Trăn trở của nghệ nhân về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

06:05, 24/05/2022
Diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên trên sân khấu Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần V - năm 2022, tại Đơn Dương
Diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên trên sân khấu Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần V - năm 2022, tại Đơn Dương
 
Thực tế cho thấy, nghệ nhân cồng chiêng là người nắm giữ những giá trị cốt lõi của loại hình văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên, cùng các bí quyết, kỹ năng thực hành di sản đó. Những kiến thức mà nghệ nhân có được qua quá trình dài tích lũy là tài sản quý báu để truyền thụ lại cho các thế hệ tiếp nối. Dĩ nhiên, vai trò của nghệ nhân là cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Thấy rõ điều đó, Nhà nước đã ghi nhận, động viên về mặt tinh thần đối với những “báu vật nhân văn sống” này bằng việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Bên cạnh đó, ban hành chính sách riêng hỗ trợ những nghệ nhân có gia cảnh khó khăn để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân đảm bảo cuộc sống và cống hiến hết mình cho công tác bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống. Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016) quy định trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú theo 3 mức sau: 1 triệu đồng, 800 ngàn đồng và 700 ngàn đồng/tháng, tùy từng đối tượng cụ thể.
 
Ưu đãi bằng vật chất đối với những nhân tố đã, đang nắm giữ, bảo vệ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống, mới chỉ là một vế trong văn hóa ứng xử với những người có cống hiến đặc biệt cho cộng đồng, vì lẽ khi được chăm lo tốt đời sống vật chất, nghệ nhân sẽ có trách nhiệm hơn trước sự quan tâm ấy, cũng đồng nghĩa sẽ có thêm các giá trị quý báu được bảo vệ và truyền trao cho thế hệ trẻ nắm giữ. Ngoài ra, việc chăm lo tốt đời sống vật chất cho nghệ nhân còn gián tiếp tạo thêm động lực, giúp nghệ nhân có thêm thời gian, tâm huyết và khả năng sáng tạo trong thực hành truyền dạy di sản, vì nghệ nhân không phải dành nhiều thời gian để lao động kiếm sống. Nghệ nhân K’Niêm (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) cho biết: “Sở dĩ nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang tồn tại cho đến ngày nay là vì người này truyền cho người kia, người kia truyền cho người kia nữa, cứ thế mãi mãi”.
 
Đam mê, tâm huyết với văn hóa dân tộc, các nghệ nhân chưa bao giờ tính toán thiệt hơn khi bỏ công sức, thời gian, thậm chí cả tiền bạc của gia đình để góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản của ông cha. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tâm huyết của nghệ nhân thì cũng chỉ dừng lại ở mức duy trì các đội cồng chiêng mang tính chất văn nghệ, vì thế hệ trẻ Tây Nguyên bây giờ đã suy nghĩ rất khác thế hệ cha ông. Theo các nghệ nhân trẻ, diễn tấu cồng chiêng là một loại hình nghệ thuật, vì thế ai muốn xem nghệ thuật phải trả tiền. Điều đó là hết sức bình thường. Việc trả tiền cho nghệ nhân cồng chiêng là hoàn toàn hợp lý. Mọi người cần thay đổi thói quen xem nghệ thuật miễn phí để người nghệ nhân có thể sống được bằng nghề. Trong một lần trả lời báo chí, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng khẳng định: Phải bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo mô hình tập trung của phương Tây, nghĩa là người dân phải được hưởng lương tối thiểu để các buôn làng giữ gìn toàn vẹn không gian nghi thức có cồng chiêng như cha ông họ từng làm.
 
TRỊNH CHU