Đam Rông: Mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất

04:09, 21/09/2021

Xây dựng, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất là một trong những hướng đi mà huyện Đam Rông tập trung hướng đến nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

Xây dựng, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất là một trong những hướng đi mà huyện Đam Rông tập trung hướng đến nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc xây dựng, hình thành và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất không chỉ giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, mà còn góp phần đảm bảo tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho nông dân.
 
Nuôi tằm tại HTX Dâu tằm Rô Men
Nuôi tằm tại HTX Dâu tằm Rô Men
 
HIỆU QUẢ TỪ CÁC CHUỖI LIÊN KẾT SẢN XUẤT
 
Thực tế cho thấy, những năm qua, các mô hình liên kết sản xuất của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn huyện Đam Rông ngày càng tăng về số lượng và hoạt động hiệu quả hơn. Từ việc tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều mô hình sản xuất, quy mô được mở rộng, ổn định thu nhập cho nông dân. Bên cạnh các mô hình liên kết hiệu quả, tạo được thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước như chuối Laba Đạ K’Nàng, cá tầm ở xã Rô Men và cây ăn quả tại xã Đạ R’sal thì vài năm trở lại đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm cũng được các HTX và nông dân tại Đam Rông phát triển, hình thành nên các chuỗi liên kết sản xuất.
 
HTX Dâu tằm Rô Men là một trong 3 HTX dâu tằm trên địa bàn huyện đang hoạt động hiệu quả nhờ vào liên kết. Được thành lập từ năm 2019, HTX Dâu tằm Rô Men liên kết sản xuất với 28 hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm, tổng diện tích hơn 13 ha. 
 
Hướng đến mục tiêu mở rộng sản xuất và đảm bảo đầu ra, ổn định giá cả cho nông dân, HTX đã chủ động liên kết sản xuất với Công ty Tơ tằm Ngọc Hùng tại thị trấn Nam Ban, Lâm Hà. Anh Phạm Văn Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dâu tằm Ro Men cho biết: Tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, mọi người đều có lợi. Trước đây, bà con phải lo lắng tìm đầu ra sản phẩm và giá thành thì nay khi tham gia liên kết những vấn đề này đều được giải quyết. Khi đảm bảo các tiêu chí về chất lượng kén và thống nhất giá cả, sản lượng thu mua, HTX sẽ ký hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, công ty sẽ đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, các thành viên còn được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, dâu tằm, con giống, nhất là đối với các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Về phía HTX, để giữ vững liên kết, chất lượng tơ và sản lượng kén được HTX đặc biệt quan tâm. Các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm và nhập nguồn con giống có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. 
 
Theo anh Cương, trung bình 1 tháng, công ty thu mua của HTX khoảng hơn 2 tấn kén, tùy theo số lượng có bao nhiêu công ty sẽ thu bấy nhiêu. Hoạt động kinh doanh ổn định giúp mang lại doanh thu cho HTX khoảng hơn 3 tỷ đồng/năm. “Để mở rộng quy mô sản xuất, ngoài chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh liên kết, đầu tư thêm máy móc sản xuất, HTX định hướng xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu con giống, trồng dâu, nuôi tằm đến xử lý kén và chủ động đầu ra, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thêm việc làm cho nông dân”, ông Cương chia sẻ. 
 
ĐỂ CHUỖI LIÊN KẾT SẢN XUẤT ĐƯỢC BỀN VỮNG
 
Thời gian qua, huyện Đam Rông cũng khuyến khích phát triển kinh tế mô hình hợp tác xã, từng bước hình thành các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết: Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật và liên kết sản xuất. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, huyện Đam Rông có 10 chuỗi liên kết sản xuất gồm: 3 chuỗi dâu tằm ở 3 xã Đạ R’sal, Rô Men và Phi Liêng; 2 chuỗi liên kết sản xuất rau tại xã Đạ K’Nàng, xã Phi Liêng; 1 chuỗi liên kết sản xuất hạt macca tại xã Phi Liêng; 1 chuỗi cá tầm tại xã Rô Men và chuỗi liên kết sản xuất sầu riêng, cây ăn trái tại Đạ R’sal... 
 
Theo ông Chính, khi tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro, mở rộng quy mô sản xuất. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường. 
 
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, các tổ hợp tác, HTX và nông dân liên kết sản xuất ổn định hơn, có đầu ra và giá cả bình ổn, không bị ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất cũng góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới về thu nhập và tổ chức sản xuất. 
 
Tuy nhiên, Phòng Nông nghiệp huyện cũng nhận định, trên thực tế, các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Đam Rông chỉ mới dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ; một số chuỗi liên kết vẫn chưa thực sự bền vững. Do đó, để chuỗi liên kết không bị đứt gãy, nông dân cần có chiến lược lâu dài, chú trọng xây dựng, nâng cao giá trị sản phẩm, nắm bắt sản xuất theo yêu cầu của thị trường và mở rộng thị trường. Ngoài ra, bên cạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, huyện cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp, HTX và nông dân. “Địa phương cũng định hướng các tổ hợp tác, HTX sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu nông sản Đam Rông”, ông Chính cho biết thêm. 
 
NHẬT QUỲNH