Rèn kỹ năng bơi lội cho học sinh

09:05, 04/05/2016

Trường Phổ thông DTNT huyện Bảo Lâm vừa đầu tư một hồ bơi rộng 200m2 để dạy bơi cho các em học sinh trong trường. Mục đích của việc làm này là rèn luyện kỹ năng bơi lội để các em có thể tự bảo vệ mình khi gặp tai nạn đuối nước. Đây là hồ bơi đầu tiên được hình thành trong trường học phổ thông và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh học sinh.

Trường Phổ thông DTNT huyện Bảo Lâm vừa đầu tư một hồ bơi rộng 200m2 để dạy bơi cho các em học sinh trong trường. Mục đích của việc làm này là rèn luyện kỹ năng bơi lội để các em có thể tự bảo vệ mình khi gặp tai nạn đuối nước. Đây là hồ bơi đầu tiên được hình thành trong trường học phổ thông và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh học sinh.
 
Học sinh rèn luyện những kỹ năng bơi để tự cứu mình khi gặp nạn
Học sinh rèn luyện những kỹ năng bơi để tự cứu mình khi gặp nạn
Không để “mất bò mới lo làm chuồng” là chia sẻ của thầy Nguyễn Ry, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Bảo Lâm, khi nói về hồ bơi mới được đưa vào hoạt động tại trường. Thầy bảo: “Dù không phải vùng sông nước, nhưng nguy cơ tử vong của học sinh vì đuối nước rất có thể xảy ra. Do đó, từ nhiều năm trước, tôi đã có ý định xây dựng hồ bơi để học sinh trong trường được rèn luyện kỹ năng bơi lội.
 
Tuy nhiên, do gặp một số trở ngại, đến nay ước mơ có một hồ bơi trong trường mới thành hiện thực. Từ nhiều năm nay, nhà trường rất chú trọng đến công tác phòng ngừa đuối nước cho học sinh nên chưa xảy ra chuyện đáng tiếc. Nay hồ bơi được hình thành, các em được học bơi, học cách tự cứu mình, cứu người khác khi gặp nạn. Đây là mục tiêu lớn nhất mà nhà trường hướng đến khi xây dựng hồ bơi trong trường”. Hồ bơi có đầy đủ hệ thống lọc nước, phòng thay quần áo… với kinh phí 460 triệu đồng. Nguồn kinh phí này do phụ huynh đóng góp trên tinh thần “xã hội hóa”.
 
Ông K’Cao Xuân, phụ huynh có con học tại Trường Phổ thông DTNT Bảo Lâm, chia sẻ: “Việc hình thành hồ bơi để dạy kỹ năng cho các em là điều rất tốt. Do đó, các phụ huynh đều rất đồng tình ủng hộ chủ trương này. Hy vọng khi được dạy bơi, các em có thể tự cứu lấy mình khi chẳng may gặp nạn. Không những vậy, một khi các em được rèn kỹ năng đúng cách, biết bơi giỏi rồi thì còn có thể cứu người và chỉ dạy cho các em nhỏ hơn tại nơi mình sinh sống”. 
 
Từ khi hồ bơi đưa vào hoạt động, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, các em học sinh đều có buổi tập luyện bơi lội. Tất cả 300 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 trong trường đều được tham gia lớp học bơi. Ngay cả những em chưa biết bơi hoặc đã biết bơi “sơ sơ” đều rất hào hứng với môn học này.
 
Em Phan Trường Sinh, học sinh lớp 8, cho biết: Trước đây, em đã từng biết bơi rồi nhưng khi học ở trong trường thì được thầy dạy bài bản, đúng cách hơn nên em thêm tự tin vào khả năng bơi lội của mình. Em sẽ cố gắng tập luyện bơi thật giỏi để khi gặp trường hợp không may thì mình còn có thể tự cứu mình và tìm cách cứu người khác. Còn theo em Lê Dương Hồng Ngọc Linh, học sinh lớp 8, vì không biết bơi nên em rất lo ngại mỗi khi đi chơi những nơi có ao hồ, sông suối. Khi tham gia lớp bơi lội do nhà trường dạy, em học được cách tự nổi khi bị rơi xuống nước, cách bơi dễ nhất để vào bờ, cách cứu người khác sao cho an toàn. Các bài tập chủ yếu đều hướng đến mục tiêu giúp các em biết bơi, biết cách cứu người bị đuối nước đúng cách.
 
Thầy Kiều Việt Thu, giáo viên dạy bơi, cho biết: Nếu học đúng cách, đúng thời gian quy định thì trong khoảng một tuần là các em sẽ biết bơi. Các bài tập đi từ đơn giản đến phức tạp, từ mục tiêu tự cứu mình đến cứu người khác khi gặp tai nạn. Đây là môn học cần thiết vì tai nạn đuối nước trong học sinh trên thực tế ngày càng tăng và đây cũng là bộ môn rèn luyện thể chất rất tốt cho học sinh.
 
Ngoài xây hồ bơi, trước đây, Trường Phổ thông DTNT Bảo Lâm, cũng đã vận động phụ huynh đóng góp kinh phí để xây dựng sân bóng đá mini. Đây là 2 công trình góp phần rèn luyện thể chất rất tốt cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn có cách làm khá hay khi tạo dựng một “Thư viện xanh” trong khuôn viên trường. Thay vì gò bó trong thư viện, các em được thoải mái đọc sách, truyện dưới những bóng cây trong trường. Sách, truyện được “ngụy trang” treo trên cành cây, đặt dưới gốc cây đã tạo sự thích thú, tò mò cho các em. Những hoạt động này đã bổ trợ rất tốt cho việc dạy và học chính khóa vì nhà trường đã tạo dựng được một môi trường học tập rất tốt, rất thân thiện.
 
ĐÔNG ANH