Rừng Đạ Tẻh dần bình yên

09:05, 04/05/2016

Sau vụ phá rừng nghiêm trọng tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh vào tháng 2/2015, huyện Đạ Tẻh đã nghiêm túc đúc kết nhiều bài học xác đáng, công tác quản lý bảo vệ rừng chuyển biến hiệu quả nên 4 tháng đầu năm 2016 không chỉ tiếp tục giảm so cùng kỳ mà còn không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng...  

Vào quý I/2015, huyện Đạ Tẻh giảm 14 vụ vi phạm Luật Bảo vệ & Phát triển rừng (BV&PTR) so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên đã phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý. Sau vụ việc này, ngoài chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, huyện Đạ Tẻh đã nghiêm túc đúc kết nhiều bài học xác đáng, công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) chuyển biến hiệu quả nên 4 tháng đầu năm 2016 không chỉ tiếp tục giảm so cùng kỳ mà còn không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng... 
 
Kiểm lâm và công an phối hợp kiểm tra kinh doanh động vật hoang dã vào tháng 4/2016
Kiểm lâm và công an phối hợp kiểm tra kinh doanh động vật hoang dã vào tháng 4/2016
Khắc phục, chấn chỉnh từ vụ phá rừng
 
Kết quả kiểm kê rừng năm 2014, ở Đạ Tẻh, tổng diện tích có rừng là 30.242,8ha; trong đó, rừng tự nhiên gần 22.859ha, rừng phòng hộ hơn 4.958ha; độ che phủ đạt 57,7%. Thời điểm quý I/2015, Đạ Tẻh phát hiện, lập biên bản 64 vụ vi phạm Luật BV&PTR, giảm 14 vụ so với năm 2014. Riêng vụ phá rừng nghiêm trọng được phát hiện vào tháng 2/2015 tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên (tiểu khu 528 xã Nam Ninh và tiểu khu 536 xã An Nhơn) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh và 3 hộ ở xã Nam Ninh, Cát Tiên quản lý.
 
Đối tượng đã dùng máy cưa gỗ chạy xăng cầm tay hạ cây, cắt thành lóng, đưa xe cơ giới ủi đường để kéo gỗ ra; 213 cây bị hạ, khối lượng lâm sản thiệt hại 363,51m3; tại hiện trường còn 176 lóng gỗ các loại. Các ngành chức năng tỉnh và huyện vào cuộc, lập biên bản, khởi tố vụ án hình sự, điều tra và truy tố xét xử đối tượng vi phạm, trong đó có một cán bộ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh. 
 
Trước thực trạng đó, đã có nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, phân tích. Trở lại Đạ Tẻh tháng 4/2016, ông Nguyễn Ngọc Toán - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện thẳng thắn chia sẻ với nỗi buồn: Anh em kiểm lâm đi tuần tra có phát hiện dấu bánh xích nhưng chủ quan nên chỉ nghĩ xe của bà con đi làm rẫy chứ không nghĩ đến đối tượng khai thác gỗ liều lĩnh ngang nhiên đến như thế. Ô tô đi vào rất khó khăn nên càng không nghĩ việc khai thác gỗ có quy mô lớn. Bài học rút ra là gì? Hạt trưởng Toán trả lời: “Nếu thấy dấu vết là phải lần cho tới nơi, không thể chủ quan được. Trách nhiệm và kỷ cương cần tiếp tục được quán triệt mạnh hơn trong từng cán bộ của cơ quan”. 
 
Đó còn là vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, nếu không thường xuyên chủ động và tích cực tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên lâm phần quản lý thì hậu quả sẽ ảnh hưởng lớn và tạo ra các điểm nóng, khó ngăn chặn triệt để… Đó là trách nhiệm và năng lực công tác của kiểm lâm phụ trách địa bàn, phải thực sự sâu sát địa bàn, năng động và tâm huyết thì mới đạt hiệu quả cao. Cuối cùng là tính hiệu quả của Ban Lâm nghiệp xã, cần được củng cố và xây dựng thực sự thành khối sức mạnh mới phát huy được vai trò và trách nhiệm. Ban Lâm nghiệp xã cần nhiều giải pháp: ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; tinh thần làm việc năng động, nhiệt tình; đoàn kết, phối hợp đồng bộ và chính sách hỗ trợ hợp lí đối với cán bộ...
 
Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hùng cho biết: Huyện đã yêu cầu các Chủ tịch cấp xã ít nhất mỗi tháng 2 lần đi kiểm tra và phải có nhật ký cụ thể kiểm tra gì, như thế nào... theo mẫu của huyện ban hành. Mặt khác, thông báo công khai khi phát hiện những vi phạm lấn chiếm đất rừng, phá rừng... và giao cho xã, kiểm lâm xử lý ngay, không chờ ý kiến chỉ đạo của huyện. 
 
Ban hành Nghị quyết chuyên đề
 
Giữa tháng 4/2016, làm việc với Chủ tịch Bùi Văn Hùng, anh cho biết : Sáng nay, Huyện ủy vừa tổ chức hội nghị thống nhất nội dung để ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác QLBVR. Nghị quyết có 4 nội dung chính: tuyên truyền là yếu tố hàng đầu; rà soát xem xét những điểm nóng để có những biện pháp tuần tra, xử lý, lập trạm chốt…; xử lý các phương tiện thường sử dụng vận chuyển lâm sản trái phép; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cơ sở chế biến gỗ để thắt chặt nguồn gốc. Đồng thời, có những giải pháp khác như xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho bà con sống gần rừng, dựa vào rừng. Cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến thô về gỗ tràm, tạo công ăn việc làm cho người dân với mức lương phấn đấu đạt 5-6 triệu đồng/tháng. Huyện chỉ đạo lập danh sách người không có công ăn việc làm và đề nghị doanh nghiệp phối hợp triển khai dạy nghề cho công nhân, dự kiến bố trí công việc cho khoảng 70 người chuyên làm nghề rừng tập trung ở Mỹ Đức, Quốc Oai. Những đối tượng không thuộc diện ưu tiên như đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo… có chính sách tạo điều kiện về vay vốn. Người dân phải cam kết không tác động đến tài nguyên rừng bất hợp pháp. 
 
Quý I/2016, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác QLBVR như các văn bản số 10, số 36, số 156, Kế hoạch 17, Chỉ thị 02… Trong quý, trên địa bàn huyện đã phát hiện, lập biên bản 42 vụ vi phạm Luật BV&PTR, giảm 22 vụ so cùng kỳ năm 2015; tháng 4/2016 có 15 vụ vi phạm, giảm 11 vụ so tháng 4/2015. Đáng ghi nhận là không có vụ nào phải xử lí hình sự; không xảy ra vụ vi phạm điển hình; không có vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
 
Tuy nhiên, theo Hạt trưởng Nguyễn Ngọc Toán, việc phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra tại khu vực tiểu khu 539, 440, 536, 527… và vận chuyển lâm sản theo đường Đội 12, tỉnh lộ 725… Hạt đã và đang triển khai kế hoạch kiểm tra, truy quét các trọng điểm về khai thác, phá rừng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra công tác PCCCR của các đơn vị chủ rừng; tiếp tục công tác tuyên truyền… Với những bài học quý từ năm 2015 và đặc biệt có Nghị quyết mới của Huyện ủy nhiệm kỳ VIII, rừng Đạ Tẻh đã và đang trở lại bình yên.
 
MINH ĐẠO