Tôi yêu nghề báo

05:06, 17/06/2021

Tôi đã từng đọc một câu nói về nghề báo chí rằng "Có những người thợ, từng ngày từng giờ vẫn miệt mài lao động trên cánh đồng chữ...

Tôi đã từng đọc một câu nói về nghề báo chí rằng "Có những người thợ, từng ngày từng giờ vẫn miệt mài lao động trên cánh đồng chữ. Không như những người thầy truyền chữ cho bao thế hệ học trò mà những người thợ này lại chuyển tải thông tin đến với cộng đồng thông qua nhịp đập rộn ràng của con chữ. Họ là những người thợ làm nghề báo - cái nghề sống bằng nghiệp viết và “chơi” với con chữ để làm nên các tác phẩm báo chí phản ánh muôn mặt cuộc sống...".
 
Tôi yêu nghề báo từ khi còn là một cô bé. Ngày còn nhỏ, tôi thích đọc sách, đọc báo. Thậm chí còn thích nghe loa phát thanh của xã mỗi sáng và chiều có rất nhiều tin tức hay. Tôi còn mê cả giọng nói "huyền thoại" "đây là Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...". Tình yêu ấy cứ lớn dần trong tôi theo năm tháng và nó đã trở thành động lực để tôi không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện với mong ước cháy bỏng rằng sau này sẽ được đứng trong hàng ngũ những người làm báo.
 
Thời còn là học sinh, sinh viên tôi đã tập tành viết lách rất nhiều gửi cho các tòa soạn địa phương. Các bài đều đặn được đăng lòng tôi vui sướng nhảy chân sáo. Nhuận bút nhận được không chỉ giúp tôi trang trải cho cuộc sống sinh viên xa nhà mà hơn thế, qua các bài báo đã cho tôi những kinh nghiệm quý báu và dần trưởng thành, sắc sảo hơn trong nghề viết của mình.
 
Thầy tôi bảo muốn viết tốt hơn và gắn bó lâu dài với nghề cần phải trải nghiệm. Hãy "xông pha" trên mọi nẻo đường. Có chuyến đi gây cho tôi rất nhiều xúc động, hình ảnh những em nhỏ vùng sâu, vùng xa cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc chịu rét những khi gió mùa về. Hay giây phút các bệnh nhân hiểm nghèo khắc khoải giữa sinh và tử. Những hình ảnh đó thường khiến tôi lặng đi trong nước mắt, tự thấy mình cần phải chia sẻ nhiều hơn. 
 
Đó là những ngày theo chân bà con nông dân bên cánh đồng muối trắng, khi ở cánh đồng màu, là những lần rong ruổi cùng thương lái theo những chuyến hàng tôi mới hiểu rằng để theo đuổi được nghề, có được những bài viết với cái nhìn trực diện sâu sắc, những bài viết để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng bạn đọc, tạo được hiệu ứng thì hẳn phải có niềm đam mê, sự bền bỉ âm thầm vượt qua gian khó đến thế nào. Những chuyến đi như vậy giúp tôi tích lũy được kiến thức và vốn sống cho mình.
 
Khi “đứa con tinh thần” của mình được đăng trên mặt báo, bao cảm xúc dâng trào trong tôi. Vui, hạnh phúc xen lẫn tự hào! Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình. Niềm vui và nước mắt luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì không hẳn tôi mà hầu hết các nhà báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp.
 
Càng làm báo, tôi càng thấy đam mê, tôi say nghề bởi nghề báo không chỉ cho tôi được thỏa sức khám phá những miền đất mới, những con người mới mà còn giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống này, rằng mình có thể giúp ích cho cuộc đời bằng ngòi bút và bằng trí lực của mình...
 
Tôi yêu nghề, yêu cả tình đồng nghiệp nếu không phải đi tác nghiệp ở lại cơ quan thì chúng tôi luôn hàn huyên tâm sự kể cho nhau nghe chuyện gia đình, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện con cái, chuyện tuổi trẻ vùn vụt trôi và tuổi già đang sầm sập tới... những câu chuyện không đầu không cuối nhưng chẳng có hồi kết bởi đó là cuộc sống giằng níu, gắn kết chúng tôi.
 
Nghề nào cũng có được và mất, cống hiến và hy sinh. Tuy nhiên, với nghề báo, đã chấp nhận dấn thân thì cũng đồng nghĩa với chấp nhận nhiều khó khăn, vất vả, hiểm nguy.
 
Tháng 6 về, xin chúc cho tất cả các đồng nghiệp của tôi khó khăn nào cũng vượt qua, bây giờ và mãi mai sau, vẫn vẹn nguyên trong tim một tình yêu với nghề mình đã chọn.
 
THÙY HƯƠNG