Nhà văn trẻ Lâm Đồng, bạn đang ở đâu?

05:03, 25/03/2021

Xin đặt vấn đề bằng câu hỏi: Nhà văn trẻ Lâm Đồng, bạn đang ở đâu? Đó là cách mà chúng tôi xin tạm đặt vào nhận thức của cá nhân mình một khoảng lặng cần thiết để định vị cho những điều đang tập trung suy nghĩ và cần được mạnh dạn trao đổi...

Xin đặt vấn đề bằng câu hỏi: Nhà văn trẻ Lâm Đồng, bạn đang ở đâu? Đó là cách mà chúng tôi xin tạm đặt vào nhận thức của cá nhân mình một khoảng lặng cần thiết để định vị cho những điều đang tập trung suy nghĩ và cần được mạnh dạn trao đổi. Từ đó, với góc nhìn cá nhân, ngõ hầu lý giải phần nào sự hụt hẫng về đội ngũ nhà văn trẻ chuyên nghiệp, về số lượng và chất lượng tác phẩm văn học của các tác giả trẻ trên một vùng đất mà hiện thực cuộc sống đã và đang diễn ra vô cùng sinh động...
 

Bài 1: Hiện thực lớn có sinh ra tác phẩm lớn?

 

Văn nghệ sĩ Lâm Đồng dự Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Tam Đảo năm 2020. Ảnh: Hà Hữu Nết
Văn nghệ sĩ Lâm Đồng dự Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Tam Đảo năm 2020. Ảnh: Hà Hữu Nết
 
Vùng thiên nhiên đại ngàn, vùng cư dân tồn sinh giữa các cao nguyên cổ Lang Bian, Djirinh, B’lao với những đỉnh núi xa mờ mây phủ, những cánh rừng cổ sinh hùng vĩ, tốt tươi và những dòng sông thượng nguồn xiết chảy chở trên mình biết bao thăng trầm, biến vi của thời gian. Xứ sở này mang dày nặng trên mình những đặc điểm nổi bật về một nền lịch sử lâu đời - một không gian văn hóa đa sắc tộc đậm đà, giàu có; sự giao lưu và tiếp biến trong quá trình thâm nhập, cộng cư cũng vô cùng phong phú, đa dạng và hấp dẫn...
 
Câu hỏi đặt ra cho bản thân chúng tôi, với tư cách một người cầm bút viết văn không chuyên với tuổi đời không còn trẻ và cho nhiều cây bút trẻ đang sống và viết trên miền đất cao nguyên ngập tràn nắng gió này: Chúng ta đang ở đâu trong nền văn học nước nhà? Chúng ta đang ở đâu trong lòng công chúng bạn đọc địa phương và cả nước? Chúng ta đang ở đâu trong sự kỳ vọng và niềm tin của xã hội khi đã mang danh phận và nhận trọng trách “nhà văn” đầy cao quý?! Chúng ta cần trung thực, thẳng thắn và khách quan nhận diện chính mình để nỗ lực nhiều hơn trong một sự nghiệp sáng tạo đặc biệt cần phải có tài năng và phải trải qua nhiều tôi luyện, cam go, thách thức...
 
Các nhà lý luận đã chỉ ra rằng: Một trong những chức năng quan trọng của văn học là phản ánh hiện thực. Tất nhiên, đó không chỉ là quá trình sao chép các sự kiện của thời đại, tôn sùng các nguyên mẫu, miêu tả người thật việc thật, phản ánh các mâu thuẫn bản chất của xã hội, thời đại một cách máy móc, thô thiển... Tuy nhiên, ở một khía cạnh quan trọng, văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, nhà văn là thư kí của thời đại. Đối với các bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực, phản ánh hiện thực có nghĩa là tìm kiếm các giá trị nhận thức, đạo đức, thẩm mĩ của đời sống, lột trần các dối trá, phơi bày mọi ung nhọt, xé toạc mọi mặt nạ, là dấn thân vào tiến trình tiến bộ của xã hội. Các tư tưởng đó đã diễn đạt khá đúng và hay về mối quan hệ giữa văn học và đời sống lịch sử trên tầm vĩ mô, nghĩa là toàn bộ các sự kiện, nhân vật, tư tưởng, tình cảm thể hiện trong văn học nghệ thuật đều là sự phản ánh của đời sống xã hội. Văn học phản ánh hiện thực, tức là phản ánh sự kiện, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm của con người trong văn học. Nhà văn không mô phỏng và sao chép hiện thực như nhà báo, nhà thông tấn, những người ghi chép và lưu trữ tư liệu mà hiện thực cuộc sống được phản chiếu qua lăng kính nghệ thuật, qua sáng tạo của cái tôi đầy mẫn cảm của người cầm bút. Nhà văn đã giải quyết “vấn đề hiện thực” bằng tư duy, trí tuệ, tài năng qua hình tượng và công cụ ngôn ngữ văn chương. Hiện thực trong văn học trở thành “hiện thực điển hình” qua sáng tạo, khai phóng của nhà văn...
 
Trở lại vấn đề: Liệu hiện thực lớn có sinh ra nhà văn và tác phẩm lớn? 
 
Lâm Đồng, và cả miền đại ngàn Tây Nguyên tự thân nó là một hiện thực lớn, đó là mảnh đất màu mỡ cho nhà văn khai thác và sáng tạo. Hiện thực đó là hiện thực thẳm sâu từ vùng ký ức quá vãng chuyển đến thời đương đại. Bởi điều kiện tự nhiên, bởi những nguyên cớ lịch sử, bởi quá trình hình thành, phát triển của các cộng đồng cư dân và nhiều lý do khác, đã tạo nên một vùng lịch sử - văn hóa - và lộ trình trụ bám, tồn sinh, phát triển đầy bi tráng, cam go, đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Trong vô vàn những ẩn tàng vô giá của lịch sử và văn hóa, chúng ta thật khó lòng nhận biết đầy đủ những trầm tích mà các di chỉ khảo cổ đang dần phát lộ từ Thánh địa Cát Tiên, khu mộ táng Đại Làng hay kho tàng báu vật Păng Tiêng, Tà Nung. Chúng ta chưa bao giờ đi hết những mạch nguồn con suối Đa Nhim, dòng sông lớn Đạ Dâng hay ngược nguồn dòng Krông Ano kỳ vĩ. Không mấy ai leo lên đến đỉnh ngọn núi Bi Đúp, Jaric để tìm kiếm những cái hay, cái lạ của các tộc người sống giữa rừng sâu hay chinh phục đỉnh đèo Bờxa Luxiêng để ngắm dòng sông Đồng Nai lững lờ trôi những câu chuyện kể suốt ngày dài đêm thâu về phía hạ nguồn. Chúng ta khó lòng khám phá hết những sắc màu của buôn xa làng gần của người Mạ, Kơ Ho, Chu Ru, S’Tiêng...
 
Lịch sử của vùng đất phía Nam Tây Nguyên này là lịch sử của các bộ tộc ngàn đời giữa núi đỏ, rừng xanh ngày xưa từng đói nghèo, cơ cực nhưng tâm hồn trong sáng, hồn nhiên như núi như nước. Họ đã sinh thành, tạo tác, lưu giữ những bản sắc và phong hóa tộc người riêng biệt không lẫn vào ai. Họ cũng là những người góp sức dựng nên và tô thắm những trang sử Việt bởi những năm tháng trường kỳ oai hùng trong hành trình của đoàn quân giải phóng dân tộc. Mảnh đất này cũng là nơi ghi dấu những thăng trầm, dâu bể của các vương triều, chế độ và là nơi chốn ký thác cuộc đời nhiều chứng nhân lịch sử trong dòng chảy biến thiên và sự đổi thay của vận mệnh thời cuộc. Từ vùng đất đại ngàn rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí, từ xứ khỉ ho cò gáy vắng dấu chân người chỉ để dành cho những tù nhân khổ sai chung thân, Lâm Đồng trở thành quê hương của trăm họ Việt Nam cùng tụ về sinh cơ, lập nghiệp. Biết bao mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ xuống đất này. Biết bao giá trị nhân văn được tạo tác, đắp bồi, tỏa sáng và tạo nên hấp lực. Biết bao những thân phận, những cảnh ngộ đau thương, những bức xúc, ẩn ức, giằng xé và khao khát vượt thoát...
 
Hiện thực lớn của thời đại hôm nay cũng đang diễn ra với muôn vàn sắc thái, mặt tích cực là dòng chủ lưu nhưng mặt tiêu cực cũng không hề nhỏ bé. Bên cạnh sự phát triển, đổi mới không ngừng của quê hương, đất nước là những mâu thuẫn, những xung đột lớn phát sinh từ thiên nhiên, xã hội và con người. Những hậu quả chiến tranh đang âm ỉ trong các vùng quê ở thời hậu chiến. Những diễn biến phức tạp của thiên nhiên khi con người là tác nhân đi ngược lại quy luật. Quá trình phát triển nóng thiếu quy hoạch, kế hoạch và vượt quá tầm kiểm soát đã làm cho những ngọn núi bị xẻ thịt, những dòng sông bị chặn dòng, những cánh rừng vô giá của đại ngàn bị tàn phá hằng ngày. Dòng chảy văn hóa từ cổ truyền chuyển tiếp qua đương đại đang bị nghẽn lại, bị bào mòn, mai một và có nhiều dấu hiệu tha hóa bởi sự thay đổi, biến dạng của hệ sinh thái nhân văn...
 
Hiện thực đời sống lớn lao với những biến động khôn lường. Nhà văn trẻ Lâm Đồng, liệu bạn có đồng hành, đằm sâu trong đó và cảm xúc của bạn có dành cho những nỗi đau, những thân phận, những giằng xé trong nội tâm mỗi người và một bộ phận không nhỏ của cộng đồng xã hội?!... Thế nhưng, một thực tế rõ ràng là hiện thực lớn chưa chắc đã tạo nên tác phẩm lớn. Xin nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan là lâu nay, hầu hết nhà văn trẻ Lâm Đồng đang đứng ngoài cuộc hoặc đứng bên rìa hiện thực đời sống. Rất nhiều những ấn phẩm được xuất bản, nhiều tác phẩm được đăng tải, nhưng trong số đó có bao nhiêu tác phẩm để lại dấu ấn, có bao nhiêu tác phẩm mang tính dự báo cao, tạo nên hiệu ứng lan tỏa và xung động xã hội mạnh mẽ?...
 
(CÒN TIẾP)
 
UÔNG THÁI BIỂU