Nhớ về Bác!

05:05, 19/05/2022
Giữa tháng Năm lịch sử ngát hương sen, chúng con lại nhớ tới ơn của Người, nhớ về sinh nhật cuối cùng cách đây 53 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 
Làng Sen đã nở ra một đóa sen thơm, đã hun đúc nên một con người Việt Nam đẹp nhất: Hồ Chí Minh. Ảnh internet
Làng Sen đã nở ra một đóa sen thơm, đã hun đúc nên một con người Việt Nam đẹp nhất: Hồ Chí Minh. Ảnh internet
 
Những ngày tháng Năm, nghe con gái hát theo nhạc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng...”, lòng sẽ nghĩ ngay về ngày sinh nhật của Bác. Thật bồi hồi nhớ thương, tự hào, tri ân và tôn kính tới vị cha già dân tộc, người đã dành cả cuộc đời cho non sông, đất nước với tên gọi thật gần gũi: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Tôi nhớ mãi ngày nhỏ, ông tôi treo ảnh Bác Hồ với một lòng thành kính. Và cùng những quyển sách, truyện về Bác luôn đầy ăm ắp trong tủ kể cho tôi nghe. Ông kể rằng, Bác giản dị lắm, trong một lần được đến thăm nơi Bác làm việc, ông đã được nhìn thấy Bác, như một vị tiên giữa đời thường với ánh mắt sáng và nụ cười hiền hòa. Rồi ngày Bác mất, con tim ông đau quặn thắt y như cái ngày ông nghe tin cha mẹ mình qua đời phía bên kia vĩ tuyến mà không thể về chịu tang vì đất nước còn chia cắt. Ông tôi kể tiếp “cháu biết không, ngày nghe tin Bác mất qua chiếc loa phóng thanh của làng, cả làng mình đã bỏ hết công việc, ra ngồi cả ở chân cột điện, nơi treo chiếc loa phát tin buồn và ai cũng khóc nức nở...”, vừa kể mà mắt ông cay xè ngấn lệ.
 
Hồi đấy chữ ông tôi rất đẹp, chuyên đi viết khẩu hiệu ở cổng chào cho xã. Cổng trường làng tôi học, thầy hiệu trưởng nhờ ông tôi viết câu nói của Bác Hồ bằng sơn màu đỏ “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Ông tôi cười hiền từ nói với chúng tôi rằng hãy học tập thật tốt như lời Bác Hồ dạy.
 
Tháng 5 này, gia đình tôi về lại thăm quê Bác, thăm lại nơi tuổi thơ Bác lớn lên để cảm nhận sâu sắc hơn về Bác, một con người đã sống một cuộc đời thanh tao, giản dị với một trái tim “suốt đời vì nước, vì dân”.
 
Ngôi nhà tranh vách nứa đơn sơ khi xưa Bác ở, vẫn còn đó hàng tre xanh, hàng rào dâm bụt vẫn đung đưa nhè nhẹ, xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng; hàng cau vẫn rì rào trong gió như lời ru gần gũi và thân thuộc, hoa bưởi, hương ổi, hương sen vẫn thơm nồng... Tất cả vẫn còn đó. Cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng trong vườn Bác được Người chăm sóc bây giờ vẫn ra hoa, quả ngọt, vẫn lưu lại hình ảnh của Bác tưới cho cây. Đàn cá bơi lội tung tăng trong “Ao cá Bác Hồ” bây giờ vẫn chờ tiếng vỗ tay của Người để lên ăn. Vào thăm nhà Bác, ai cũng nghẹn ngào xúc động khi được hiểu thêm về một phần cuộc đời Bác, dù có người đã tới đây rất nhiều lần.
 
Qua giọng kể ngọt ngào đậm chất xứ Nghệ của cô hướng dẫn viên duyên dáng, những kỷ niệm về gia đình Bác hiện lên sinh động cùng với những kỷ vật trong ngôi nhà lá đơn sơ:
 
“Một sáng tháng 5 đầu hè, đúng vào mùa sen nở, khi hương sen ngào ngạt, Bác cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của ngoại, và ngoại đã đặt tên cho Bác là Nguyễn Sinh Cung... 5 năm đầu đời, Bác đã ở đây và được đón nhận tình thương yêu của ông bà ngoại. Quê mẹ Hoàng Trù là cái nôi đã góp phần hình thành, bồi đắp tuổi thơ và nhân cách cao thượng của Bác...”. Ngôi nhà tại quê nội làng Sen cũng gắn với bao nhiêu kỷ niệm thuở thiếu thời, đã nuôi dưỡng Bác trưởng thành, vun đắp những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước mà mãi 50 năm sau ngày ra đi tìm đường cứu nước, Bác mới có dịp về thăm. Các kỷ vật vẫn còn đó, án thư nơi cụ thân sinh Bác vẫn thường ngồi dạy học, khung cửi - nơi người mẹ chịu thương, chịu khó tảo tần cả đời vì chồng, vì con vẫn ngồi dệt vải, phản gỗ nơi các nhà nho yêu nước thường đến bàn chuyện thời cuộc nước nhà với cụ Nguyễn Sinh Sắc... tất cả còn nguyên vẹn với thời gian. Giọng cô thuyết minh vừa dứt, trong tôi trào dâng những cảm xúc khi nghe những câu chuyện, những kỷ vật gắn với tuổi thơ của Người.
 
Tháng 5 nhớ Bác, lại nhớ đến cuộc sống giản dị, tiết kiệm của người đứng đầu đất nước, chúng ta càng hiểu sâu sắc rằng, bất cứ ai trên cương vị nào, lứa tuổi nào cũng cần phải học làm theo tấm gương đạo đức của Bác: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (Tố Hữu).
 
Tháng 5, về quê Bác tôi cứ bồi hồi xúc động trước những đầm sen ngào ngạt mọc lên từ bùn đen để tỏa ra làn hương thanh khiết trắng trong. Dù Bác đã đi xa nhưng dường như ấn tượng về Người trong lòng người dân Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Không chỉ những người đã từng đi qua chiến tranh, đã từng được gặp Bác, trong lòng thế hệ trẻ ngày nay, hai từ Bác Hồ vẫn có một vị trí đặc biệt. Thắp nén hương thơm và hứa với Người, rằng sẽ vượt lên những ích kỷ tầm thường, luôn trau dồi trí sáng, tâm trong, góp sức chung lòng cùng cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
 
THÙY HƯƠNG