Tết này ở Đưng K'nớ

03:02, 01/02/2016

Ngày cuối năm, một mình bon xe máy trên con đường Trường Sơn Đông vào thăm buôn làng Đưng K'nớ biệt lập giữa rừng để xem bà con ăn Tết ra sao.

Ngày cuối năm, một mình bon xe máy trên con đường Trường Sơn Đông vào thăm buôn làng Đưng K’nớ biệt lập giữa rừng để xem bà con ăn Tết ra sao.
 
1- Trường Sơn Đông là một con đường rất đẹp. Chắc chắn đó là con đường đẹp nhất Lâm Đồng hiện nay. Tôi đã từng đi khắp những con đường đẹp của Lâm Đồng như đường Di Linh xuống Phan Thiết chạy qua những đỉnh núi mây mù và bất chợt đồng bằng mở ra chơi vơi trước mắt. Hay như con đường 723 nối Đà Lạt với Nha Trang qua những buôn làng người thiểu số vương vất khói lam chiều, vượt qua đỉnh Hòn Giao quanh năm chìm ngập trong sương mù, qua những khu rừng lá thấp của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà độc đáo nhất Việt Nam, qua những ngọn thác từ trên vách đá cheo leo rơi xuống những sợi nước li ti lóng lánh sắc cầu vồng. Nhưng con đường Trường Sơn Đông này có một vẻ đẹp hoàn toàn khác.
 
Đó là một vẻ đẹp hoàn mỹ, nơi thiên nhiên hòa quyện chặt chẽ với bàn tay con người. Trong hơn 30km từ Suối Vàng vào với Đưng K’nớ, trừ những chỗ cần thiết, rất ít đoạn phải xẻ núi bạt taluy phơi đất đỏ ra dưới nắng mặt trời chói chang, con đường như một dải lụa đào mềm mại uốn lượn theo sườn núi, qua các lòng thung hay chạy trên đỉnh núi, vắt qua những vạt rừng thông rì rào, những vạt rừng nguyên sinh xanh ngút của dải Bidoup - Núi Bà. Hầu như hai bên đường rừng còn nguyên sơ, không bóng người, bóng nhà cửa, không có những nương rẫy cà phê ăn mòn rừng xanh, không có trang trại làm du lịch lô nhô bát nháo ken thông chết khô ngã đổ như con đường 723, không có rác thải hai bên đường. Từ con đường này có thể phóng tầm mắt sang những đỉnh núi xanh mờ khác để thấy rừng quanh Đà Lạt còn bất tận. 
 
Đó cũng là con đường đếm ngược độc đáo mà chỉ đi xe máy tôi mới biết. Khởi đầu từ Suối Vàng, trong suốt chặng vào Đưng K’nớ tôi chỉ thấy độc cái tên xã này trên các cột cây số dọc theo con đường. Cho đến nay, nó vẫn chỉ là con đường độc đạo với một điểm đến duy nhất là Đưng K’nớ. Đường mới làm gần đây, phía ngoài còn thơm mùi nhựa đường, phía trong là bê tông phẳng phiu, chẳng thấy ổ gà, ổ voi; suốt con đường hầu như chỉ mình tôi độc hành, họa hoằn lắm mới có một chiếc xe máy chạy ngược từ trong xã ra Đà Lạt; không thấy bóng dáng chiếc ô tô nào lảng vảng trên đường. Lúc vào xã tôi có hỏi Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đưng K’nớ Đoàn Quang Giao rằng, sao đến giờ không có chiếc xe khách nào chạy tuyến này thì anh cười lớn: “Tại người dân trong xã chưa có nhu cầu”. Tất cả người dân ở đây muốn ra Đà Lạt đều đi bằng xe máy. 
 
Nhưng con đường độc đạo đẹp này sẽ còn cô quạnh bao lâu nữa khi mà từ Đưng K’nớ chỉ cần khoảng 10km là đến bờ sông Krông Nô, bên kia đã là huyện Lăk của Đăk Lăk. Một chiếc cầu đang được lên kế hoạch xây dựng để nối lại 2 bờ. Chỉ cần cây cầu và phần đường còn lại hoàn thành, Đà Lạt sẽ nối với Đăk Lăk, với Ban Mê Thuột qua ngả Trường Sơn Đông này, rút ngắn khoảng cách về địa lý. Chỉ lo rằng lúc đó không chỉ nét thanh bình đáng yêu của buôn làng Đưng K’nớ biệt lập như hôm nay sẽ không còn nữa mà cả rừng hai bên đường rồi sẽ dần bị đẩy lùi nham nhở vào sâu một cách đáng tiếc!
 
Mùa thu hoạch cà phê
Mùa thu hoạch cà phê

2- Đưng K’nớ đang mùa thu hoạch cà phê. Từ Lán Tranh đến tận trung tâm xã, đi đâu cũng thấy những vạt cà phê phơi, không phơi cả hạt mà chỉ nhân cà phê đã bóc vỏ trắng ngà, trải dài dọc theo con đường Trường Sơn Đông ở những khu vực có dân cư sinh sống đến sân vườn nhà trong các cụm dân cư.
 
Ngồi sưởi nắng trong vườn nhà của mình tại thôn 1, già làng Rơ Ông Ha Tang đang thong thả uống trà trong chiếc ấm nhỏ trong khi 2 con ông đang vận hành máy bóc vỏ cà phê, mùi hạt cà phê đăng đắng nồng nồng trong không khí buổi sáng. Từng là một cựu chiến binh, tham gia cách mạng, làm liên lạc trong chiến khu, năm nay, ông đã 78 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng trông vẫn còn rất khỏe mạnh. “Nhờ đi bộ. Ngày trước cả làng trồng bắp, trồng khoai phía dưới đó và cả bên kia sườn núi đó” - ông đưa tay chỉ cho tôi phía sườn núi sừng sững trước mặt. Để đưa được bắp, được lúa về nhà trên đỉnh núi bên này, người dân nơi đây (trong đó có ông) phải cõng những gùi bắp, gùi lúa nặng trĩu trên lưng vượt qua những con dốc đứng sững. Đó là những năm tháng tràn đầy khó khăn. Ông lúc đó có đến 13 đứa con, mất 4 đứa còn 9, ông bảo mở mắt ra là vợ chồng lo đi làm kiếm sống nuôi con, cả làng này ai cũng đông con như thế, quanh năm cặm cụi no đói với rừng.  
 
Nay cuộc sống đã khác rồi. Tất cả các thôn trong xã đều đã có đường đi bằng bê tông do nhà nước làm, có trường học cho trẻ em (cả xã có 2 trường tiểu học và trung học cơ sở ghép chung tại Lán Tranh và Đưng K’nớ, một trường mầm non có các phân hiệu ở Lán Tranh và Đưng Trang), có trạm y tế với phân trạm ở thôn, có cán bộ đến nhắc dân làng sinh ít con để nuôi con tốt hơn. Nhiều người trong làng có tivi để xem, có xe máy để đi. Cả xã từ lâu đã biết trồng cà phê bên cạnh cây lúa.
 
Thu nhập chính của người dân Đưng K’nớ hôm nay chủ yếu từ cây cà phê. Toàn xã có gần 450 hộ dân, hầu hết là người Cil, người K’Ho, bên cạnh khoảng 40ha ruộng lúa dưới thấp, dân trong xã còn canh tác trên 400ha cà phê. Hầu như nhà nào cũng có rẫy cà phê, không nhiều thì ít, có nhà vài ha, có nhà ít sào. Như nhà già làng Ha Tang trồng nhiều, mùa này tổng thu khoảng 4 tấn cà phê nhân, bán ra cũng phải trên 100 triệu đồng, “đủ để chia cho con mỗi đứa một ít” - ông cười vui.
 
Một nguồn thu đáng kể khác của người dân trong xã chính là từ rừng. Không phải là đi khai thác lâm sản, chặt gỗ rừng mà từ giao khoán bảo vệ rừng. Có trên 350 hộ dân trong xã đang nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, trung bình mỗi hộ nhận bảo vệ khoảng 30ha. “Xã có số hộ dân tham gia bảo vệ rừng nhiều nhất huyện Lạc Dương” - Bí thư Giao cho biết. Bảo vệ rừng như thế trung bình mỗi quý mỗi hộ nhận được khoảng 2 triệu đồng từ chính sách dịch vụ môi trường rừng. “Ở trong rừng, vây quanh là rừng nhưng rất ít vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn, dân bảo vệ rừng rất tốt, chỉ có một vụ nổi cộm là dân từ nơi khác đến đây phá rừng chứ không phải người dân ở đây” - Bí thư Giao phấn khởi.
 
Già làng Rơ Ông Ha Tang
Già làng Rơ Ông Ha Tang
3- Cái Tết lớn nhất của người Cil, người K’Ho nơi đây, theo già làng Ha Tang chính là dịp Noel, từ khoảng 20/12 đến dịp Tết Tây hằng năm. Bởi lẽ, hầu như nhà nào nơi đây theo đạo Thiên Chúa hay Tin Lành nên dịp này bà con ăn Tết luôn, rất linh đình, tùy theo khả năng từng nhà, ít nhất cũng gà vịt, tiệc tùng vào ngày 25/12. Còn với Tết Âm lịch, có nhà gần đây cũng theo lệ người Kinh tổ chức bữa cơm mời bà con đến cho vui, hầu hết mọi người trong làng cũng ngừng lên rẫy, ở nhà trong dịp này, có người tranh thủ về nhà cha mẹ ruột, người thân của mình để thăm nhau. 
 
Nhưng với lớp trẻ có khác. Như vợ chồng K’Kim và Cil Ka Srang, 30 tuổi ở Lán Tranh cho biết, bây giờ lớp trẻ trong xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng dần “tân tiến” lắm rồi, cũng ăn Tết và đi chơi Tết như người Kinh. Dịp này, vợ chồng K’Kim cho biết cũng làm bữa tiệc nho nhỏ mời bạn bè, bà con đến chơi nhà, rồi cùng nhau tổ chức cả nhóm đi xe máy ra Đà Lạt chơi xuân. 
 
Chính quyền trong nhiều năm nay  theo Bí thư Giao cũng tổ chức Tết cho bà con trong dịp Tết Âm lịch. Mỗi thôn được tặng 1 triệu đồng, chính quyền thôn sẽ tổ chức bữa tiệc mừng năm mới tại hội trường thôn trong ngày mồng một Tết, mời bà con người lớn tuổi trong làng đến chung vui. Dịp trước, Tết và đặc biệt là sau Tết cũng có nhiều đoàn thiện nguyện từ khắp nơi trong tỉnh, trong nước, nhất là ở TP HCM vào đây tặng quà Tết cho bà con, gạo, áo quần, mì ăn liền, bánh mứt… Như năm 2015 có đến 17 đoàn tặng quà ở Đưng K’nớ.
 
Trong buổi chiều ra lại Đà Lạt tôi song hành cùng Bí thư Giao, anh có cuộc họp ở huyện phải ra. Là cán bộ huyện tăng cường về đây làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã hơn 2 năm, đầu tuần anh phải từ Lạc Dương 40km bon xe máy vào làm việc, cuối tuần ra lại, ngày có họp ở huyện phải ra rồi vào lại xã: “Dần cũng quen đường” - anh cười. Trong câu chuyện cùng anh, Bí thư xã vẫn rất tâm tư rằng đời sống bà con Đưng K’nơh còn chật vật lắm. Tính theo tiêu chí cũ thì xã chỉ còn 48 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo, nhưng nếu theo chuẩn mới ban hành gần đây thì phải đến 60% số hộ trong xã là hộ nghèo. Trở lực của người dân trong xã chính là tập quán canh tác cũ còn níu kéo rất mạnh. Theo Bí thư, các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác chăm sóc lúa nước, chăm sóc cà phê cho bà con được mở liên tục, hầu như nhà nào cũng tham gia, Nhà nước mỗi năm cũng hỗ trợ phân bón theo các chương trình đầu tư giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, nhưng số người áp dụng vẫn còn ít lắm. “Chắc phải đến khi thông đường qua Đăk Lăk, đời sống văn minh hơn, làng xóm bớt biệt lập thì bà con mới áp dụng khoa học nhiều hơn chăng”? - anh nói.
 
Bút ký: Viết Trọng