Trưởng thôn làm dân vận khéo

06:09, 11/09/2020

Những năm qua, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong việc tiên phong vận động cộng đồng dân cư tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc...

Những năm qua, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong việc tiên phong vận động cộng đồng dân cư tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc. Ông K’Brêl - Trưởng Thôn 4, xã Tam Bố (Di Linh) là một trong những tấm gương điển hình đó.   
 
Có 90% tuyến đường thôn xóm, liên xóm của Thôn 4 đã được bê tông hóa, nhựa hóa
Có 90% tuyến đường thôn xóm, liên xóm của Thôn 4 đã được bê tông hóa, nhựa hóa
 
Là đảng viên, nguyên Bí thư Chi bộ Thôn 4 nhiều năm, ông K’Brêl luôn trách nhiệm cao, gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. 
 
Thôn 4 nằm cách Quốc lộ 20 khoảng 400 m, với 421 hộ, 1.911 nhân khẩu, trong đó dân tộc Kơ Ho chiếm 95% dân số. Đời sống của người dân chủ yếu canh tác cây cà phê, lúa nước kết hợp với trồng cây hoa màu và chăn nuôi. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng bà con luôn có sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong nếp sống cộng đồng. Trước thực trạng giao thông đi lại, sinh hoạt của người dân nhiều vất vả, khó khăn, khi có Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện tại địa phương, ông K’Brêl đã tích cực vận động trước 14 hộ dân của xóm mình làm điểm, để làm cơ sở nhân rộng thực hiện phong trào, cuộc vận động đến các xóm khác làm theo. Ông K’Brêl chia sẻ: Tuyến đường xóm 24 đoạn 1 có chiều dài 220 m, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 110 triệu đồng, mỗi hộ đối ứng 7 triệu đồng, còn lại huy động một số hộ dân trong thôn có đất sản xuất đi qua tuyến đường đóng góp thêm tiền và ngày công làm đường nên tổng kinh phí lên đến trên 320 triệu đồng.
 
Ông K’Brêl cho biết: “Trong thời gian vận động, bản thân tôi, Chi bộ và Ban nhân dân thôn cũng gặp nhiều trở ngại, bởi đời sống bà con trong thôn nhiều hộ còn rất khó khăn. Nhưng với cách vận động khôn khéo, phân tích rõ những lợi ích mà tuyến đường mang lại nên đã lôi cuốn người dân tham gia. Mặt khác, người dân cũng đã từng trải qua và chứng kiến nhiều năm sống trong cảnh mùa mưa thì bùn lầy, còn mùa khô thì khói bụi, nên họ đã cùng vượt khó tham gia và khi tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng bà con rất phấn khởi. Từ đó, chúng tôi có thêm niềm tin và khi họp triển khai công tác làm đường tại các xóm khác bà con đều nhiệt tình hưởng ứng”.
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân trong thôn đã đóng góp kinh phí hàng trăm triệu đồng, trên 1 ngàn ngày công lao động để bê tông hóa gần 1 km các tuyến đường nội thôn. Đến nay, Thôn 4 đã có 90% tuyến đường thôn xóm, liên xóm đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Bên cạnh đó, người dân trong thôn còn tích cực hưởng ứng “Ngày thứ bảy nông thôn mới” như trồng và chăm sóc đường hoa, nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp…
 
Không chỉ phát huy vai trò, tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên trong tuyên truyền, vận động người dân đóng góp kinh phí xây dựng NTM, ông K’Brêl còn chú trọng đầu tư phát triển kinh tế gia đình: tích cực đầu tư thâm canh cây cà phê kết hợp với chăn nuôi đàn bò, lợn, nâng cao thu nhập cho gia đình; chịu khó học hỏi một số mô hình kinh tế hiệu quả ở một số nơi trong huyện và địa phương khác về áp dụng cho gia đình; vận động bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hội thảo đầu bờ; vận động gia đình, cán bộ, đảng viên phải thực sự là người thực hiện trước để làm gương cho người dân noi theo.
 
“Đối với gia đình tôi, cùng với việc đầu tư thâm canh cây trồng và duy trì chăn nuôi, trong thời gian qua, sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, đi tham quan một số mô hình nuôi tằm ở huyện Lâm Hà, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi khoảng 5 sào cà phê kém hiệu quả để trồng dâu nuôi tằm. Do chưa có kinh nghiệm, lúc đầu vừa học vừa làm nên chỉ nuôi 2,5 g tằm con rồi 0,5 kg và nay đã nuôi được 1 hộp/đợt. Bên cạnh đó, tôi đã vận động thêm các hộ Ka Dim, K’Vương… chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm để nâng cao thu nhập. Tuy đời sống của người dân đã từng bước đi lên, nhưng điều mà chúng tôi trăn trở nhất hiện nay là trong số 32 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo thiếu đất sản xuất thì đã có 6 hộ bán đất vì liên quan đến tín dụng đen”, ông K’ Brêl nói.
 
NDONG BRỪM