Nỗ lực giữ rừng giữa cao điểm dịch bệnh

12:07, 18/07/2021

(LĐ online) - Trong những ngày căng mình phòng chống dịch Covid-19, công tác bảo vệ rừng tại huyện Đạ Tẻh...

(LĐ online) - Trong những ngày căng mình phòng chống dịch Covid-19, công tác bảo vệ rừng tại huyện Đạ Tẻh lại được tăng cường hơn bao giờ hết. UBND huyện đã huy động 100% quân số ngày đêm đóng chốt, tuần tra giữ rừng, tránh nguy cơ các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để xâm hại, tàn phá rừng.
 
Giữa cao điểm dịch Covid-19, UBND huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo cho các đơn vị huy động 100% quân số ngày đêm đóng chốt, tăng cường tuần tra giữ rừng không một chút lơ là
Giữa cao điểm dịch Covid-19, UBND huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo cho các đơn vị huy động 100% quân số ngày đêm đóng chốt, tăng cường tuần tra giữ rừng không một chút lơ là
 
Những bàn chân băng rừng, vượt suối
 
Đã hẹn trước, chúng tôi có mặt tại chốt quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) số 4, thôn Hương Thanh, xã Đạ Lây để cùng các cán bộ và người dân tham gia một chuyến đi tuần tra bảo vệ rừng. Địa điểm tuần tra rừng mà chúng tôi hướng đến là những cánh rừng già tại Tiểu khu 527, xã An Nhơn. Nằm im lìm dưới lớp sương mù che phủ, phải đi xe máy đến chục km đường rừng, chúng tôi mới đến tiểu khu 527
 
Càng tiến sâu vào rừng, cây càng to, mật độ càng dày đặc. Dưới những tán cây, tiếng chim ríu rít cùng làn gió mát trong lành, thơm mùi đất, mùi lá. Cảm giác bình yên bao trùm khiến cả đoàn nhẹ bẫng, quên hết mọi mệt mỏi dù đã phải đi bộ một quãng đường khá dài và dốc.
 
Dưới tán cây cổ thụ mát rượi, có đường kính trên 1 m, cao tầm 30 m, anh Nguyễn Văn Hiếu - Chốt trưởng Chốt QLBVR số 4 tự hào khoe: "Cây này vẫn là kích thước bình thường, trong khu rừng này còn có rất nhiều cây to 2 đến 3 người ôm, cao 35 - 40 m, tuổi đời đến cả trăm năm". 
 
Ở chốt QLBVR số 4, chốt trưởng Nguyễn Văn Hiếu năm nay ngoài 50 tuổi và đã hơn 20 năm gắn bó với nghiệp giữ rừng. Là người lớn tuổi nhất, thế nhưng xuyên suốt cả chuyến tuần rừng, anh luôn là người đi đầu. Trong khi chúng tôi thường xuyên phải dừng lại, thở dốc vì mệt thì anh vẫn cười nói vui vẻ, hai tay phát dọn những cây dại ngã ra giữa lối đi. Bước chân anh vẫn thoăn thoắt, những triền núi dốc ngược được anh chinh phục một cách nhẹ nhàng. "Quen rồi chú à, bao năm nay anh em chúng tôi ngày nào cũng thay nhau đi tuần rừng, từ các đường mòn lối mở, khe nước đến những gốc cây lớn nhỏ ở khu rừng này, anh em đều nhớ hết" - anh Hiếu nói.
 
Những người trẻ tại chốt nhìn vào người đàn ông này để làm gương, cứ đến lịch tuần tra rừng là từ sáng tinh mơ, không ai bảo ai, mọi người trong tổ lại hăng hái lên đường tuần tra rừng. Không ngại khó khăn, gian khổ, dấu chân các anh miệt mài in dấu trên mỗi chặng đường rừng.
 
Chốt QLBVR số 4 hiện có 7 cán bộ thường trực cắm chốt. Trong đó, có 4 nhân viên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh, 1 cán bộ kiểm lâm huyện, 2 cán bộ Ban Lâm nghiệp xã Đạ Lây và An Nhơn, cùng 106 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại 11 tiểu khu với diện tích 5.367 ha.
 
Việc tuần tra rừng được các anh luân phiên nhau. Ngày nào cũng có ít nhất 4 tổ đi tuần tra rừng. Buổi sáng, 7 giờ họ xuất phát, mang theo lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân đi xuyên rừng tuần tra. Khi chiều tối, tổ bảo vệ rừng tìm đến những nơi đã được lập lán tạm để qua đêm, đến trưa hôm sau họ mới trở về. 
 
Đạ Tẻh những ngày tháng 7 mưa nắng thất thường. Anh em đi tuần tra rừng ngoài chuẩn bị đầy đủ gạo nấu cơm, vật dụng thông thường, còn phải mang theo phong bạt để dựng lán trại dã chiến. Những giấc ngủ đêm giữa rừng, im lìm và giá lạnh, nhưng không làm giảm ý chí quyết tâm của những người giữ rừng.
 
Những cánh rừng già được cán bộ lâm nghiệp và người dân thôn Tôn K’Long ra sức gìn giữ
Những cánh rừng già được cán bộ lâm nghiệp và người dân thôn Tôn K’Long ra sức gìn giữ
 
Người dân chung tay bảo vệ rừng
 
Nhiều năm gắn bó với mảnh đất Đạ Lây, ngày trước vì khó khăn, đói khổ nên anh Lê Hữu Hiệp, thôn Hương Thanh, xã Đạ Lây cũng làm nghề đi rừng hái măng, săn bắt chim, thú. Về sau, khi cuộc sống khá giả hơn, lại có một miếng đất vườn để trồng cây ăn trái, anh Hiệp mạnh dạn xin Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh nhận 22,6 ha rừng để bảo vệ.
 
Anh Hiệp thổ lộ: “Giờ công ty cho nhận khoán thêm rừng để bảo vệ tôi vẫn nhận. Bởi, bảo vệ rừng vừa giúp gia đình có thêm thu nhập, lại còn giữ được nguồn nước để những người dân như gia đình tôi an tâm sản xuất nông nghiệp”.
 
Không riêng gì gia đình anh Hiệp, hơn 100 hộ dân khác trong vùng cũng nhận rừng và làm tốt công tác quản lý. Ngoài công việc ruộng vườn, người dân các xã An Nhơn, Đạ Lây cũng tự sắp xếp thời gian để đều đặn một tuần hai lần cùng cán bộ đi tuần tra. Những trận lũ lụt cùng những câu chuyện đầy đau xót ở miền Bắc, miền Trung trong các năm qua khiến người dân ở đây hiểu rằng, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của gia đình họ.
 
Tại trạm QLBVR thôn Tôn K’Long, việc quản lý, bảo vệ rừng cũng được cán bộ và người dân xã Đạ Pal hết sức coi trọng. Anh Nguyễn Văn Tĩnh, Cán bộ Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh, Trưởng trạm cho biết: Hiện đơn vị đang được giao quản lý gần 4.000 ha rừng, thuộc 6 tiểu khu 541, 542, 43, 44A, 44B và 557. Tại trạm hiện có 9 cán bộ quản lý bảo vệ rừng gồm kiểm lâm, nhân viên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh, cán bộ Ban Lâm nghiệp xã Đạ Pal và Quảng Trị.
 
Xác định được tầm quan trọng của việc giữ rừng, nhiều năm nay, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực bảo vệ “kho báu trời cho” một cách tận gốc. 
 
Cái gốc mà Trạm trưởng Nguyễn Văn Tĩnh nói ở đây chính là việc người dân Tôn K’Long quyết giữ rừng bằng mọi giá. Mặc dù, không phải tất cả người dân Tôn K’Long nào cũng đều đồng lòng bảo vệ rừng già, cũng có người, vì làm nhà, thiếu gỗ vẫn lẻn vào rừng chặt gỗ; có người từ nơi khác lét lút mang cưa vào rừng, thế nhưng bây giờ đã khác xưa, bà con đã ý thức được tầm quan trọng của rừng trong hệ sinh thái nên không phá hoại. Hơn nữa, bảo vệ rừng giúp họ có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống nên ai cũng chung sức, đồng lòng.
 
Ngoài đường bộ, các lực lượng còn tổ chức tuần tra rừng nơi thượng nguồn hồ Đạ Lây bằng ca nô
Ngoài đường bộ, các lực lượng còn tổ chức tuần tra rừng nơi thượng nguồn hồ Đạ Lây bằng ca nô
 
Hiệu quả từ sự đồng lòng đó, có thể thấy được qua những con số mà ông Vũ Văn Nam, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh cung cấp: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xảy ra 13 vụ vi phạm lâm luật, giảm 18,5% số vụ và 95% diện tích so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Đồng hành giữ rừng cùng các cán bộ lâm nghiệp là 169 hộ dân địa phương tham gia nhận khoáng bảo vệ rừng. Bình quân, mỗi hộ nhận quản lý, bảo vệ hơn 20 ha với giá 600.000 đồng/ha/năm. Nhờ tham gia nhận khoáng giữ rừng, hàng trăm hộ dân trong thôn cũng có thêm thu nhập, chăm lo cho cuộc sống hàng ngày. Ngoài công việc nương rẫy, người dân Tôn K’Long cũng tự sắp xếp thời gian để cùng cán bộ đi tuần tra rừng. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, trên diện tích nhận giao khoán của người dân không xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào. 
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Xác định trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, rừng và đất rừng có nguy cơ cao bị các đối tượng xấu có thể lợi dụng sơ hở để xâm hại, UBND huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo cho các đơn vị huy động 100% quân số ngày đêm đóng chốt, tăng cường tuần tra giữ rừng không một chút lơ là. Hàng ngày, các tổ, trạm đã tổ chức từ 3 - 4 đợt tuần tra, kiểm tra rừng, mỗi đợt từ 4 - 6 người trên lâm phần được giao quản lý. Hiện, tại các điểm xung yếu, các đơn vị cũng đã lập chốt trực 24/24 giờ để canh giữ, ngăn chặn lâm tặc xâm hại rừng.
 
HOÀNG SA