Những người lưu giữ nghề truyền thống

06:12, 02/12/2022
Cùng với quá trình định cư, lập nghiệp trên mảnh đất Nam Ban (huyện Lâm Hà), những người dân đến từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước cũng đã mang theo cả những phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống, góp phần tạo cho thị trấn Nam Ban vừa mang vẻ đẹp của một đô thị văn minh, vừa lưu giữ được những nét đẹp truyền thống trong đời sống sinh hoạt văn hóa.
 
Các sản phẩm mây tre đan rất đa dạng, phong phú, thể hiện sự khéo léo, tỉ mẩn
Các sản phẩm mây tre đan rất đa dạng, phong phú, thể hiện sự khéo léo, tỉ mẩn
 
Nghề truyền thống không chỉ là kế sinh nhai từ thuở cơ hàn khi mới khai hoang, mở đất, là thu nhập và giải quyết việc làm những lúc nông nhàn, mà còn thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sản xuất, văn hóa tinh thần của người dân Nam Ban. Vì thế, hơn 20 năm qua, những người cao tuổi trong các gia đình người gốc tỉnh Hà Nam đang sinh sống tại thị trấn Nam Ban vẫn miệt mài với công việc chẻ tre, đan những tấm nong mốt, nong đôi để làm nên những sản phẩm mây tre đan vừa phục vụ nhu cầu đời sống sản xuất, vừa để nâng cao thu nhập, phục vụ khách du lịch, đồng thời cũng là để lưu giữ những giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại.
 
Nằm ngay dọc hai bên tuyến Tỉnh lộ 725, giáp ranh với địa phận xã Mê Linh nên du khách và phương tiện đi qua đây đều dễ dàng bắt gặp không gian trưng bày các sản phẩm mây tre đan của các hộ dân Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban. Những ngày này, khi mùa thu hoạch cà phê đã bắt đầu, trong các hộ làm nghề mây tre đan ở đây cũng trở nên vắng vẻ hơn, bởi các lao động chính trong các gia đình đã vào vườn thu hái cà phê. Trong gia đình cụ Nguyễn Thị Thìn, các con đều đã vào vườn hái cà phê, chỉ còn 2 cụ vừa trông nhà, vừa làm những công việc quen thuộc đã hơn 20 năm nay. Cụ cho biết, đã 40 năm kể từ ngày vào Nam Ban định cư, năm nay cụ đã 73 tuổi, song đôi tay vẫn hết sức nhanh nhẹn, khéo léo, tỉ mẩn trong từng múi nan. Vừa trò chuyện với chúng tôi, cụ vừa trải lòng cùng những ký ức gian khó từ những ngày đầu trên mảnh đất Nam Ban. Đan lát thủ công là nghề truyền thống của quê hương Hà Nam, từ nhỏ cụ đã được gia đình truyền dạy. Khi vào Nam lập nghiệp, nghề đan đã giúp cho gia đình cụ, cũng như nhiều gia đình gốc Hà Nam ở đây làm ra những vật dụng để phục vụ cuộc sống hàng ngày và sản xuất thời kỳ đầu. Dần dần, được nhiều người ở các địa phương biết và tìm đến để đặt hàng với số lượng lớn để phục vụ nghề nuôi tằm. Hiện nay, dù tuổi đã cao, song trung bình mỗi ngày cụ đan được khoảng 4 - 5 tấm mê, còn cụ ông chủ yếu chẻ tre, chẻ lạt. Để làm được một sản phẩm hoàn chỉnh, ngoài nhiều công đoạn khác nhau, còn cần một người trẻ, sức khỏe tốt, khéo léo để lên cạp cho sản phẩm. Nếu đan đều tay, mỗi ngày cụ sẽ thu được từ 150.000 - 200.000 đồng. Dù số tiền làm ra không nhiều so với các công đoạn, chi phí bỏ ra, song với những người cao tuổi ở nơi đây, công việc này còn là niềm vui tuổi già, đam mê và trách nhiệm lưu giữ truyền thống của quê hương trong cuộc sống hiện đại. 
 
Cách đó vài căn nhà, gia đình ông Nguyễn Văn Phụng - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Từ Liêm 2 cho biết, mây tre đan là nghề truyền thống của quê hương vợ ông. Trước đây, vợ chồng ông chủ yếu đan lát để vừa làm ra những sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của gia đình và một số hộ dân xung quanh. Sau đó, nhiều hộ trồng dâu, nuôi tằm ở các địa phương khác tìm đến và đặt hàng như: nong, né, rổ, rá, dần, sàng… Mùa làm chính trong năm là từ tháng 2 đến tháng 7, giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Theo ông, nghề này không mang lại sự giàu có, nhưng là công việc phù hợp với cả phụ nữ, người cao tuổi, sức khỏe yếu, hay cả những cháu học sinh. 
 
Những năm gần đây, khi thị trấn Nam Ban phát triển du lịch, xóm nghề mây tre đan có nhiều đơn hàng từ các nhà hàng, quán ăn. Đặc biệt, khách du lịch cũng rất thích thú khi được tham quan, chiêm ngưỡng và mua về để sử dụng những sản phẩm thông dụng như: dần, sàng, rổ, rá, gùi,... Hiện nay, trong Tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban có 10 hộ gia đình trực tiếp đan lát và làm ra những sản phẩm thủ công này. Với xu thế phát triển của nghề trồng dâu, nuôi tằm thì nghề mây tre đan vẫn có nhiều thuận lợi để tiếp tục được duy trì và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn nhất của nghề mây tre đan là nguyên liệu. Để có đủ tre, mây, các hộ dân phải liên hệ đặt mua về từ huyện Đam Rông, hoặc từ tỉnh Đắk Nông. Song với tình yêu và niềm đam mê với công việc, những hộ dân cũng đang rất mong muốn lưu truyền và phát triển thành một làng nghề mây tre đan truyền thống ở vùng đất Nam Ban. 
 
Là cái nôi của vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, cùng với quá trình xây dựng và phát triển, thị trấn Nam Ban còn là nơi được nhiều người và du khách tứ phương tìm về bởi nơi đây những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được những thế hệ người cao tuổi, các gia đình dày công gìn giữ và lưu truyền. Chính điều đó đã góp phần làm nên vẻ đẹp riêng biệt, cuốn hút của Nam Ban trong quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu của vùng đất du lịch.
 
THANH TRÀ