càng… Không gian chật chội của nhà tù trở nên rộng mở hơn, ngày tháng dằng dặc tù giam rút ngắn hơn khi người này chia sẻ kiến thức, sở thích, kinh nghiệm cho người kia. Rất nhiều thời điểm, phong trào học tập lẫn nhau mạnh mẽ như thể nhà tù là một trường học đích thực.
 
Đi cách mạng sớm, bị bắt khi còn trẻ nên lẽ dĩ nhiên nhiều điều trong cuộc sống những cô gái trẻ tuổi đôi mươi như Chính Nghĩa chưa thể học hỏi được nhiều. Và nhờ chính việc quyết biến môi trường nhà tù thành trường học, họ được bổ sung nhiều kiến thức văn hóa, tự nhiên, xã hội, chính trị để được trưởng thành hơn trong quá trình giam giữ.
 
Không cho học ngày thì chuyển sang đêm
 
Cô Chính Nghĩa kể, ban ngày mọi sinh hoạt của những tù nhân Côn Đảo đều bị theo dõi, kiểm soát rất gắt gao. Tất cả các hoạt động dạy, học đều bị nghiêm cấm khắt khe. Ban đêm, lính cai tù có phần lơ là hơn, đó là lúc những lớp học “liên phòng” được lập ra, dưới ngọn đèn tù mù nơi góc phòng hoặc có khi chỉ là ánh trăng vàng chiếu sáng. Những phòng giam ở Côn Đảo phía trên là những song sắt bao lại nên ánh trăng rọi thẳng xuống, soi sáng mọi nẻo. Không bục giảng, không giáo án, không phấn không bảng, những bài học thiết thực vẫn diễn ra và nối dài năm này sang tháng nọ trong song sắt.
 
Có những thời điểm, những tù nhân có kiến thức sâu rộng được chi ủy trong nhà tù bầu ra để giảng bài cho cả những căn phòng xung quanh. Bác Hai Tân là một trong những người thầy có dấu ấn đậm nét được nhiều tù nhân Côn Đảo nhớ và nhắc tới vì những bài giảng chính trị được giảng gần gũi, thiết thực bằng chất giọng Huế ấm áp, hiền lành. Để tù nhân thu hút và tập trung tốt hơn, giữa những bài học vẫn thường có những phần tóm gọn nội dung, có những lúc giải lao bằng một giọng đọc thơ hoặc giọng hát rất ngọt về tình yêu quê hương, đất nước. 
 
Nhiều tù nhân Côn Ðảo không biết rõ mặt người thầy của mình vì chỉ được nghe tiếng hát, lời giảng qua song sắt và bức tường ngục tù nhưng họ nắm bắt đầy đủ tinh thần bài học và luôn dành cho người thầy - đàn anh một sự trân trọng.
 
Dĩ nhiên, không phải bao giờ việc học và dạy trong nhà tù cũng diễn ra suôn sẻ. Rất nhiều lần, những tù nhân phải chịu những cơn mưa vôi bột tạt từ trên xuống bỏng cháy da thịt, chịu những đòn roi rách da rách thịt... nhưng nỗi đau thể xác nào họ cũng cắn răng vượt qua để nuôi bền ý chí và quyết tâm của mình.
 
VÕ THU HƯƠNG