Ngọn bút

06:06, 23/06/2022
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Huệ trở về nhà sau buổi trực đã thấy các con yên giấc trong vòng tay bà ngoại. Mâm cơm canh úp lồng bàn nguội ngắt. Trong phòng khách còn vương vãi đồ chơi, bức tranh vẽ nguệch ngoạc của con, chiếc áo mẹ khâu dở dang còn bỏ đó chắc vì vội dỗ dành cháu ngủ. Chị nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, đã quá mười một giờ đêm. Chuông điện thoại vang lên, Thuần nhắn hỏi: “Vợ về đến nhà chưa?”. Chồng đi công tác đã gần nửa tháng, chị cũng bận việc suốt, con cái cửa nhà chỉ biết cậy nhờ bà ngoại. Suốt một ngày rong ruổi đi lấy tin tức rồi trở về tòa soạn cắm cúi viết bài, đến tối muộn vẫn còn chưa xong việc. Cho đến khi bản bông được duyệt kịp đưa đi nhà in cũng là lúc cơ thể mệt nhoài. Nhà chị ở ngoại thành, nhiều tối về muộn, lủi thủi một mình trên con đường hun hút vắng bóng người. Nghĩ đến việc các con ở nhà đã ngủ quên trong lúc đang đợi mẹ, chị chợt chạnh lòng. Chị nhớ tới lời chồng từng bảo: “Hay là em thử nghĩ đến chuyện chuyển công việc khác?”. Nhưng hơn mười năm làm báo Đảng với biết bao khó khăn, cực nhọc mà chẳng hiểu sao chị vẫn muốn gắn bó lâu dài. 
 
- Anh có quen vài chỗ. Hay để anh sắp xếp cho em một công việc nhàn hơn?
 
Hai năm trước, lúc chị mới sinh xong bé thứ hai, chồng đã mở lời như thế. Chị nghe xong chỉ khẽ lắc đầu. Tuổi thanh xuân của chị đẹp đẽ cũng là vì dám nỗ lực hết mình cho mơ ước được trở thành nhà báo. Nếu muốn nhàn hạ thì ngay từ đầu chị đã chọn cho mình công việc khác. Chị hiểu nỗi lo của chồng, khi các con còn nhỏ, anh thì bận bịu công việc tối ngày. “Nhà có người lo kinh tế thì cũng phải có người chăm sóc các con. Mình anh lo kiếm tiền là đủ”. Nói thì nói vậy nhưng Thuần chưa bao giờ ép buộc hay gay gắt chuyện công việc của vợ. Vì trong thâm tâm anh hiểu chị yêu nghề. Từng có lúc anh bảo:
 
- Hay là em về làm ở tạp chí văn nghệ? Cũng là làm báo thôi nhưng đỡ vất hơn. Cả tháng tạp chí ra hai số, đủng đỉnh mà làm. Chứ làm báo ngày, lúc nào cũng vội vàng tất bật. Công việc cuốn mình đi như một guồng quay, ngày nào cũng phải chạy đua với thời gian. Áp lực công việc liên tục như thế mấy mà già. Cả ngày làm việc vất vả, về đến nhà cũng chẳng còn sức lực mà vui vẻ với chồng con. 
 
- Thật ra, công việc làm mãi cũng quen. Nói khéo anh không tin, chứ hôm nào nhàn rỗi lại thấy trống vắng. Mỗi sáng đến tòa soạn, cầm trên tay trang báo mới thơm mùi mực, lòng vui khó tả. Nhất là khi nghĩ đến những bạn đọc háo hức chờ từng số báo ra. Anh nhớ cụ Học xóm chùa không? Một phần tiền lương hưu cụ luôn dành đặt mua báo. Nghe con cháu kể, sáng nào cụ cũng chờ anh nhân viên bưu điện gọi ra nhận báo. 
 
Chị lại nhớ đến những lần về quê ghé thăm cụ Học. Nhà cụ cách nhà bố mẹ chị một giậu cúc tần. Lúc còn bé, chị hay chui hàng rào chạy qua nhà cụ không phải để leo trèo bắt chim, hái quả như những đứa trẻ khác. Mà có một thứ còn hấp dẫn chị hơn nhiều, đó chính là kho sách chứa bao điều lý thú của cụ. Cháu gái cụ trạc tuổi chị, hai đứa hay rủ nhau “vào nhà kho tìm chữ”. Ngày ấy sách báo rất ít, nên chị háo hức với từng con chữ. Những năm tháng tuổi thơ đi qua, đứa trẻ mười tuổi lớn lên với “gia tài” sách của người hàng xóm. Đứa trẻ ấy được bước vào thế giới rộng lớn từng trang sách báo mở ra. Chẳng mấy chốc mà trong kho sách không còn cuốn nào mà chị chưa đọc. Hồi ấy cụ Học làm dưới phố. Cứ cuối tuần cụ lại về thăm nhà mang theo vài tờ báo làm quà cho mấy đứa nhỏ ham đọc. Không một mẩu tin tức nào mà chị bỏ sót. Đến bữa cơm, chị thường kể cho cả nhà nghe chuyện lạ đó đây; chuyện học sinh nghèo vượt khó; những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên đất nước mình…
 
Nhờ tình yêu chữ nghĩa được hun đúc từ những ngày thơ ấu mà lớn lên Huệ mơ ước được trở thành nhà báo. Để viết về những điều đẹp đẽ, chống lại cái tiêu cực, xấu xa. Những lúc mệt mỏi nhất Huệ hay nghĩ về nụ cười hạnh phúc của cụ Học mỗi lần nhận từ tay chị một tờ báo mới, những tin tức vẫn còn nóng hổi. Lần gần đây nhất, lúc chị qua chơi, cụ hồ hởi bảo: “Ông mới đọc bài phóng sự rác thải nhựa của cháu xong. Vấn đề nhức nhối ấy”. Rót chén trà nóng đẩy về phía chị, cụ hỏi han đủ chuyện về nghề. Cụ vẫn giữ thói quen giữ những tờ báo cũ, đặt bên bàn uống nước. Để bạn già tới chơi cùng thưởng trà, đọc báo, bàn luận những vấn đề thời sự. Cụ nói: “Suốt thời gian dịch bệnh, ông hạn chế đi lại gặp gỡ mọi người. Con cháu đi làm xa cũng không về được. Ở nhà một mình buồn lắm cháu ơi, vào ra quanh quẩn. May mà có cái đài FM và mấy tờ báo quen thuộc. Ngày nào ông cũng đọc báo để nắm được các chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch COVID-19 đấy. Tụi trẻ còn biết dùng điện thoại thông minh để đọc báo xem tin tức. Chứ tuổi của ông giờ chỉ mong mắt còn nhìn thấy chữ để hàng ngày làm bạn cùng sách báo”. Lạ thay, mỗi lần nhìn cụ, chị lại thấy mình của những ngày xưa. Cũng nhờ niềm mong mỏi, tin yêu từng trang báo của những người như cụ Học mà chị càng thêm tha thiết với nghề. 
 
***
 
Sáng sớm, Huệ vừa đến tòa soạn thì nhận được điện thoại của bạn đọc. Đầu dây bên kia giọng một người phụ nữ lớn tuổi vang lên:
 
- Xin hỏi có phải số điện thoại của cô Huệ phóng viên không ạ?
 
- Dạ vâng! Xin hỏi ai vậy ạ?
 
- Tôi là người dân sống gần nhà máy chế biến sắn đây cô. Không biết cô còn nhớ tôi không? Lần trước cô xuống địa phương, đi thực tế để viết bài có vào nhà tôi lấy thông tin. Nhà tôi có cái ao to nhất, nhiều cá chết bất thường đó cô. 
 
- À. Cháu nhớ rồi. Bác Phương đúng không ạ? 
 
- Đúng rồi cô ơi. Nhờ loạt bài phóng sự của báo mà cơ quan chức năng vào cuộc, lập biên bản hiện trường, lấy mẫu nước, mẫu cá để quan trắc, thẩm định chất lượng nguồn nước và tìm nguyên nhân cá chết. Sau khi tiến hành xử phạt hành chính, buộc dừng xả thải ra môi trường thì bây giờ tình hình tốt hơn nhiều rồi cô à. Nguồn nước dần sạch trở lại, không còn mùi hôi thối nữa. Cứ nghĩ đến cảnh lúc nào cũng phải đóng kín cửa mà mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc mà tôi sợ quá. Nên tôi thay mặt bà con nơi đây gọi điện cảm ơn cô Huệ và tòa soạn.
 
- Đó là trách nhiệm, là việc mà chúng cháu cần phải làm. Thấy đời sống các bác dần ổn định trở lại, cháu rất vui. 
 
- Nhớ lần trước thấy cô thích giống hoa hồng bạch trà. Ông nhà tôi đã giâm được mấy cành đẹp lắm bảo để dành phần cô. Lúc nào tiện đường về quê, mời cô ghé qua thăm lại vườn cây ao cá…
 
Đời làm báo thỉnh thoảng cũng có những niềm vui như thế. Thi thoảng chú bảo vệ của tòa soạn lại nhắn xuống lấy đồ. Có khi là thùng quả đầu mùa, vài chục trứng gà, vài ba bịch cây giống, mấy mớ rau còn tươi mơn mởn của một bác nông dân nào đó tiện đường ghé qua gửi tặng. Bác nói: “Nhờ bài viết về phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi mà nhiều người biết đến trang trại của mình hơn. Nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm đã gọi điện đặt hàng nhà bác đấy”. Sự trân quý không chỉ nằm ở quả trứng, mớ rau mà quan trọng là nằm ở lòng người. Nhất là mỗi khi có dịp được gặp lại nhân vật trong bài viết hoặc vùng đất mình từng lăn lộn trong hành trình đi tìm công lý, thấy mọi thứ đã tốt đẹp hơn. Dòng sông từng bị ô nhiễm nặng nề đã sống lại; rừng nguyên sinh từng bị lâm tặc triệt hạ giờ đã kịp bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn; con đường dân sinh từng bị xe trọng tải lớn của “đất tặc” giày xéo giờ đã được trả lại như thực trạng ban đầu để người dân lưu thông thuận lợi; và hơn hết là nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt người từng nhàu nhĩ lo toan. Bởi vậy nên dù trải qua bao khó khăn vất vả nhưng ngọn lửa nghề vẫn không ngừng cháy trong tim chị. Chị vẫn thấy mình của những ngày xưa, khi còn là cô sinh viên trường báo, nhiệt huyết và không ngại dấn thân. 
 
Thuần cũng dần hiểu và cảm thông với công việc của vợ, nên đã không còn giục chị chuyển công việc khác. Những hôm chị bận, anh luôn cố gắng thu xếp công việc để về nhà sớm chơi với các con. Chị đã có thể kể với anh những khó khăn trong nghề. Dựa vào anh những khi mỏi mệt, chênh vênh nhất. Để có thêm động lực đối mặt với nhiều thử thách của nghề. Trên con đường đi tìm kiếm sự thật vốn không chỉ có sự vất vả, khó khăn. Mà còn là biết bao cạm bẫy mà nhà báo cần phải đủ bản lĩnh để vượt qua. Từng nhiều đêm mệt nhoài, nhưng đặt lưng xuống giường chị không làm sao có thể chợp mắt được. Bởi còn trăn trở, day dứt trước trách nhiệm của một người cầm bút trong trong hành trình tìm cách đưa sự thật đến được với công chúng. 
 
Chị chợt nhớ tới bài thơ “Sự thật và trái tim làm báo” của tác giả Lê Cảnh Nhạc. “Cháy hết mình nghiệp báo tuổi năm mươi/ Một trang viết nửa cuộc đời mài bút/ Dòng tin vắn thót tim căng ánh mắt/ Trên đường ray, bạn đọc có đi cùng?”. Chị tin rằng mỗi người làm báo đều đã có câu trả lời của riêng mình. Chắc hẳn khi đi qua nhiều cung bậc cảm xúc của một người làm nghề có vui buồn, day dứt, xót xa. Nhưng sáng bừng lên tất cả vẫn là tình yêu nghề và bản lĩnh của một người làm báo Đảng…
 
VŨ THỊ HUYỀN TRANG