"Bong Sa Tệp" - hoa báo xuân ở Cao nguyên Di Linh

01:02, 09/02/2016

(LĐ online) - Không là hoa đào để gợi cái không khí Tết xứ Bắc, cũng chẳng là cội mai hoa đổ rực để nói lên màu nắng phương Nam, giản dị và đơn sơ hơn nhiều, nhưng vẫn có đủ đầy dấu chỉ của mùa xuân, ấy là tôi đang muốn nói đến "Bong sa Tệp" - hoa ăn Tết, theo cách gọi của người bản địa K'Ho ở Cao nguyên Di Linh.

(LĐ online) - Không là hoa đào để gợi cái không khí Tết xứ Bắc, cũng chẳng là cội mai hoa đổ rực để nói lên màu nắng phương Nam, giản dị và đơn sơ hơn nhiều, nhưng vẫn có đủ đầy dấu chỉ của mùa xuân, ấy là tôi đang muốn nói đến “Bong sa Tệp” - hoa ăn Tết, theo cách gọi của người bản địa K’Ho ở Cao nguyên Di Linh.

“Bong sa Tệp” nở, dấu chỉ mùa xuân đang về.
“Bong sa Tệp” nở, dấu chỉ mùa xuân đang về.

Năm nào cũng vậy, đông có đi chùng chình đôi chút, trễ nải đôi chút, nhưng thể nào rồi cũng đến lúc cất đi những ngọn gió sâu lạnh trùng phùng, và thế là xuân về trên dấu chỉ nụ “Bong sa Tệp” bung sắc cùng nắng lụa vàng muôn đời không sai biệt. “Chúng tôi cũng chẳng biết nó là loại hoa gì. Chỉ vì hễ thấy loại hoa đó nở, thể nào người Kinh cũng lại tất bật sắm Tết, nên chúng tôi gọi luôn là “Bong sa Tệp”, tức hoa ăn Tết”, ông K’Ninh (người K’Ho, nguyên cán bộ Văn hóa xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) giải thích nguyên nhân do đâu mà hoa có tên “Bong sa Tệp”.

Trước kia, đối với người K’Ho, 1 năm không nhất thiết phải tính đủ 365 ngày. Năm mới của người K’Ho được tính từ khi... bịt chặt cót thóc, nghĩa là vụ canh tác lúa rẫy năm trước đã xong, “mẹ lúa” đã được rước về kho, cửa kho đã được cài chặt. Thời điểm này, người K’Ho mới tiến hành mở hội. Từ ngày cộng cư với người Kinh, cộng đồng K’Ho biết thêm một cái Tết mới - Tết Nguyên đán và “Bong sa Tệp” là kết quả của sự cộng cư này.

"Bong sa Tệp" trắng.

“Bong sa Tệp” có 2 màu chủ đạo: Trắng và hồng. Cả hai màu đều có mùi thơm nhẹ. “Ở một số đám cưới của người K’Ho mạn Di Linh, tôi để ý thấy “Bong sa Tệp” còn được sử dụng để làm cổng hoa cùng với lá dừa”, anh Lê Ngọc Phương (thị trấn Di Linh) kể lại.

Giống cây này rất khỏe và dễ trồng. Cắt cành về cắm xuống đất là mọc ngay. Do vậy, người K’Ho thường trồng “Bong sa Tệp” làm hàng rào cho rẫy cà phê. Mùa xuân đến, những hàng rào này trở thành những dãy hoa rất gợi.

Linh mục Quản xứ Giáo xứ Đinh Trang Hòa Bart Nguyễn Văn Gioan khi được hỏi về tên của loại hoa này cũng bảo: “Không biết!”. Tuy nhiên, linh mục Gioan thừa nhận: Cứ dõi mắt thấy hoa nở là y như rằng đất trời chuyển sang xuân. “Bong sa Tệp” chính là loài hoa báo hiệu mùa xuân.

   Trịnh Chu