Tăng cường chấn chỉnh việc lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi

04:09, 21/09/2021

Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, việc đôn đốc kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi vẫn được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm ngặt.

Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, việc đôn đốc kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi vẫn được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm ngặt.
 
Những vấn đề sai phạm ở khu vực hồ Tuyền Lâm đang được tiến hành xử lý
Những vấn đề sai phạm ở khu vực hồ Tuyền Lâm đang được tiến hành xử lý
 
Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 430 công trình thủy lợi, trong đó có 220 hồ chứa, 87 công trình dâng nước, 19 trạm bơm, 92 đập tạm và 12 kênh tiêu, cùng với khoảng 1.200 km kênh mương. Các công trình thủy lợi trên địa bàn hiện đã được phân cấp quản lý khai thác theo Quyết định về Quy định phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh số 19 ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh. Kết quả rà soát đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn các hồ, đập được xây dựng khá lâu và thiếu đồng bộ trong đầu tư. Bởi vậy, sau thời gian dài sử dụng, nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Ngoài 10 công trình hồ chứa đang được thi công sửa chữa, nâng cấp, hiện toàn tỉnh đang còn 58 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ cao gây mất an toàn công trình (9 hồ chứa đã được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp; 49 công trình vẫn chưa được bố trí nguồn kinh phí sửa chữa). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ 636,3 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 49 công trình; đồng thời, bố trí kinh phí để tiếp tục triển khai Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 theo Quyết định số 2243 ngày 1/11/2018 của UBND tỉnh.
 
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, từ năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 707 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và xử lý 141 trường hợp. Đối với 566 trường hợp còn lại do việc quản lý hồ sơ thu hồi, đền bù giải tỏa đất ở cấp huyện bị thất lạc, ranh giới nhiều công trình thủy lợi với diện tích đất của người dân vẫn chưa được cắm mốc, xác định cụ thể; ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi được người dân hiến đất xây dựng từ lâu, song chưa điều chỉnh trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó xử lý.
 
Để đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi trong mùa mưa lũ 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác thủy lợi phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng 430 công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. 
 
Ông Nguyễn Hà Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho biết, “Riêng năm 2021, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã được xây dựng ngay từ đầu năm. Hiện đơn vị đã tổ chức 5 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng các huyện Di Linh, Lâm Hà và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đơn Dương. Chi cục cũng đã tham mưu, đôn đốc các địa phương, đơn vị kiểm tra, xử lý lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi. Năm 2021, liên quan đến các vi phạm trong phạm vi bảo vệ hồ Tuyền Lâm, Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng đã tham mưu xử lý đối với hoạt động của Công ty TNHH Một thành viên Cá tầm Việt Nam tại khu vực tràn phụ hồ Tuyền Lâm; các vó bè, nhà nổi trên mặt hồ Tuyền Lâm… Đồng thời tiếp tục xử lý, cưỡng chế một hộ dân ra khỏi khu vực tràn hồ Tuyền Lâm”.
 
Hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên công tác thanh, kiểm tra các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi bị ảnh hưởng. Do vậy, Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng đã phân công người phụ trách và bám sát các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi để nắm thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi ở địa phương chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là các vụ vi phạm tại hồ Tuyền Lâm. Hơn nữa, do số lượng vi phạm nhiều và diễn ra trong thời gian dài nên cần thu thập, củng cố hồ sơ kỹ lưỡng để xử lý. Hiện tại, Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng ưu tiên xử lý các vụ vi phạm có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình.
 
Trong năm 2021, đơn vị tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp không thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập. Xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi đối với các công trình đã được xác lập ranh giới đất. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên; công tác sử dụng kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; công tác phòng, chống thiên tai tại Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Đạ Huoai.
 
Trong những tháng cuối năm 2021, Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi... để có những biện pháp xử lý kip thời, nhằm đảm bảo an toàn các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh.
 
NGỌC NGÀ