Bảo vệ môi trường đất, vấn đề đặt ra

06:09, 24/09/2021

Là tỉnh có đại đa số dân cư sinh sống bằng nông nghiệp, Lâm Đồng cần đặt ra vấn đề cấp thiết bảo vệ môi trường đất của mình để hướng đến một nền canh tác nông nghiệp bền vững.

Là tỉnh có đại đa số dân cư sinh sống bằng nông nghiệp, Lâm Đồng cần đặt ra vấn đề cấp thiết bảo vệ môi trường đất của mình để hướng đến một nền canh tác nông nghiệp bền vững.
 
Bài 1: Khi đất là nguồn sống
 
Từ những người đi trước gian khó mở đường bằng đôi tay cần cù lao động đến một thế hệ nông dân mới hiện nay với máy móc và ứng dụng công nghệ cao hiện đại, những người nông dân Lâm Đồng đã và đang góp sức tạo nên một vùng đất tươi đẹp.
 
Các vùng phụ cận Đà Lạt như các xã của Lạc Dương, Lâm Hà đang hình thành các cánh đồng chuyên canh rau, hoa.  Trong ảnh: Thu hoạch củ cải tại Cổng Trời, Mê Linh, Lâm Hà
Các vùng phụ cận Đà Lạt như các xã của Lạc Dương, Lâm Hà đang hình thành các cánh đồng chuyên canh rau, hoa. Trong ảnh: Thu hoạch củ cải tại Cổng Trời, Mê Linh, Lâm Hà
 
 CHUYỆN LÃO NÔNG TỪ HAI BÀN TAY TRẮNG 
 
Với ông Nguyễn Đình Lộc, một nông dân ở làng hoa Thái Phiên, Phường 12, Đà Lạt, đất đai là một câu chuyện dài của đời ông.
 
Quê ở làng Phước Yên - Huế, sinh năm 1952, năm 1977 ông Lộc cùng nhiều người trong làng cùng vào ấp Thái Phiên, nay là Phường 12, Đà Lạt để lập nghiệp. Ấp Thái Phiên cùng với ấp Ánh Sáng nằm tại trung tâm Đà Lạt lúc đó là nơi đông cộng đồng người Huế sinh sống, người ở ấp Ánh Sáng chuyên mua bán, còn ấp Thái Phiên lúc đó là nơi thuần nông nghiệp, dân chủ yếu trồng “la ghim” (rau). Đủ loại rau, từ sú, cà rốt, khoai tây, cần tây, cải, cúc…
 
Trồng rau cần nhiều nhân lực. Ông Lộc như bao người khác mới vào lúc đó, ngày ngày đi làm thuê cho các nhà vườn. Đó là khoảng thời gian sau ngày thống nhất đất nước rất khó khăn, không nhiều máy móc, xăng dầu thiếu, nhà vườn chủ yếu làm việc bằng chân tay, từ san đất, lật đất, làm rò, đánh luống, bón phân, đào củ, tưới nước, thu hoạch rau, gánh rau ra chợ… Ông kể, khổ nhất ngày đó là tưới nước cho rau vì nhiều khu vườn nằm trên dốc cao, máy nổ yếu không bơm nước lên được nên phải gánh nước lên tưới, chỗ nào không tưới được thì phải bỏ hoang đất trong mùa khô chờ mùa mưa đến. Dùng sức người nên nhiều nhà vườn không thể canh tác những diện tích rộng như ngày hôm nay, mỗi nhà làm chừng vài ba sào đất, nhiều lắm cũng chỉ chừng hecta là nhiều.
 
Làm việc cần mẫn, không nề hà khó nhọc, ông Lộc cùng vợ mình đã mua được mảnh đất để làm căn nhà gỗ sau đó 3 năm, năm 1980. Và phải đến hơn 5 năm sau, khi dành dụm đủ vợ chồng ông mới mua được 3 sào vườn trong ấp. Khi có vườn, vợ chồng ông không đi làm thuê nữa mà ở nhà lo cho mảnh vườn trồng rau của mình. Làm ăn thuận lợi, vài năm sau, vợ chồng ông lại mua tiếp thêm 3 sào đất vườn nữa. 
 
Trong năm 2000 cùng với nhiều người dân quanh xóm trong vùng Thái Phiên, ông Lộc từng bước chuyển đất của mình sang trồng hoa. Lúc đầu ông chỉ đủ vốn đầu tư làm 1 sào nhà lồng, rồi làm 2 sào và sau đó toàn bộ 6 sào đều được làm nhà lợp ni lông. Ông chuyên canh hoa cúc, trong vườn ông tự nhân giống hoa để trồng, toàn bộ đất được ông trồng luân phiên để lúc nào đến rằm hoặc mồng một Âm lịch hằng tháng đều có hoa để cắt bán. 
 
“Thời điểm đó phải chuyển sang trồng hoa thôi vì chung quanh mọi người đều đồng loạt chuyển hết. Trồng rau thì phụ thuộc thời tiết và mùa vụ, còn trồng hoa trong nhà lồng thì cứ làm quanh năm, thuận tiện lắm. Chuyển sang trồng hoa mới thấy thu nhập từ hoa đỡ hơn trồng rau rất nhiều” - ông Lộc kể lại.
 
Cho đến nay ông Lộc là một trong những nhà vườn chuyên canh cúc có tiếng ở làng hoa Thái Phiên này với hoa lứa nào cũng đẹp. Từ một nông dân mộc mạc, chân lấm tay bùn ngày xưa, nay ông đã là một nhà vườn của thời đại mới, khi mà những tiến bộ của công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Gần 70 tuổi nhưng ông rất khỏe, miệng nói tay làm, nói chuyện với chúng tôi ông biết vanh vách các chủng loại cúc, biết loại cúc nào thích hợp với thổ nhưỡng Đà Lạt, biết dùng loại hóa chất bảo vệ thực vật nào khi hoa bệnh, biết cách thắp điện cho hoa sao cho tiết kiệm và hiệu quả. Trong vườn ông nay có rất nhiều loại máy móc nông nghiệp cần thiết, có giếng khoan, có hệ thống bơm tưới nước, bón phân tự động, có hệ thống thắp đèn tự động canh theo giờ. 
 
Thái Phiên hôm nay chính là làng hoa lớn nhất trong các làng hoa tại Đà Lạt và cũng có thể nói đây là làng chuyên canh hoa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Một thống kê của Phường cho biết, trên 1.200 hộ dân sinh sống nơi đây hầu hết đều làm vườn, chủ yếu canh tác hoa trong nhà kính. Trong tổng diện tích khoảng 430 ha đất canh tác của làng hoa, đã có trên 360 ha diện tích là nhà kính. Đây chính là địa phương tiêu biểu nhất Đà Lạt về mức độ ứng dụng rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến của nông nghiệp công nghệ cao trong chuyên canh hoa để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước quanh năm.
 
Nhờ rau và hoa, Thái Phiên hôm nay không còn là một khu ấp nhỏ với những ngôi nhà gỗ mái tôn như xưa, hiện đó là một phường trù phú của thành phố hoa Đà Lạt, đường sá trải nhựa khang trang, những ngôi nhà xây bề thế, những biệt thự đẹp đẽ cùng những dãy nhà kính san sát trồng hoa hiện đại.
 
Nhờ 6 sào đất trồng hoa này, tính sơ tổng thu nhập hằng năm hiện nay của gia đình ông Lộc cũng khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 400 triệu nên ngoài công ăn việc làm, gia đình ông còn tích lũy đủ để xây nhà rộng rãi, tái đầu tư máy móc sản xuất, nuôi dạy con thành người. Ông bà có 6 đứa con, 4 gái, 2 trai, tất cả đều được ăn học, nhiều người con của ông tốt nghiệp đại học, có công việc tốt trong xã hội nhưng cũng có đứa học xong lại muốn quay về nối nghiệp trồng hoa như cha mẹ mình. Ông khoe ông có một cô con gái cùng chồng chuyên canh tác hoa ly, hoa lan rộng đến cả mẫu đất tại Phường 7, Đà Lạt. Những ngày dịch COVID-19 này, dù làng hoa Thái Phiên bị ảnh hưởng rất nhiều, hoa bán không được, nhiều vườn phải bỏ trống bớt đất nhưng hoa trong vườn ông vẫn bán được nhờ hoa đẹp. 
 
  MỖI VÙNG ĐẤT MỘT THẾ MẠNH 
 
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, Lâm Đồng có tổng diện tích đất tự nhiên trên 978.334 ha, bao gồm 3 nhóm đất chính: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng.
 
Trong 3 nhóm đất này, nhóm đất nông nghiệp nhiều nhất với trên 909.088 ha, chiếm đến 92,92% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong 12 huyện, thành của Lâm Đồng hiện nay, nhiều địa phương có tỷ lệ đất nông nghiệp chiếm trên 90% diện tích đất tự nhiên.
 
Nhóm đất nông nghiệp được chia thành đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, trong đó đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh có tổng diện tích trên 367.404 ha. Trong đất sản xuất nông nghiệp này nhiều nhất là đất trồng cây lâu năm với trên 304.047 ha (chiếm trên 31% diện tích tự nhiên của tỉnh), rồi đến đất canh tác các loại cây trồng khác nhau với gần 63.357 ha; đất trồng cây hằng năm khác trên 42.360 ha và chỉ có trên 20.996 ha đất trồng lúa. Trong nhóm đất nông nghiệp còn có trên 1.884 ha nuôi thủy sản trong ao hoặc các hồ thủy lợi và có 229,4 ha được sử dụng cho các mục đích khác. 
 
Với đất lâm nghiệp, toàn tỉnh có 539.570 ha đất có rừng, trong đó đất rừng sản xuất chiếm nhiều nhất với trên 307 nghìn ha; kế tiếp là đất rừng phòng hộ với 148.901 ha và rừng đặc dụng 83.664,7 ha (rừng phòng hộ tập trung nhiều nhất ở Lạc Dương và Cát Tiên).
 
Sau nhóm đất nông nghiệp là nhóm đất phi nông nghiệp, có tổng diện tích trên 55.626 ha, chiếm 5,69% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, gồm đất ở và đất chuyên dụng. Trong đất ở có đất ở nông thôn với trên 8.924 ha và đất ở thành thị trên 3.669 ha. Còn đối với đất chuyên dụng, đất dành cho trụ sở cơ quan trên 1.846,8 ha; đất an ninh, quốc phòng 3.058,6 ha; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp 3.149,8 ha; đất tôn giáo tín ngưỡng 470,3 ha; đất dành cho nghĩa trang, nghĩa địa 1.055,7 ha; đất phát triển hạ tầng 20.280,3 ha (chiếm trên 2% diện tích tự nhiên của tỉnh) và nhiều nhất là đất sông, suối, mặt nước chuyên dùng với 13.169,43 ha (chiếm 1,35%).
 
Với nhóm đất chưa sử dụng, tổng diện tích chỉ trên 13.620 ha, chiếm 1,39% diện tích tự nhiên của tỉnh, bao gồm đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng và núi đá không có rừng cây.
 
Khảo sát của tỉnh cho biết, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh từ năm 2016 đến nay có biến động nhưng không đáng kể. Nhìn chung tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh có xu hướng giảm nhẹ qua từng năm, tuy nhiên cơ cấu đất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao trên tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 37%.
 
Điều đáng nói nhất, trên cơ sở phân bố đất nông nghiệp này, Lâm Đồng trong nhiều năm nay đã phát huy được thế mạnh của từng vùng, phù hợp với định hướng chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
 
Như tại Đà Lạt và các vùng phụ cận, người dân đã biết cách phát huy lợi thế về thiên nhiên và khí hậu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào chuyên canh rau, hoa. Chỉ tính riêng trong năm 2020 vừa qua, thành phố này đã tăng thêm 200 ha đất canh tác ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng tổng số diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn hiện có lên 6.730 ha, chiếm 64% đất canh tác nông nghiệp của thành phố. Tính đến cuối năm 2020, giá trị thu hoạch bình quân 1 ha đất canh tác nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt đã đạt mức 400 triệu đồng/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2019, trong đó chè cành chất lượng cao đạt 370 triệu đồng/năm; rau cao cấp đạt 790 triệu đồng/ha; hoa đạt 960 triệu đồng/năm.
 
Còn tại Đơn Dương, huyện nông thôn mới đầu tiên của Lâm Đồng đã hình thành vùng chuyên canh rau thương phẩm lớn nhất tỉnh và cũng lớn nhất nước hiện nay. Chỉ tính trong 5 năm, từ 2015 đến 2020, tại huyện đã có trên 700 ha đất trồng lúa và các cây trồng kém giá trị chuyển sang canh tác rau thương phẩm. Đến nay, diện tích gieo trồng rau đã tăng nhanh với trên 27.060 ha, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao chiếm 10.512 ha trong tổng số 11.763 ha đất canh tác rau toàn huyện. Bên cạnh đó, chăn nuôi bò sữa cũng là thế mạnh của vùng đất này với tổng đàn bò trên 15.000 con, trong đó có khoảng 47% đang cho khai thác sữa, bình quân 160 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi ước đạt 2 tỷ đồng/ngày.
 
Tương tự, với huyện Đức Trọng đó là rau, hoa, là bò sữa; với các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh đó là cà phê và cây ăn trái xen kẽ trong vườn; với Bảo Lộc và Bảo Lâm bên cạnh là cà phê, cây ăn trái là cây chè và dâu tằm; với huyện Đạ Huoai đó là các vườn cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt; với Đạ Tẻh và Cát Tiên là lúa và điều. Hiện tổng đất trồng cà phê toàn tỉnh khoảng 175.607 ha, đất trồng chè 11.069 ha, đất trồng điều có 22.947 ha. Ngay cả vùng đất lúa lâu nay tại Đạ Tẻh và Cát Tiên nay đã hình thành các cánh đồng lúa đặc sản chuyên canh và có thêm nhiều loại cây trồng mới có giá trị.
 
Tuy đất nông nghiệp của tỉnh tính theo lao động nông nghiệp bình quân cao, nhưng phân bố không đều giữa các huyện và các nhóm nông hộ. Trước yêu cầu tăng nhanh thu nhập theo bình quân đầu người, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo các địa phương cần tập trung đầu tư chiều sâu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu quả lâu dài và ổn định.
 
Như nông dân Nguyễn Đình Lộc ở Thái Phiên, Đà Lạt tâm sự: “Cũng may là gia đình có được mảnh đất để làm ăn, sinh sống, để con mình tiếp tục bước theo mình. Là nông dân chỉ biết làm vườn, biết là thời gian qua khó khăn dịch bệnh, hoa giảm giá nhưng hy vọng khi dịch giảm, được khống chế thì thị trường sẽ trở lại”.
 
CÒN NỮA
 
VIẾT TRỌNG