Tăng cường tuyên truyền SKSS - KHHGĐ tại xã đặc biệt khó khăn

05:05, 27/05/2016

(LĐ online) - Ngày 27/5, tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Ban chỉ đạo công tác Dân số -KHHGĐ tỉnh tổ chức lễ phát động chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ tại xã đặc biệt khó khăn năm 2016.

(LĐ online) - Ngày 27/5, tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Ban chỉ đạo công tác Dân số -KHHGĐ tỉnh tổ chức lễ phát động chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ tại xã đặc biệt khó khăn năm 2016. Có hơn 1.200 người là thanh niên, học sinh, CBCNV, người dân tham gia lễ phát động và diễu hành cổ động cho chiến dịch. 
 
Nhờ chiến dịch có nhiều phụ nữ trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn sớm tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ
Nhờ chiến dịch có nhiều phụ nữ trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn sớm tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng đã  phát động kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm bố trí đầy đủ nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp vận động sự hưởng ứng tham gia của người dân vào công tác DS-KHHGĐ. Đảm bảo tại 31 xã thuộc 9 huyện, thành phố triển khai chiến dịch trên địa bàn tỉnh đạt 50% chỉ tiêu triệt sản của kế hoạch năm, 60% chỉ tiêu kế hoạch năm về đặt dụng cụ tử cung, 60% chỉ tiêu kế hoạch năm về sử dụng thuốc tiêm và thuốc cấy. Thời gian triển khai chiến dịch từ ngày 27/5 -31/7. 
 
Theo đánh giá, những năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm giảm rõ rệt từ 14,5%o (2011) xuống 12,3%o (2015), duy trì mức giảm sinh hợp lý, trung bình hàng năm giảm 0,4%o -0,45%o, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn 2,12 con (2015), tỉ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 67,8%, việc thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh ngày càng được người dân quan tâm. 
 
Tuy nhiên, tại các xã đặc biệt khó khăn còn nhiều thách thức do phong tục tập quán sinh nhiều con, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh…ảnh hưởng đến sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.  Vì vậy, Chiến dịch có ý nghĩa tạo chuyển biến tích cực cho người dân về thực hiện chăm sóc SKSS-KHHGĐ, tạo cân bằng trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ giữa vùng khó khăn và các vùng đô thị. 
 
Ông Liêng Hót Ha Hai –Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cùng đại diện Hội LHPN huyện và trường học trên địa bàn xã Đạ Tông đã phát biểu hưởng ứng chiến dịch. 
 
Tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông và Trạm y tế xã Đạ Tông đã tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ. Tại Đam Rông, chiến dịch triển khai ở 7/8 xã (trừ xã Đạ K’Nàng đã thoát xã nghèo).
 
AN NHIÊN