Lớp học thư pháp miễn phí ở Đà Lạt

08:09, 27/09/2016

Đây là nơi hội tụ những người trẻ yêu thích học thư pháp. Họ tìm đến với nhau để chia sẻ đam mê.

Trong căn phòng rộng hơn 10 m2, một nhóm bạn trẻ cặm cụi đưa tay mềm mại theo từng đường cong của những nét chữ. Đây là nơi hội tụ những người trẻ yêu thích học thư pháp. Họ tìm đến với nhau để chia sẻ đam mê.
 
Trung bình mỗi buổi có khoảng 7-10 bạn tới lớp
Trung bình mỗi buổi có khoảng 7-10 bạn tới lớp

Nơi nuôi dưỡng đam mê
 
Một cách tình cờ, Kiều Phú Thành (sinh năm 1987, giáo viên) được các sư thầy trong chùa Quán Thế Âm (đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 10) dạy về thư pháp. Vốn đã có tình cảm với môn nghệ thuật này từ lâu nên Thành nhanh chóng bắt nhịp và “lên tay” khá nhanh. Biết ở Đà Lạt chưa có một lớp học nào về thư pháp, Thành mượn căn phòng nhỏ của nhà chùa để tổ chức lớp; mua giấy, mực, bút... đón chào những người bạn đầu tiên.
 
Lớp mở mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi từ 1 - 2 tiếng, vậy là cũng đã hơn 3 năm kể từ ngày lớp Thư pháp Đà Lạt ra đời. Nếu tính về số lượng, nơi đây tập hợp chỉ vỏn vẹn chục thành viên nhưng đó đều là những người trẻ có niềm đam mê. Lớp học chỉ tập trung rèn luyện thư pháp Việt. Đến lớp, các bạn trẻ cùng hỏi học lẫn nhau, không chỉ học viết chữ mà còn tìm hiểu nguồn gốc, đặc trưng của môn nghệ thuật truyền thống này. Không dám nhận mình là thầy, Thành luôn cố gắng truyền đạt đến các thành viên trong lớp toàn bộ những kiến thức mà mình có được. Thành cũng lên mạng tìm hiểu cũng như tham khảo kinh nghiệm của những nghệ nhân thư pháp nổi tiếng để trau dồi thêm các kỹ năng.
 
Là thành viên lớn tuổi nhất, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (41 tuổi), Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Đà Lạt) đã gắn bó với lớp học hơn 3 năm. Dù công việc bận rộn nhưng tuần nào chị Thảo cũng dành thời gian tới lớp học. Chị tâm sự: “Thực sự mình cũng mê thư pháp từ lâu nhưng không có điều kiện đi xa học. Tình cờ biết đến lớp của Thành trên facebook, mình mừng lắm. Từ đó đến nay, mấy chị em cố gắng giữ lớp hoạt động đều đặn, dù có mưa gió cũng quyết không nghỉ. Mình cũng tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho những em mới học để giúp các em kiên trì hơn”.
 
Vào dịp Tết Nguyên đán, Thành và các thành viên lớp học còn tổ chức viết chữ tặng khách tại chùa. Niềm vui từ người nhận chữ, hạnh phúc của người cho chữ là động lực lớn giúp Thành ngày càng kiên trì hơn trong việc thành lập một câu lạc bộ dành cho những người yêu thư pháp ở Đà Lạt.
 
Khó khăn để duy trì
 
Ai cũng biết rằng học thư pháp nói riêng và các môn nghệ thuật nói chung đều cần đến sự kiên trì. Tuy nhiên, ban đầu không phải ai cũng đã thấm nhuần chữ “nhẫn”. 
 
Vốn là kiến trúc sư nhưng phải hơn 1 tháng, Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1986) mới có thể viết chữ một cách thuần thục, không bị run tay. Những tưởng đã quen cầm cọ vẽ thì cầm bút viết thư pháp sẽ dễ dàng nhưng không phải, Huy khá chật vật trong thời gian đầu. “Thư pháp thích hợp cho những người trầm lặng, lắng đọng một chút. Riêng việc ngồi 1 tư thế cầm bút nắn nót từng đường nét cong, thẳng của con chữ cũng phải cố gắng mới làm được. Mình cũng rủ thêm bạn bè tới lớp học nhưng chỉ được khoảng 2, 3 tuần là các bạn nghỉ, không theo được”, Huy cho biết.
 
Lê Thị Quế Trân (sinh năm 1996) đã học thư pháp được 1 tháng. Nhưng khác với Huy, Trân gặp rất nhiều khó khăn từ việc cầm bút sao cho đúng, cách điều chỉnh bút để viết chữ nét thanh, nét đậm... Trân tâm sự: “Thực sự học thư pháp rất khó. Mình mới tập viết từng nét chữ nhưng vẫn không chữ nào giống chữ nào cả. Nhưng mình sẽ không bỏ cuộc, phải cố gắng cho bằng các anh chị mới được”.
 
Dù lớp học hoàn toàn miễn phí nhưng không giữ chân được nhiều thành viên ở lại. Để hiểu và viết chữ thuần thục cần mất khoảng 2 - 3 tháng, nhiều bạn trẻ chỉ đến lớp được vài buổi lại nghỉ vì thấy khó và không đủ kiên trì. Phú Thành trăn trở: “Chữ nhẫn là điều kiện cần và cũng là thứ mà các bạn học được thông qua thư pháp. Tự bản thân mỗi người phải có đam mê thì mới có thể gắn bó được với môn nghệ thuật này. Nhìn lớp học đơn giản với mấy thành viên, mình cũng buồn lắm, nhưng chỉ còn 1 bạn muốn học tại đây thì mình cũng sẵn sàng chỉ dạy. Mình luôn tìm cơ hội để tăng thêm thời gian và phát triển quy mô lớp học. Có bạn ở Đơn Dương gọi điện cho mình, tỏ ý muốn theo học nhưng không thể lên đây vào các buổi tối. Vì vậy, trong thời gian tới, mình sẽ sắp xếp mở lớp vào ngày cuối tuần. Hy vọng có thể cùng mọi người chia sẻ chút đam mê”.
 
HỒNG THẮM