Bông mía trắng

06:01, 13/01/2022
Nhà tôi cách nhà Phượng một quãng đồng và con suối nhỏ. Đến mùa đông, nước lũ tràn về, cả cánh đồng lúa trở thành một biển nước mênh mông. Cây cầu tre bắc qua con suối oằn xuống dưới làn nước đục ngầu, chảy xiết. Người không biết bơi, hay “nhát gan” không dám qua. Ấy vậy mà, tôi và lũ con trai trong xóm hễ có mưa lũ là như bắt được niềm vui, rủ nhau vượt cây cầu trong sự ngăn cấm của cha mẹ để sang xóm nhà Phượng. Bởi bên này là xóm Đồi, vị trí đất cao hơn, chạy dọc hai bên bờ suối là bạt ngàn những cánh đồng mía đang vào mùa thu họach. Lũ chim quốc, cò, cút đồng, bìm bịp, đủ loại chim mía… Chúng từ những cánh đồng bị ngập nước trốn về đây tránh lũ. Chúng tôi tha hồ bẫy bắt cho đến khi nước lũ rút đi.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Dù là con gái, nhưng Phượng rất thích những trò chơi của… con trai. Lúc đầu, cô bé mon men đi theo xem chúng tôi bắt chim, rồi “nhập đàn” lúc nào không biết. Phượng thích nhất những chú chim sâu bé tí. Khi bắt được, Phượng xin đem về nhốt trong cái lồng tre ông nội đan cho. Mỗi buổi đi học về, cô bé thẩn thơ bắt cào cào, sâu bọ “làm quà” cho những chú chim sâu.
 
Những mùa nước lũ cứ qua đi. Tôi và Phượng ngày càng lớn lên. Hai đứa học chung một lớp và trở thành đôi bạn thân. Sau mỗi buổi đến trường, chúng tôi thường thả trâu ăn chung và bày ra nhiều trò chơi tinh nghịch. Trong đó có một trò chơi đã trở thành kỷ niệm khó quên mà đến tận bây giờ mỗi khi tôi nhớ về Phượng và những mùa bông mía trắng ở quê tôi…
 
Không bắt chước Đinh Bộ Lĩnh “lấy bông lau làm cờ dấy nghĩa”, mà Phượng lấy dây cỏ quấn một vòng quanh đầu tôi, rồi cắm trước đỉnh trán một bông mía trắng, bảo tôi làm… vua. Còn tôi, tôi lấy cỏ bện thành vương miện, điểm chung quanh những bông mía mới nở lấp lánh bạc, đặt lên đầu Phượng. Hai đứa giả làm vua và hoàng hậu. Đoạn sáng tạo ra “kịch bản” đối thoại, xưng danh giống kép đào trong một vở cải lương gánh hát nọ đã có lần về xã tôi diễn vậy. Rồi hai đứa ngã lăn ra bãi cỏ cười ngặt nghẽo…
 
Ngoài trồng lúa, nhà tôi và nhà Phượng trồng rất nhiều mía. Hồi đó, mía là cây lương thực thứ hai cho thu nhập chính của người dân quê tôi. Quê tôi bao đời sống bằng nghề làm ruộng. Cây lúa đảm bảo đủ gạo ăn, phụ với khoai sắn bán chạy chợ. Còn mía đường bán tích lũy tiền để mua sắm vật dụng, xây cất nhà… Mỗi năm, đến khoảng tháng Chạp, những vườn mía nở đầy bông trắng, đứng từ xa nhìn rất đẹp. Thân mía cứng cáp nên dẫu trong năm có nhiều cơn lũ đi qua, mía vẫn vươn dậy; dẫu bị phủ đầy bùn lầy, mía vẫn mọng nước ngọt thơm và bông mía vẫn nở trắng đồng. Tháng Chạp cũng là tháng người dân quê tôi bận rộn nhất trong năm: Thu họach vụ lúa Thu Đông, gieo trồng tiếp vụ Đông Xuân, vừa thu hoạch mía, sản xuất đường để làm bánh cúng tổ tiên, vừa để bán lấy tiền mua sắm Tết Nguyên đán. 
 
Thi xong học kỳ một, tôi và Phượng cũng như bạn bè đồng lứa trong xóm tranh thủ thời gian giúp gia đình đi làm đổi công thu hoạch mía. Chao ôi! Việc thu hoạch mía, sản xuất đường, vận chuyển về nhà hồi đó ở quê tôi mất nhiều thời gian và cực lắm. Do mọi việc đều làm thủ công (từ chặt mía, róc lá, gánh về lò, quay ép lấy nước rồi đem vào chảo nấu thành đường, đổ đường vào vật đựng chờ cứng lại mới gồng gánh về nhà), nên một quy trình như vậy thường mất từ hai đến ba ngày đêm.
 
Hôm đó, mẹ tôi ốm, tôi thay bà sang làm đổi công thu hoạch mía cho nhà Phượng. Tờ mờ sáng, tôi đã dậy ăn lót dạ đâu... bốn chén cơm nguội (sức ăn của thằng con trai mới lớn mà!). Uống ực một gáo nước lã đựng trong cái lu sành để sau bếp, tôi vác rựa, đòn xóc, hăm hở bước ra khỏi nhà. Suốt một ngày chang chang dưới nắng, công việc nặng nhọc quá sức đối với một cậu học trò khiến tôi thấy toàn thân rã rời. Tối lại, ăn vội bữa cơm nhà chủ bày ra trên đống lá mía khô giữa đồng, mấy người làm công, thay phiên nhau chụm mía vào che, ép lấy nước, đưa vào chảo cho thợ nấu đường. Chạy tới, chạy lui cả ngày kể ra cũng rất vất vả, công việc lại không phù hợp với tôi và Phượng: Quen cầm bút hơn cầm cuốc, cầm rựa! Nên khi được đổi ca, tôi kiếm một đống lá mía khô (làm chất đốt để nấu đường), chui vào đó và đánh một giấc ngon lành! 
 
Chẳng biết tôi ngủ thiếp đi được bao lâu? Khi choàng tỉnh, mái tóc đen dài nồng nàn mùi hương bồ kết, phảng phất mùi mồ hôi của Phượng quệt vào má tôi rất mềm mại. Đầu của Phượng đặt trên cánh tay tôi. Hơi thở của Phượng phả vào vai tôi ấm áp. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe mùi tóc con gái khiến tôi xao xuyến một thứ cảm giác rất khó tả. Đợi thêm một lúc lâu, sợ làm Phượng thức giấc, sợ Phượng ngại, tôi khẽ kéo nhẹ cánh tay mình lại. Bỗng, Phượng cựa mình, hai mắt mở to. Và, hai đứa nhìn nhau bối rối. Bên ngoài, trời đã hừng đông…
 
Chẳng hiểu sao từ dạo ấy, tôi và Phượng cứ thấy ngài ngại mỗi khi gặp nhau. (Dù mỗi ngày hai đứa đều gặp nhau ở lớp). Thời gian và những năm tháng học trò cứ qua đi. Những mùa bông mía nở trắng, những mùa nước lũ tràn về và những mùa thu hoạch đường, những tháng Chạp tất bật… cứ lặng lẽ trôi qua.
 
Học trò nông thôn ở quê tôi những năm sau ngày đất nước vừa được giải phóng thường bị thất học, hay đi học rất trễ. Dù mới học hết bậc tiểu học cũng đã mười sáu, mười bảy tuổi rồi. Cảm nhận về tình bạn khác giới ban đầu chỉ thấy khang khác và ngại ngùng, chỉ mới biết mến mến, thương thương chứ ai dám nói gì với nhau đâu? Tôi và Phượng chỉ biết dành cho nhau những cử chỉ nhẹ nhàng, những lời nói… vụng về, ngây ngô, khi xa thì muốn gặp nhưng khi gần thì… câm nín!
 
Năm tôi vào trung học cơ sở, cũng là thời gian cha Phượng đột ngột ngã bệnh nặng. Mẹ Phượng mất sớm, cuộc sống gia đình chẳng khá giả gì, Phượng lại là con lớn. Trước tình cảnh này, Phượng đành thôi học để ở nhà chăm sóc cha và gánh vác gia đình. Những ngày đầu làm quen bạn mới, thầy cô giáo mới, đặc biệt thiếu vắng Phượng tôi rất buồn và thấy hụt hẫng, trống trải vô cùng. Dần dần, nhờ phải cố gắng nhiều hơn cho việc học hành ở lớp mới nên tôi cũng nguôi ngoai, tập trung cho học tập. Mỗi lần gặp lại Phượng, tôi đem chuyện học tập, thi cử, bạn bè, trường lớp… kể cho Phượng nghe. Phượng rất chú ý rồi chợt đôi mắt buồn buồn xa xăm. Tôi thấy thương Phượng lắm và tự trách mình… vô tâm! Sao lại kể chuyện học hành để Phượng buồn, tủi thân?...
 
Thời gian lặng lẽ trôi. Tôi cứ theo đuổi việc học hành, mỗi năm học lên lớp mới, tôi và Phượng gặp nhau cứ ít dần, thưa dần. Một buổi chiều gặp Phượng bên con suối nhỏ đang giữa mùa cạn nước, tôi thấy Phượng trở nên cứng cỏi, đảm đang hơn. Vẫn mái tóc đen dài búi gọn bằng cọng dây cói khô, đôi má hồng bắt đầu rám nắng và đôi mắt đen rất sáng nhìn tôi đến kì lạ. Hai đứa ngồi bên nhau rất lâu trên bờ suối cát. Phượng hỏi tôi chuyện học hành, khuyên tôi cố gắng học giỏi để mẹ tôi mừng… Tôi liến thoắng kể đủ chuyện về trường lớp, về dự định vào đại học, sau khi ra trường trở về chính nơi này công tác vân vân và vân vân…
 
Tôi cao hứng cứ nói thao thao bất tuyệt như một cậu học trò “nhập tâm” trong một bài văn hay, mà chẳng ý tứ quan sát gì đến thái độ phản ứng của cô bạn gái ngồi bên. Phượng vân vê vạt áo nhìn sâu vào mắt tôi nhỏ nhẹ:
 
- Anh nói chuyện… khác đi?
 
- Ư,… Anh nói chuyện mai này. Vậy mà…
 
 …Ánh trăng non đầu tháng treo trên ngọn tre nhấp nháy sáng. Sương đêm làm lạnh áo hai đứa. Phượng thở dài, đứng dậy chìa vai vào quang gánh rau xanh. Hai đứa ra về (!)…
 
Năm tháng vô tình như dòng sông cứ vơi đầy, chảy về biển cả. Cuộc sống chân chất của người dân quê tôi cứ lặng lẽ trôi qua. Mỗi năm, hai mùa khô hạn và bão giông; những mùa bông mía nở trắng cánh đồng, mùi vị ngọt ngào của mía đường hòa lẫn vị mồ hôi mặn đắng của bao người nông phu một đời lam lũ, kết tinh quyện chặt với nơi này. Dù người dân quê tôi nghèo nhưng rất trọng chữ nghĩa. Tôi may mắn hơn Phượng và bạn bè đồng lứa được mẹ chịu thương, chịu khó chắt chiu cho ăn học đến cùng. Cha tôi cũng đã mất trong chiến tranh, một mình mẹ gồng gánh nuôi ba anh em tôi ăn học, thì làm sao không chật vật, thiếu thốn được? Tôi luôn thầm nhủ, mình phải học thật tốt để không phụ lòng mẹ tôi và học thay cho cả… Phượng! Tôi dành tất cả cho việc học hành nhưng nào đâu biết rằng, chính những ngày tháng đó tôi đã vô tình đánh mất… Phượng! Tôi cứ ngỡ, tôi dành tất cả cho mẹ tôi, cho Phượng nhưng thật ra tôi trở thành kẻ vị kỉ chỉ lo cho chính bản thân mình!
 
… Tôi vào cấp ba. Do ở xã chưa có trường nên tôi phải lên huyện trọ học. Khi đó làm gì có xe máy? Mà làm sao mẹ tôi mua nổi xe máy để tôi đi học? (Xe đạp cũng cứ cà tàng tuột xích, bể vỏ hoài). Trong khi từ nhà tôi đến trường cũng ngót hai mươi cây số. Để tiện cho việc học hành, tôi trọ một nhà dân trên huyện. Kể như từ đó, tôi ít về nhà, rất ít gặp Phượng.
 
Hè năm đó, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi hý hoáy làm hồ sơ, lao vào luyện thi đại học. Giữa lúc bận rộn chuẩn bị thi cử, khao khát đặt trọn niềm mơ ước vào tương lai, thì tôi nhận được tin Phượng… lấy chồng!
 
Tôi bàng hoàng như một con chim đang tung cánh thì bị trúng đạn. Đang giữa đêm khuya ở nhà trọ, tôi choàng dậy, đạp xe như điên về lại nhà. Tôi dựng mẹ tôi dậy hỏi chuyện… Phượng. Thương con, mẹ tôi lầu bầu ngồi dậy. Bà vừa khêu ngọn đèn dầu sáng thêm vừa mắng …
 
Mẹ tôi bảo rằng: Con gái đã lớn thì phải đi lấy chồng. Đời con gái như bông hoa, khi hoa nở có người hái, cha mẹ phải tính chuyện thôi, mai mốt quá lứa… ai lấy?, “Từ lâu, mẹ thấy con bé Phượng chăm chỉ, ngoan hiền, lễ phép cũng ưng… Nhưng khổ nỗi, mày cứ mải lo chuyện học hành, mẹ ngại, đành thôi!”…
 
- Nhưng chồng của Phượng là ai? Nó ở xóm nào?
 
- Thì nó là cái thằng… thằng? ... À, cái thằng gì bạn học cũ của mày đó. Nghe đâu nó đi làm ăn ở Tây Nguyên, mới về…
 
- Thằng Tính hả?
 
- À… Ừ…
 
Nói đoạn, mẹ tôi ngáp dài nghe đến não nuột. Tôi vùng lao ra ngoài cánh đồng mía giữa trời tối đen. Tôi đi dọc theo con suối cạn như một kẻ mất hồn. Cát trắng dưới chân lạo xạo, khô khốc. Tiếng lá mía cứa vào gió đêm nghe mênh mang, xa vắng như thở than, trách cứ. Tôi cứ đi, đi mãi… Bất chợt, trước mặt là căn nhà tranh quen thuộc của Phượng hiện ra. Ngôi nhà im lìm chìm trong giấc ngủ say dưới màn sương bạc. Chắc giờ này Phượng đang vui với hạnh phúc? Em có còn nhớ gì đến thằng bạn nối khố này không? Trước khi đi lấy chồng, sao Phượng không nói với tôi một lời nào? Tại sao tôi ngu ngơ không dám ngỏ lời với em để bây giờ đã muộn màng rồi? Phượng lấy Tính làm chồng ư? Ngày xưa, Phượng đâu có thích thằng Tính? Sao lại?... Mấy năm trước Tính bỏ học giữa chừng lên Tây Nguyên lập nghiệp. Tính về hồi nào mà hai người cưới nhau sớm vậy? Sự đời sao khó biết trước được những gì sẽ xảy ra...
 
Hôm sau, trước khi tôi trở lại trường học, Thủy - em gái Phượng sang nhà mẹ tôi. Thủy tròn xoe mắt ngạc nhiên khi biết đêm qua tôi từ huyện về. Tôi nắm lấy tay Thủy hỏi dồn về Phượng làm cô em gái bối rối. Gỡ tay tôi ra, Thủy nói với tôi mà đôi mắt cô bé cứ nhìn đi nơi khác:
 
- Chị em gởi anh cái này. Thôi, em về!
 
 Cô bé thoáng ra cửa, mất hút giữa hàng râm bụt trước hiên nhà. Tôi đứng trân nhìn theo bóng Thủy xa dần, niềm cay đắng trào dâng trên mắt. Chợt nhớ, tôi vội mở chiếc phong bì cồm cộm Thủy vừa đưa. Chiếc vương miện… cỏ đã khô được xếp cẩn thận rơi sóng soài xuống sàn nhà. Lá thư nhỏ gấp đôi cất dưới đáy chiếc phong bì. Trời ơi! Đã nhiều năm rồi mà Phượng vẫn còn cất giữ kỷ vật… trò chơi của thời thơ dại. Tôi đã quên. Còn em thì lại nhớ! Con gái bao giờ cũng sâu sắc, kín đáo và nặng lòng chứ đâu “ồn ào” mà lại vô tâm, đáng trách như bọn con trai (!)
 
Đọc những dòng thư ngắn ngủi Phượng viết, tôi mới hiểu tình cảm từ lâu Phượng dành cho tôi nồng nàn, tha thiết biết bao nhiêu và tôi chua chát tự trách mình.
 
“… Em phải đi lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình. Xin anh đừng trách em tội nghiệp! Từ lâu, em muốn được làm… vợ anh. Nhưng sao không thấy anh ngỏ lời? Em thầm nhủ, chắc anh chê em ít học… Em rất buồn! Em xin lỗi anh…”. 
 
Tôi chết đứng như trời trồng! Thì ra, hôm hai đứa ngồi rất lâu bên suối, em bảo tôi nói “chuyện khác” chính là chuyện… bây giờ em trách đây sao! Tôi là thằng con trai nhưng lại ngờ nghệch trong chuyện tình cảm của mình. Trong khi Phượng dịu dàng, ý tứ, chờ đợi… để rồi vô vọng, lặng lẽ sang sông!
 
***
 
Tôi trở về thăm quê lần này cũng đúng vào tháng Chạp. Hơn mười năm lập nghiệp ở thành phố, tôi đã có vợ con - một gia đình hạnh phúc. Nhưng không hiểu sao mỗi lần đặt bước chân trên quê cũ thân thương, hình ảnh Phượng và bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa cứ khắc khoải hiện về. Chính nơi này, tôi và Phượng đã sinh ra, lớn lên gắn liền tuổi thơ với những tháng năm cực khổ, đói nghèo, những kỷ niệm vui buồn, nông nổi. Để bây giờ, quê hương trở thành nỗi nhớ da diết, nguồn cội mỗi khi ai đã đi xa. Tìm về!
 
Mười năm! Dù trong ký ức tuổi thơ của một đời người không phải là dài, nhưng cũng đủ làm thay đổi bộ mặt một làng quê. Tôi bâng khuâng nhận ra quê hương mình giờ đã khác xưa nhiều lắm: Điện lưới quốc gia đã về tận từng nhà dân thay cho ngọn đèn dầu hiu hắt mà ngày xưa tôi thường học bài. Đường qua lối lại trong thôn đã được bê tông hóa sạch bóng. Nhiều nhà xây, mái ngói mọc lên thay cho những mái nhà tranh, vách đất xiêu vẹo, dột ướt mỗi khi mùa nước lũ tràn về. Cây cầu tre bắc qua con suối nhỏ ngày xưa đã nhường chỗ cho một cây cầu xi măng được xây kiên cố. Hàng trụ bê tông, cột sắt vươn ra lạnh lùng dưới những bước chân người qua lại. Và, những cánh đồng mía chạy dọc hai bên bờ suối đến tận xóm Đồi ngày xưa bạt ngàn giờ không còn nữa. Thay vào đó là những nương dâu xanh đến… nao lòng! Mẹ tôi bảo, mấy năm sau này, mía đường mất mùa, giá cả bấp bênh; việc trồng và thu hoạch mía vất vả lại tốn nhiều công sức, thời gian. Trong khi đó, trồng dâu nuôi tằm lại cho thu nhập cao hơn. Dẫu vẫn biết cái nghề “ăn cơm đứng” này cũng lắm gian nan! Từ đó, những cánh đồng mía cứ thu hẹp dần rồi mất hẳn. Có lẽ bây giờ chẳng còn ai nhớ đến mía đường một thời kham khổ, gắn bó với đời sống lao động của người dân nơi này? Và, nhớ những mùa bông mía nở trắng mỗi khi tháng Chạp về?...
 
Tôi thơ thẩn như một kẻ mộng du trên những nương dâu, bờ tre, dòng suối… Căn nhà tranh nhỏ bé ngày xưa của Phượng đã thay bằng ngôi nhà xây khang trang, mái ngói đỏ au, tường vôi xanh màu nước biển xa lạ trườn ra dưới nắng chiều se sắt. Phượng đã rời quê theo chồng lên Kon Tum lập nghiệp từ vài năm trước. Sống giữa miền đất cao nguyên trù phú trong căn nhà hạnh phúc, không biết có khi nào Phượng chợt nhớ về những tháng năm xưa, nhớ những mùa nước lũ tràn đồng, những mùa bông mía nở trắng mỗi khi tháng Chạp về ở quê nghèo này chăng?...
 
Hoàng hôn tím bầm choàng lên đỉnh núi xa xa. Sương đêm bay lất phất, ướt đẫm trên vai áo, khiến tôi chợt rùng mình. Vài con chim lạc đàn gọi nhau ríu rít trên bầu trời. Ngọn gió cuối đông thoảng qua, hàng tre già cựa mình xào xạc. Tiếng côn trùng nỉ non bắt đầu tấu khúc ca đêm đồng nội. Tựa lưng vào trảng cỏ ướt sương đêm, tôi nhắm nghiền hai mắt, hình ảnh Phượng hiện ra với đôi mắt đen xinh đẹp, mái tóc dài thơm nồng hương bồ kết. Và, những mùa bông mía nở trắng cánh đồng…
Bình Định - Đà Lạt
 
Truyện ngắn: THANH DƯƠNG HỒNG