"Ăn cơm sớm còn đi học"…

10:09, 03/09/2015

… Chị Ka Ôi gọi vọng ra sân giục chồng mình đang tắm cạnh chiếc giếng khoan trước sân khi anh vừa ở rẫy về. Đây chẳng phải bữa cơm sớm hơn thường lệ, đã vài tháng trở lại, nhịp sống của gia đình thay đổi, ăn sớm để còn kịp lên lớp, để còn đi học "cái chữ".

… Chị Ka Ôi gọi vọng ra sân giục chồng mình đang tắm cạnh chiếc giếng khoan trước sân khi anh vừa ở rẫy về. Đây chẳng phải bữa cơm sớm hơn thường lệ, đã vài tháng trở lại, nhịp sống của gia đình thay đổi, ăn sớm để còn kịp lên lớp, để còn đi học “cái chữ”.
 
Vợ chồng anh K’Đọt và chị Ka Ôi đã ngoài bốn mươi, có với nhau bốn đứa con, cả hai đều mù chữ. Họ cũng như những người khác ở thôn Kon Mang (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) nghèo khó, nằm sâu hút gần con suối Đa Sê Đăng, cứ 7h tối, lại khoác túi, xách đèn đến ngôi trường tiểu học cách nhà chừng vài phút đi bộ để học chữ, những tiếng i tờ đầu tiên trong đời. Ở đó, họ tìm thấy niềm vui, sau cả ngày cực nhọc với rẫy vườn.
 
Cô giáo trẻ Đàm Thị Hồng đang soi đèn giúp bà Ka Ớt đọc chữ
Cô giáo trẻ Đàm Thị Hồng đang soi đèn giúp bà Ka Ớt đọc chữ
 
Cả nhà cùng lên lớp
 
Trong lớp học dành cho học sinh tiểu học vẫn còn dán đầy những bảng ngữ “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” lại là những gương mặt người lớn, đang khó nhọc đánh vần từng chữ. Những gương mặt chất phác, hằn in sự nghèo khó đang bắt đầu sự trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với riêng họ. Sự trải nghiệm khó khăn hơn rất nhiều so với việc tỉa bắp, trồng khoai.
 
Vợ chồng K’Đóp - Ka Brêu đến lớp cùng hai con nhỏ, đứa thứ hai còn chưa ngồi vững, chẳng sao, đã có bà đi kèm, vừa trông cháu vừa học cùng hai vợ chồng anh. “Học cái chữ khó, nhưng mà vui”, người đàn ông một vợ hai con K’Đóp cười ngại ngùng trả lời.
 
Cả lớp có 35 người, đều là những người ở thôn Kon Mang. Tân Thanh của những ngày xưa xa xôi, quanh năm nghèo đói bủa vây đã khiến họ không được tới trường, không biết mặt con chữ. Giờ ai cũng khao khát được “thấy tận mắt, tận tay con chữ” như thế nào.
 
Đều đặn vào mỗi buổi tối, lớp lại lên đèn. Dù các bóng điện đã được bật hết công suất, nhưng nhiều chị, nhiều mẹ trong lớp vẫn phải cầm theo đèn pin để soi dò chữ. Họ đọc, đánh vần bằng tất cả sự say mê và thích thú.  
 
Cô, thầy bằng tuổi con 
 
Bên cạnh lớp xóa mù do đội ngũ Trí thức trẻ Tình nguyện của Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng hướng dẫn cho bà con mù chữ tại thôn Kon Mang, tại huyện Lâm Hà còn có các lớp của Dự án Reflect. Đó là lớp của người K’Ho Srê tại thôn Tân Lập, xã Đan Phượng và 2 lớp dành cho người Dao Đỏ, Dao Tiền, Tày và Mường tại 2 thôn Bãi Thuyết, Bằng Sơn của xã Tân Thanh.

Đoàn Thị Hồng là sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Quản lý Giáo dục (Trường Đại học KHXH&NV Tp.Hồ Chí Minh). Tuổi trẻ, hoài bão và khao khát trải nghiệm, cô không chọn cho mình chốn phồn hoa lập nghiệp, mà về gia nhập vào “đội quân” Trí thức trẻ Tình nguyện của Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng. Hồng nói: “Ở đây em mới thấy hết giá trị của những kiến thức mà mình đã được học. Chính sự đói chữ, ham học của bà con là bài học đầu đời vô cùng quý giá trong những ngày đầu tiên lập nghiệp của em”.

Cùng đứng lớp với Hồng, còn có Bùi Đình Cầu, chàng sinh viên người Hà Tĩnh vừa tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng và Ka Hồng, người con của buôn làng, cô cũng vừa nhận tấm bằng cử nhân Sư phạm Anh ngữ của Đại học Đà Lạt.
 
Tất cả còn trẻ, nhiệt huyết và đam mê. Chẳng ai nghi ngờ điều đó, bởi nếu không họ đã chọn cho mình một con đường dễ đi hơn. Với nhiều người, họ còn là những người trẻ can đảm, bởi không nhiều trong hàng vạn sinh viên ra trường mỗi năm lại tìm đến một Tân Thanh xa xôi với những thôn buôn nghèo khó để bắt đầu. Web, facebook, zalo… phập phù, chỉ những tiêu chí đơn giản ấy cũng đã đủ khiến nhiều bạn trẻ bây giờ e ngại mà từ chối.
 
Lớp học toàn người lớn tuổi, có những người thì đã lên chức “ông, bà nội”, “ông, bà ngoại”… chẳng sao, vẫn ngọt ngào một thầy, hai cô tình nghĩa, “thưa, dạ” phải phép như đạo thầy trò ngàn năm. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, ấy là cái nghĩa của đạo lý!
 
Những bà Ka Ớt năm nay đã ngoài 50, những chị Ka Xiêm cũng đã ngoại tứ tuần… những người đã đi tròn hơn nửa cuộc đời, đã dạy cho cháu con đạo lý phải sống, những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại… nay họ vẫn bắt đầu bập bẹ những con chữ đầu tiên, đơn giản chỉ là để biết đọc, biết viết, hơn thế đó chính là niềm vui sống của họ.
 
Có một Tân Thanh không xa
 
Ông Trần Quang Thân - Bí thư xã Tân Thanh nói với tôi: “Xã còn nghèo lắm, vẫn trong diện đặc biệt khó khăn. Bên cạnh người đồng bào bản địa, người đi xây dựng kinh tế mới thì còn bà con dân tộc thiểu số phía bắc du cư tự do vào đây. Phần lớn họ đều không biết chữ, mỗi khi làm việc liên quan đến giấy tờ, giải thích cho bà con đều hết sức khó khăn cho anh em cán bộ cơ sở như chúng tôi”.
 
“Bây giờ nhiều người biết nhìn văn bản đọc được rồi anh ạ, dù vẫn còn lẩm nhẩm đánh vần. Họ đi học vui lắm, chẳng ai muốn bỏ, nhiều hôm mưa gió, em sợ họ vất vả, vậy mà họ vẫn chạy xe lên đội đón em xuống dạy”, cô giáo chủ nhiệm Đàm Thị Hồng chia sẻ.
 
Với ông bố K’Đọt thì: “Tôi muốn biết cái chữ để còn đọc sách, đọc báo, đọc những văn bản để thấy mình không bị thua thiệt, không phải nhờ con đọc giùm. Mai mốt, nếu học thông tôi cũng sẽ mượn sách khoa học kỹ thuật về để mình tự tìm hiểu, chứ không câu được câu mất khi nghe cán bộ hướng dẫn”.
 
Vẫn còn đó một Tân Thanh xa xôi và nghèo khó. Những khoảng cách đã được nối gần hơn, gần hơn bởi những tiếng i tờ không còn trong trẻo, gần hơn trong lớp học buổi tối mỗi khi sáng đèn.
 
LAM ANH