Đi để trở về

06:05, 26/05/2022
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Nhà tôi nằm quay mặt về hướng núi. Nhìn từ xa, ngọn núi luôn khoác lên mình chiếc áo voan lùng chùng vào mỗi sáng mai lên, chiều xuống. Đẹp nhất là khi ánh nắng lên cao, tấm áo ấy tựa như mỏng dần, lộng lẫy như được dát vàng, dát bạc. Núi có vẻ gì đó rất bí hiểm đối với tôi. Đã mấy lần tôi thử chạy đến chân đỉnh núi ấy nhưng quãng đường xa đến không ngờ, khiến phải quay về giữa chừng.
 
Lần gần nhất cũng là lần đi đến gần núi nhất là vào độ đầu thu, trời mát dịu, tôi quyết tâm đi cho tới bằng được. Tôi giấu mẹ một ít đồ ăn và nước uống trốn nhà đi vào buổi tờ mờ sáng. Ngọn núi xa xôi hóa gần lại trước mắt tôi khi trời đổ bóng về chiều. Lúc chân đã mỏi rũ, tôi gặp con đường ngoằn ngoèo xa tít chạy dài giữa những hàng cây bằng lăng cổ thụ, không một bóng người qua lại. Nếu để mất dấu quay về thì chắc tôi không còn có hi vọng về nhà nữa. Làng tôi không có tên, chỉ gọi là làng Biển vì rất gần biển. Đi xa khỏi làng mới thấy có biết bao những làng nằm bên bờ biển như thế. Sự mệt mỏi xen lẫn một chút sợ hãi đi lạc khiến tôi quay đầu, vừa đi vừa chạy về làng để kịp về nhà trước khi trời tối. 
 
Trở về tới cổng nhà mình, tôi ngoái nhìn lại vạt núi lờ mờ trong sương đêm. Nền trời đen thẫm, chỉ có một mảnh trăng non treo lơ lửng như chiếc đĩa vỡ. Tôi thở phào. Đã quá khuya, dù sao cũng may mà mình đã quay về chứ không đi tiếp về phía núi. Mẹ đợi tôi ở ngưỡng cửa, nét mặt từ lo âu chuyển sang giận dữ. Hôm đó, tôi được một trận đòn đau nhớ đời.
 
Sáng hôm sau tôi lại theo mẹ ra biển từ sớm tinh sương để lựa cua, cá từ thuyền mới cập bến. Công việc tẻ nhạt đều đặn này khiến tôi chán nản, luôn muốn có một điều gì đó thay đổi. Tôi thường thích nhìn về phía núi. Chưa kịp lớn đến cái ngưỡng mà mẹ có thể cho ra khơi thì tôi đã chán biển. Nhất là khi nhìn những người đàn ông da bóng mồ hôi đi từ biển về, mùi mồ hôi quyện lấy mùi gió biển, cộng hưởng cả mùi cua, cá, ốc, mực đánh bắt được khiến tôi lợm giọng. Lớn lên ở biển, giữa những con người quanh năm suốt tháng gắn bó với biển, không hiểu nổi vì sao tôi không thể quen thân những điều ấy.
 
Tôi kể cho anh Thường nghe những chuyến đi nửa vời của mình về phía ngọn núi. Anh thảng thốt kể lại cho tôi chuyện ông Từ Thức nào đó, đi lên núi gặp tiên, về nhà thì cả làng cả biển đã khác xưa. Một năm tiên cảnh bằng ngàn năm trần gian. Tôi cãi:
 
- Anh lớn thế còn tin cổ tích à? Chắc trên núi cũng như ở đây, chỉ khác là gió của núi, nắng của núi và làng bên núi?
 
Anh Thường gắt:
 
- Vớ vẩn. Thế mày nói cho anh biết là khác như thế nào?
 
Tôi thở dài:
 
- Em cũng không biết trên ấy khác dưới mình thế nào. Có vậy em mới muốn đi một lần cho biết.
 
* * *
 
Một ông già người nhỏ thó tới làng tôi, tay xách theo mấy cái lồng đựng đủ loại rắn. Lũ trẻ con đứng giương mắt ra nhìn vì lạ. Giọng ông lão đều đều kể chuyện nhưng mọi giác quan của tôi thức dậy khi nghe chỉ một tiếng “rừng” ấy. Khi người ta đang dần đi tới đích của trí tò mò thì chỉ cần một gợi mở rất nhỏ thôi, những khát khao cũng sẽ trào lên. Tôi hết nhìn ông lão nhỏ bé tài hoa kia rồi nhìn lũ rắn đang ngóc cổ trong lồng sắt mà thầm khâm phục.
 
Ông lão chỉ dừng lại ở làng tôi đúng một buổi sáng. Chừng đã hết người mua hàng, ông thu dọn đi tiếp qua các làng khác. Ông đi tới đâu, tôi lẽo đẽo tới đó. Khi mọi người đã vãn, chỉ còn hai ông cháu, ông nghển đầu hỏi:
 
- Con đi lạc hả?
 
Tôi bỗng thấy đây là cơ hội để mình đi theo ông. Không do dự, liền vội vã gật đầu. Ông ân cần:
- Con ở làng nào?
 
Tôi lắp bắp:
 
- Dạ con không biết. 
 
Dù không biết tên làng, nhưng từ đây về nhà thì tôi vẫn nhớ đường lắm. Ông đăm chiêu một chốc rồi gật gù:
 
- Vậy thôi cứ theo ông. Thích đi rừng bắt rắn không?
 
Tôi rối rít gật đầu. Ông lão buông giọng trầm trầm:
 
- Mẹ mày sẽ lo lắm đấy con ạ!
 
Tôi bặm môi nghĩ tới mẹ. Thoáng chút buồn. Buồn vì mình làm mẹ phải lo chứ không phải buồn vì phải xa mẹ. Tôi nghĩ tới một vùng mênh mông nắng và gió của đồi núi mà lòng mình vẫn mong ước một lần được đặt chân tới. Trong rất nhiều giấc mơ, tôi thấy dường như mình là lũ ngựa lang thang trên đồng cỏ. Đành làm trái ý mẹ vậy, xin lỗi mẹ nhiều lắm, mẹ của con...
 
Ông lão tên Tươi nhưng gương mặt đầy những vết nhăn dọc ngang trên làn da rạm nắng tựa lá héo. Ngoài tôi ra hình như chẳng ai để ý tới cái tên của ông. Để phân biệt ông với ai khác thì người ta sẽ gào lên: “Rắn ơi!”. Hai ông cháu nghỉ lại một đêm trong cái lều trống bên bờ biển, dưới vạt rừng dương già. Ông Tươi bảo, tận buổi sáng mới có xe đi về. 
 
Chiếc xe già nua chạy băng băng trên con đường nằm song song với biển. Chỉ không lâu sau đã đến con đường ngoằn ngoèo có những khúc quanh co trước đây tôi đã từng đến. Thế mà khi tôi đi phải mất gần một ngày. Xe bẻ lái vào con đường đất đỏ. Gió thổi bụi tung mù mịt. Những ổ gà, ổ voi xóc lên, xuống khiến tôi suýt mấy lần ngã chúi ra phía trước vì không quen ngồi xe. Ông lão nắm lấy tay tôi:
 
- Qua một con đường mới rồi đó con!
 
Tôi đã qua con đường mới của mình.
 
* * *
 
Ngọn núi xa xôi hiện ra trước mắt tôi đã thật gần. Cao sừng sững và dày lên bởi màu xanh thẫm của những tán cây già chứ không mờ nhạt lùng chùng trong sương, trong nắng như trước đây tôi nhìn từ xa. Núi cao hơn tôi nghĩ nhiều. Đã giữa buổi sáng, nắng chiếu từ trên đỉnh núi cao rọi xuống những luồng ánh sáng mang theo màu vàng, bạc. Tựa như giấc mơ của tôi trong đêm nào đó.
 
Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà nằm nép mình dưới chân núi. Lưng dựa vào vách như hết thảy những ngôi nhà thưa thớt khác nơi đây cũng vậy. Ông Tươi chỉ cho tôi từng chỗ để đồ đạc. Giọng ông vui vẻ: 
 
- Từ giờ, đây là nhà của hai ông con mình.
 
Tôi thắc mắc:
 
- Mẹ ông đâu hả ông?
 
- Mẹ ông ở nơi khác, xa lắm…
 
Sau vài giây lặng đi, ông chùng giọng: “Bà mất rồi. Lâu lắm mới có người hỏi về bà”.
 
Đêm ở rừng sâu và lặng. Thỉnh thoảng những tiếng lạ lẫm của con gì đó kêu lên thảng thốt. Không gian yên tĩnh tới mức tưởng như nén chặt quá, có thể bung ra, nhưng lại chìm xuống, tĩnh mịch hơn. Tôi nằm gác tay lên trán thoáng nghĩ về những cơn gió đêm ở biển mát rượi, phóng khoáng. Đêm qua trên bãi phi lao, lũ gió còn lồng lộng suốt giấc ngủ của tôi. Gió ở rừng không mát bằng, thậm chí có phần nóng nực của một kẻ lớn lên từ biển như tôi. Ông Tươi phành phạch quạt mo cau mang theo vài luồng gió dễ chịu, nhìn tôi cảm thông:
 
- Ngủ đi con, mai theo ông lên núi.
 
Tôi nhắm hờ mắt cố nghĩ đến những sườn đồi vàng rực hoa để dễ ru mình hơn.
 
Nắng sớm xen trên nền nhà ẩm ướt, bốc lên mùi nồng nồng rất lạ. Tôi mệt mỏi cựa mình. Phải mất một thoáng mới nhớ ra những gì vừa xảy ra với mình trong ngày hôm qua. Ông Tươi đã lục cục chuẩn bị đồ đoàn. Phía trước mảnh sân nhỏ, những đốm nắng xuyên qua mấy tán cây rậm rạp rung rinh như những nụ hoa nhỏ xíu tinh nghịch đùa nhau. Tôi thò chân xuống giường, chạm phải nền đất ẩm. Một cảm giác lạ lẫm, mà thương lắm. Dù sao cũng đã đến vùng rừng núi mà tôi ước mơ, bất chấp mọi nguy hiểm để chạy theo.
 
Đường lên núi dày đặc những mỏm đá đủ loại to nhỏ, sần sùi nằm dưới những lùm cây mang một vẻ bí ẩn. Đỉnh núi thoắt ẩn thoắt hiện vì những tầng cây cao thấp chen nhau. Tôi vừa thở dốc, vừa gắng vượt lên những đoạn đường lổn nhổn đá trơn trượt dốc ngược lên núi. Những bước chân trĩu nặng như thể có ai đó níu giữ lại. Hai đầu gối muốn khuỵu hẳn xuống. Chỉ sơ sẩy một chút, tôi cũng có thể ngã xuống, và dĩ nhiên, lũ đá kia sẽ nối nhau kéo trượt xuống núi ngay lập tức. Tôi ngước lên nhìn mỏm núi chìm khuất sau những vòm cây. Định mở lời xin ông quay về, hôm sau leo tiếp vì đã quá mệt nhưng ngần ngại không dám. “Nếu con chưa quen leo núi, con đừng nhìn xa quá, hãy cứ chầm chậm bước từng bước một, kiểu gì cũng sẽ đến nơi, và sẽ đỡ mệt cho con hơn. Cũng tựa như làm những việc khó khác vậy thôi, điều quan trọng nhất là không bỏ cuộc” - Ông Tươi nói. Giọng ông rổn rảng, khỏe khoắn, trong khi đó, giọng tôi như thể hụt hơi.
 
Cuối cùng, chúng tôi cũng lên tới đỉnh núi. Người nhẹ thênh thênh tựa như trút được nghìn gánh nặng. Nhìn vẻ mặt giãn ra tươi rói của tôi, ông phì cười: “Này, chút nữa đi xuống còn khó hơn đấy”. “Ơ, con tưởng xuống dốc sẽ dễ hơn?”. “ Khó hơn. Nhất là khi chúng ta mang sự chủ quan theo bên mình”. 
 
Tôi giật mình khi gặp một dọc dài những hoa dại ven bên bờ suối. Nhìn xa xa, dọc hoa ấy dẫn về những vạt hoa rộng chen nhau đua nở. Hoa trắng, hoa vàng, lại điểm những chùm đỏ rực chen nhau nở trong nắng thật đẹp. Lũ bướm nhộn nhịp lượn bay quanh hoa. Cuối cùng thì tôi cũng chạm tay vào những thảm hoa đầy nắng như trong giấc mơ đêm nào. 
 
Cả một ngày không gặp rắn, mặt ông Tươi bình thản chẳng rõ vui buồn. 
 
- Đi mệt vậy mà không bắt rắn được, ông không buồn ư?
 
- Đâu phải lúc nào muốn cũng gặp đâu con?
 
Ông cười phà phà. Những tia nắng chiều phủ mênh mang trên sườn núi. Hai ông cháu dừng chân nơi con suối nhỏ nghỉ ngơi. Tôi vốc nước, úp lên mặt. Nước suối trong lành, mát lạnh thấm tỏa trên khuôn mặt mình. Mồ hôi mặn mòi tan ra, lan lên đầu môi mặn chan chát. Nhìn dòng suối nhỏ thao thiết chảy, bỗng cảm giác mệt mỏi của mình tan đi nhiều phần.
 
- Ông ơi suối này chảy về đâu?
 
- Chảy xuống chân núi, về sông rồi ra biển.
 
Tôi bần thần. Biển là nơi tôi đã ra đi nhưng không hề biết điều giản đơn ấy. Nghe như con suối nói lời tha thiết về một khát khao được nhanh hòa mình vào biển khơi.
 
Ông Tươi đứng thẳng dậy chỉ cho tôi về phía rất xa:
 
- Biển ở đấy. Con nhận ra đâu là làng con không?
 
Phía xa xa lờ mờ trong nắng chiều, màu xanh của biển nhàn nhạt, tít xa hơn, ở một giáp ranh nào đó, lẫn vào màu trời làm một. Biển mênh mông và rộng mở. Hình ảnh đó tôi chưa thấy bao giờ. Tôi chỉ thấy biển khi ở thật gần. Ở thật gần mà không chịu cảm nhận. 
 
- Lần đầu tiên theo mẹ leo lên đỉnh núi, ông đã nhìn thấy biển từ xa, đã mong muốn một lần đặt chân tới đó.
 
Chợt nghe gió biển lao xao gọi tôi về.
 
- Sao nhìn từ xa, biển lạ quá ông ạ.
 
- Làng con nằm kia, nơi bãi cát nhô ra nhiều nhất.
 
Ông Tươi chỉ cho tôi hướng dẫn về làng mình. Ông bình thản như không hề để ý tới thắc mắc đang ùa tới trong ánh mắt của tôi:
 
- Ông nhận ra khát khao theo đuổi những điều mới mẻ trong mắt con, khi con mới đứng quanh lũ trẻ làng ấy. Khi con nói dối để được đi theo cái khát vọng xen lẫn tò mò và ham muốn của mình. Khát vọng đi xa thật đẹp phải không? Đã có một thời, ông cũng như vậy. Chỉ có điều, khi muốn quay về với mẹ thì ta đã mất người, còn con...
 
Một khoảng không gian yên tĩnh bao trùm, chỉ vọng lên tiếng dăm loài chim tìm bạn.
 
- Làm sao để về với mẹ hở ông?
 
- Con hãy đứng thẳng trên nơi cao nhất của đỉnh núi này, nơi mà con đã gắng hết sức để trèo lên. Con sẽ thấy những con đường dẫn về mọi hướng. Con hãy nhớ con đường về phía làng con. Nghĩ về mẹ, về những điều thân thương, giữ bóng hình con đường ấy trong tim thì kiểu gì con cũng sẽ về được.
 
Đường về nhà xa xăm hóa gần, hiện rõ trong tôi. Chợt thấy lòng mình nhẹ bẫng tựa những cơn gió không mệt mỏi ngao du trên đỉnh núi thổi theo nhau về biển rộng. Phía ấy có cả vị mặn mòi của biển, có cả vị mặn của mồ hôi mẹ, mồ hôi anh Thường, những người dân chài lưới quê mình, và mang theo cả vị ngọt lời ru của mẹ tôi.
 
Đêm ấy trong giấc ngủ của tôi, đồi hoa vàng rực nắng thấp thoáng ven theo con đường dẫn tôi về làng. Nơi ấy có mẹ tôi khắc khoải, vẫn vẻ mặt âu lo nhưng không cầm roi đứng đợi như lần trước tôi quay về. Mẹ nói, tôi đã lớn rồi, có thể tự ra đi để biết trở về. Vì yêu thương mà trở về chứ không vì sợ cây roi của mẹ.
 
Nơi ấy có gió biển thổi lồng lộng mang cả vị yêu thương thấm vào lòng.
 
Nơi ấy, nơi tôi đã bắt đầu ra đi mang theo ước mơ của mình để nhận ra mình...
 
VÕ THU HƯƠNG