Bảo vệ môi trường đất, vấn đề đặt ra (bài 2)

05:09, 27/09/2021

Nhiều tác nhân đang tạo nên sức ép cho môi trường đất của Lâm Đồng. Đó là việc sử dụng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật quá mức, là nước thải công nghiệp, nước thải dân sinh chưa qua xử lý trong quá trình đô thị hóa...

[links()]
 
Rác sinh hoạt đổ thành đống cao chờ chôn lấp tại bãi rác P’ré, Phú Hội, Đức Trọng
Rác sinh hoạt đổ thành đống cao chờ chôn lấp tại bãi rác P’ré, Phú Hội, Đức Trọng
 
Nhiều tác nhân đang tạo nên sức ép cho môi trường đất của Lâm Đồng. Đó là việc sử dụng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật quá mức, là nước thải công nghiệp, nước thải dân sinh chưa qua xử lý trong quá trình đô thị hóa... 
 
• SỬ DỤNG HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT VÀ PHÂN BÓN QUÁ NHIỀU
 
Đầu tháng 9/2021 khi đến thăm một số nhà vườn Đà Lạt để viết loạt bài này, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy không ít diện tích trong các nhà kính trồng hoa bỏ trống chẳng thấy trồng trọt gì. Thời điểm này, mọi năm người trồng hoa Đà Lạt đã bận túi bụi để chuẩn bị mùa hoa tết, nhưng năm nay mọi thứ tĩnh lặng đến đáng ngại. 
 
Bỏ trống đất theo nhiều chủ vườn là vì ảnh hưởng của đại dịch COVID 19. Dịch bệnh làm thị trường hoa trong nước gần như đóng băng, vận chuyển hoa giờ khó khăn; TP Hồ Chí Minh - nơi tiêu thụ chính quanh năm của hoa Đà Lạt giờ lấy hàng rất ít. Hoa đại hạ giá, thu không đủ chi, nhiều nhà vườn đành bỏ đất trống, như một giải pháp “nín thở qua sông”, chờ dịch giảm dần xem tình hình ra sao rồi mới quyết định.
 
Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi tại sao không chuyển phần đất bỏ trống này sang trồng rau ngắn ngày, theo sự vận động của tỉnh và thành phố gần đây, nhằm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh đang rất cần rau trong đại dịch này thì một số chủ vườn bảo rằng không chuyển được.
 
Lý do không chuyển được là vì, như một chủ vườn cho biết, đất trong nhà lồng này dùng chuyên canh hoa, trồng cúc trong nhiều năm nay nên hầu hết đất đều bị ô nhiễm nặng thuốc bảo vệ thực vật. “Nghề trồng cúc phải xịt thuốc chống nấm bệnh hằng tuần, xịt liên tục trong nhiều năm nay nên đất bị ô nhiễm nặng. Nay muốn trồng rau phải cải tạo lại đất mặt, thay thế bằng đất sạch rồi mới trồng được, nếu không rau có nguy cơ nhiễm thuốc bảo thực vật rất cao, không ăn được đâu”.
 
Toàn thành phố Đà Lạt hiện nay, theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, có trên 10.500 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, gần 5.200 ha canh tác cà phê; 520 ha trồng cây ăn quả; có khoảng 2.773 ha đang được trồng rau các loại, và có khoảng 2.500 ha là đất trồng hoa. Trong năm 2020, Đà Lạt gieo trồng tổng cộng khoảng 11.900 ha rau (trung bình khoảng 3 tháng một lứa) với sản lượng trên 450 nghìn tấn rau. Trong đợt dịch này, nếu các diện tích người dân không trồng hoa được chuyển sang trồng rau thì sản lượng rau sẽ tăng lên rất cao. Tuy nhiên, vì lương tâm, nhiều chủ vườn thà bỏ không, không có thu nhập cũng được chứ không thể canh tác trên phần đất bị ô nhiễm này. 
 
Nhưng đất bị ô nhiễm không chỉ bởi lượng hóa chất bảo vệ thực vật sử dụng hằng ngày trong thời gian quá lâu, mà đất còn bị ô nhiễm bởi lượng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đang vứt bừa ra trên đồng ruộng.
 
Một con số của ngành chức năng Lâm Đồng cho biết, trung bình mỗi năm gần đây nông dân Lâm Đồng sử dụng khoảng 4 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Trong 4 nghìn tấn này, theo tính toán, tỷ lệ bao bì chiếm khoảng 300 tấn, chủ yếu trong đó là chai nhựa, chiếm đến 70%; còn lại là các gói bằng ni lông hay các loại bao đựng khác. 
 
Trong nỗ lực thu gom và xử lý đúng cách bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, Lâm Đồng đã lắp đặt trên 2.200 bể thu gom tại các trục đường nội đồng trong tỉnh tại các huyện, thành; đồng thời, tiến hành các cuộc vận động rộng rãi người dân tham gia thu gom, sau đó các đơn vị chức năng vận chuyển đến nơi xử lý. Tuy nhiên, lượng bao bì được thu gom và tiêu hủy đúng quy định hàng năm đến nay chỉ vào khoảng trên 22 tấn, chiếm 7,3% trong số 300 tấn này. Điều này có nghĩa cứ mỗi năm sẽ có 278 tấn vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật còn lại được thải ra, xâm nhập vào môi trường. Cần nói rõ rằng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật được xếp hạng là chất thải nguy hại, nếu không được thu gom xử lý tốt chúng sẽ tích lũy dần trên đồng ruộng, gây ô nhiễm đất, nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người lẫn động, thực vật.
 
Cùng đó, không ít nông dân trong tỉnh hiện nay thường có xu hướng sử dụng phân bón hóa học nhiều hơn mức được khuyến nghị. Trong khi đó, cây trồng chỉ hấp thụ khoảng 60% cho đạm, 40% cho lân và 50% cho kali, lượng phân bón dư thừa còn lại ngấm dần vào đất và nước, qua dòng chảy, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm của tỉnh.
 
Trồng Mai anh đào phân định đất nông lâm tại Đà Lạt
Trồng Mai anh đào phân định đất nông lâm tại Đà Lạt
 
• RÁC THẢI, NƯỚC THẢI SINH HOẠT VÀ HỆ LỤY
 
Phải vào tận chân một bãi rác, đó là bãi rác P’ré tại xã Phú Hội, Đức Trọng mới thấy mức độ ô nhiễm nghiêm trọng mà bãi rác gây ra cho môi trường nơi đây.
 
Bãi rác P’ré rộng 3,6 ha từ năm 2000 cho đến nay là điểm tập kết chính của rác thải tại huyện Đức Trọng, nhất là từ thị trấn Liên Nghĩa. Trung bình mỗi ngày nơi đây, theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Đức Trọng, thu nhận khoảng 100 tấn rác thải để xử lý 
 
Gọi là xử lý cho có vẻ bóng bẩy nhưng thực chất chỉ là xịt thuốc khử mùi rồi dùng xe ủi chôn lấp đất tự nhiên. Khử mùi rồi nhưng mùi hôi vẫn bốc lên nồng nặc, từ khá xa đã phải lo bịt mũi. Đến gần hơn sẽ thấy nước rác đen ngòm từ bãi rác rỉ ra, chảy thành dòng xuống các vùng đất thấp phía dưới quanh vùng, thấm vào đất, lâu dần gây ô nhiễm đất và nước. 
 
Điều đáng nói các vùng đất thấp dưới chân bãi rác này lại là đất canh tác nông nghiệp của người dân. Dọc con đường vào đây có thể thấy các hồ chứa nước của người dân, nước trong hồ đổi màu, có mùi, nhưng nhiều chủ vườn, vì mưu sinh và cũng vì chẳng biết làm cách nào để lấy nước từ nơi khác về tưới, đành phải dùng nước này tưới cho hoa màu. 
 
Trong tháng 10/2020, UBND tỉnh đã có quyết định chính thức phê duyệt Dự án đóng cửa bãi rác P’ré gây ô nhiễm nghiêm trọng trong 2 năm đến với tổng kinh phí trên 19,6 tỷ đồng, chuyển bãi rác đi sang một địa điểm khác trong huyện Đức Trọng thuận tiện hơn cho việc xử lý. Nơi đây sẽ được lấp lại, phủ đất sạch, tạo mặt bằng để làm thành một vườn ươm cây giống. 
 
Nhưng vẫn còn có những bãi rác trong tỉnh cần có giải pháp kịp thời sớm, như bãi rác Gung Ré - Di Linh chẳng hạn. Đây cũng là một điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tỉnh lâu nay đã có chủ trương thay thế bãi rác này. Một con số thống kê của Sở Xây dựng Lâm Đồng năm 2019 cho biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn Lâm Đồng khoảng 481 tấn mỗi ngày. Phần lớn số rác thải sinh hoạt này được thu gom và đưa về các bãi rác để xử lý, nhưng cho đến nay, chỉ 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, còn hầu hết các huyện còn lại đều xử lý rác thải bằng cách chôn lấp. Hầu hết các bãi rác này đều có quy mô nhỏ, công nghệ chôn lấp lạc hậu, rác đổ đống lộ thiên, xử lý bằng cách để khô đốt hay chôn lấp đất, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật lẫn vệ sinh môi trường. Không chỉ là bốc mùi ảnh hưởng đến dân cư một vùng, nước rỉ rác thoát ra môi trường, lâu dần sẽ ngấm vào tầng nước ngầm, hủy hoại môi trường đất và nước ngầm cả một vùng rộng lớn chung quanh. Nhiều huyện trong tỉnh hiện nay trong nỗ lực giải quyết vấn nạn ô nhiễm đất và nước tại các bãi rác, đang xúc tiến nhanh các dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt thay thế việc chôn lấp như tại Đơn Dương, tại Di Linh, tại Đạ Huoai…
 
Cùng với lượng rác thải sinh hoạt tăng lên, quá trình đô thị hóa hiện nay trong tỉnh còn dẫn dến việc gia tăng nhu cầu về nước sạch; lượng nước sinh hoạt thải ra môi trường theo đó cũng tăng lên. Trong tỉnh hiện nay mới chỉ Đà Lạt có hệ thống thu gom nước thải với nhà máy xử lý nước thải được đưa vào vận hành từ năm 2005 với công suất 7.400 m3/ngày, đến năm 2017 nâng công suất lên 12.400 m3/ngày. Tuy nhiên, lượng nước thải thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường tại thành phố này hằng năm, như một báo cáo của tỉnh cho biết gần đây, chỉ đạt khoảng 18,8%, tương ứng trên 3 triệu m3 nước thải mỗi năm, trong khi lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Đà Lạt trên 16,3 triệu m3 mỗi năm. 
 
Còn thành phố Bảo Lộc và toàn bộ các thị trấn khác trong tỉnh đến nay đều phải sử dụng hệ thống thoát nước chung, cả nước mưa và nước thải sinh hoạt chảy thẳng ra sông, suối không qua xử lý vì chưa có trạm hay nhà máy thu gom, xử lý nước thải tập trung. Hiện có một phần nước thải sinh hoạt của hầu hết các gia đình được xử lý bằng hầm tự hoại, nước thoát từ hầm tự hoại cũng được xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận. Đặc trưng chung của nước thải sinh hoạt là chứa đựng nhiều vi sinh vật, kim loại nặng, dầu mỡ động thực vật, chất hoạt động bề mặt, chất tẩy rửa… nếu không được thu gom xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đất và nước, đặc biệt là các nhánh sông, suối tiếp nhận trực tiếp nguồn thải.
 
Các hoạt động công nghiệp trong tỉnh cũng thải ra lượng nước thải công nghiệp và rác thải công nghiệp. Đặc biệt, nước thải công nghiệp chứa nhiều hóa chất, thành phần kim loại nặng gây ô nhiễm môi trường đất và nước, tích lũy trong đất, thâm nhập vào cơ thể con người theo chuỗi thức ăn và nước uống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, cho đến nay, theo ngành chức năng tỉnh, Lâm Đồng đang làm tương đối tốt công tác quản lý các nguồn thải trong các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ. Cơ bản lượng nước thải công nghiệp đã được thu gom xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, do việc xử lý đối với loại chất thải này cần đầu tư tiền bạc nhiều nên còn tình trạng một số cơ sở vi phạm luật, xả thải trái phép.

 

Thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật ngoài đồng về các kho chứa chờ đơn vị chức năng đưa đi xử lý tại huyện Đạ Tẻh
Thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật ngoài đồng về các kho chứa chờ đơn vị chức năng đưa đi xử lý tại huyện Đạ Tẻh
 
• NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRẮC
 
Hằng năm Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đều thực hiện mỗi năm 2 lần nhiệm vụ quan trắc hiện trạng thành phần môi môi trường đất tại các địa điểm chịu tác động từ hoạt động công nghiệp và nông nghiệp.
 
Trong quan trắc môi trường đất, Trung tâm chọn mẫu tại các khu công nghiệp và nơi có sản xuất công nghiệp của tỉnh. Còn với sản xuất nông nghiệp, mẫu đất được chọn gồm 10 điểm, gồm vùng trồng rau xã Lát và tại xã Đạ Sar của huyện Lạc Dương; đất ruộng ở xã Tiên Hoàng - Cát Tiên; đất trồng hoa màu tại xã Đạ Oai - Đạ Huoai; đất trồng trà ở xã Đạm B’ri - Bảo Lộc; đất trồng trà ở xã Gung Ré - Di Linh; cánh đồng lúa tại xã Phú Hội - Đức Trọng; đất trồng cà phê tại thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà; đất trên cánh đồng thị trấn Thạnh Mỹ và đất trồng rau tại xã Lạc Lâm - Đơn Dương.
 
Qua quan trắc, Trung tâm cho biết cho đến nay hầu hết các thông số quan trắc tại các vị trí đất chịu tác động bởi hoạt động công nghiệp, công nghiệp khai khoáng của tỉnh đều nằm trong phạm vi các quy chuẩn quy định.
 
Riêng với đất sản xuất nông nghiệp, tại các vị trí quan trắc đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cùng nhóm thuốc trừ cỏ lẫn các kim loại nặng. Tuy nhiên, kết quả cũng cho biết giá trị dinh dưỡng của đất tại các vị trí quan trắc chưa tốt, vì lượng phân bón hóa học sử dụng quá nhiều hằng năm. Chính vì vậy, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo nhà nông cần quan tâm đến hàm lượng chất hữu cơ trong đất vốn đang ở mức nghèo, nên tăng cường sử dụng phân hữu cơ truyền thống thay cho phân bón hóa học để cải thiện đất trước mắt và về lâu dài.
 
Còn nữa
 
VIẾT TRỌNG