Cần trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ những người cầm bút ở Lâm Đồng

06:06, 23/06/2022
Chăm lo, phát hiện và bồi dưỡng những cây viết trẻ nhằm hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận giàu lòng đam mê sáng tạo văn học - nghệ thuật, đủ “tâm” và “tầm” để có thể kế thừa một cách xứng đáng thế hệ đi trước, tiếp tục gánh vác sự nghiệp văn học - nghệ thuật của tỉnh nhà trong tương lai là vấn đề cấp bách đang được đặt ra. Làm gì và làm như thế nào để trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ những người cầm bút ở Lâm Đồng hiện nay? 
 
Những cây bút trẻ Lâm Đồng tại buổi gặp mặt
Những cây bút trẻ Lâm Đồng tại buổi gặp mặt năm 2019
 
•  ĐỘI NGŨ CẦM BÚT BỊ GIÀ HÓA!
 
Theo số liệu thống kê từ Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 280 hội viên đang sinh hoạt tại 11 Chi hội chuyên ngành gồm: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Chi hội Dân tộc thiểu số và Chi hội Văn học - Nghệ thuật của các địa phương: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc. Nhìn chung, đội ngũ những người cầm bút ở Lâm Đồng những năm qua đã có nhiều nỗ lực vươn lên trong lao động sáng tạo nghệ thuật, tích cực sáng tác và công bố tác phẩm văn học - nghệ thuật. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đã tổ chức được 33 Trại sáng tác trong và ngoài tỉnh. Các hội viên tham gia Trại đã sáng tác được hơn 2.000 tác phẩm các loại. Ngoài ra, hội viên cũng tự sáng tác không dưới 14.000 tác phẩm các loại, tham gia dự thi, giao lưu, công bố và quảng bá nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ địa phương đến Trung ương.. 
 
Mặc dù vậy, điều mà các cấp Hội quan tâm, trăn trở nhất đó chính là vấn đề già hóa đội ngũ, kể cả đội ngũ cầm bút sáng tác và cả đội ngũ tham gia trong Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng hiện nay. Một trong những hạn chế và tồn tại lớn nhất trong nhiệm kỳ VI (2017-2022) như Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng Hà Hữu Nết đã thừa nhận, đó là: Công tác phát triển hội viên chưa tương xứng; việc kết nạp hội viên là nữ, là người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Hội viên là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 3,8%. Đặc biệt, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tuổi đời bình quân của hội viên khá cao (59 tuổi). Do vậy, công tác tạo nguồn, kết nạp hội viên trẻ (dưới 35 tuổi) là việc cần làm ngay và phải làm thường xuyên, lâu dài. Việc trẻ hóa đội ngũ những người cầm bút thực sự cần thiết nhằm tạo thế và lực cho hoạt động văn học - nghệ thuật phát triển bền vững. Quy luật “tre già, măng mọc” không chỉ mang yếu tố tiếp nối, kế thừa mà còn là trách nhiệm của những người làm công tác văn học - nghệ thuật và cả đội ngũ những người cầm bút trên lộ trình hướng tới tương lai. Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề quan tâm, chăm lo cho đội ngũ những người cầm bút trẻ ở Lâm Đồng trong thời gian tới, nhà văn Thanh Hương (Chi hội Văn học - Nghệ thuật huyện Đạ Tẻh) đề xuất: Thường trực Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng cần quan tâm bồi dưỡng cho lớp trẻ. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ Trung ương và một số tỉnh, thành bạn, hàng năm Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng nên tổ chức những trại sáng tác dành cho các cây bút trẻ của tỉnh nhà từ 5 đến 10 ngày để bồi dưỡng kỹ năng viết lách cho họ, qua đó, tạo nguồn cho tương lai...
 
• CẦN TRẺ HÓA, CHUẨN HÓA 
 
“Tre già, măng mọc” là một thành ngữ khá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Thế hệ trước là những người đào tạo, dìu dắt thế hệ sau để thế hệ sau có kinh nghiệm và phát triển những gì mà thế hệ trước đã tạo ra và sau đó lại tiếp tục truyền cho thế hệ sau nữa.Trong lĩnh vực hoạt động văn học - nghệ thuật cũng vậy! Chăm lo, phát hiện và bồi dưỡng những cây bút trẻ nhằm hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận giàu lòng đam mê sáng tạo văn chương, đam mê sáng tạo văn học - nghệ thuật, đủ “tâm” và “tầm” để có thể kế thừa một cách xứng đáng thế hệ đi trước, tiếp tục gánh vác sự nghiệp văn học - nghệ thuật của tỉnh nhà trong tương lai là một trong những vấn đề cấp bách đang được đặt ra. Nhà văn Nguyễn Chí Long - Phó Tổng Biên tập Tạp chí LangBian nhấn mạnh: “Quan tâm đến đội ngũ sáng tác trẻ là vấn đề cấp bách hiện nay, nếu không, Hội sẽ không còn nguồn phát triển hội viên mới”.
 
CLB Sáng tác trẻ Lâm Đồng hiện đang quy tụ trên dưới 20 hội viên, phần lớn các thành viên trong CLB đều có tuổi đời trên 35. Tuy không nhiều về mặt số lượng và có hiện tượng già hóa, nhưng đây được xem là một lực lượng sáng tác không thể thiếu trong hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật của tỉnh nhà, góp phần làm nên dư vị mới, sức bật mới trong đời sống văn học - nghệ thuật Nam Tây Nguyên. Là những người yêu văn học - nghệ thuật, đam mê sáng tạo văn chương, một số cây bút quen thuộc như: Lê Thị Quỳnh Hảo, Lê Hòa, Hồ Minh Hoài Bảo..., cùng với đó là sự xuất hiện của một số cây bút trẻ có sức viết khá sung mãn trong thời gian gần đây như: Doãn Thị Huyền Trang, Nguyễn Bảo Ngọc, Vũ Hải Đường, Nguyễn Thành Thiện... đã góp thêm những giọng điệu mới, diện mạo mới đầy cá tính sáng tạo trên văn đàn. Có một điều thật đáng trân quý đó là, dù sinh ra ở đâu, xuất phát điểm như thế nào và làm bất cứ công việc gì, nghề nghiệp nào trong xã hội, những cây bút trẻ hiện nay ở Lâm Đồng cũng đều gắn bó, suy tư và trải lòng với nơi mình đang sống, với công việc mà mình đang làm thông qua những tác phẩm văn - thơ giàu hình ảnh, mang hơi thở cuộc sống. 
 
Với mục tiêu: “Lấy hội viên làm trung tâm trong hoạt động của Hội - Lấy chất lượng tác phẩm làm làm thước đo năng lực văn nghệ sĩ - Lấy chất lượng Tạp chí LangBian làm uy tín, thương hiệu của Hội”, vấn đề chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ những người cầm bút ở Lâm Đồng, cũng như trẻ hóa đội ngũ tham gia vào Ban chấp hành Hội khóa mới cần phải được Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đưa vào lộ trình, kiên trì thực hiện và xúc tiến một cách mạnh mẽ. Có như vậy, hoạt động văn học - nghệ thuật trên mảnh đất Nam Tây Nguyên mới có được luồng sinh khí mới, sức sống mới và diện mạo mới trong thời đại 4.0 hiện nay. 
 
LÊ TRỌNG