Đổi gạo lấy vũ khí

05:08, 05/08/2020

Đó là một trong những cách làm mới của Công an huyện Đam Rông trong nỗ lực thu hồi vũ khí tự chế, vật liệu nổ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020.

Đó là một trong những cách làm mới của Công an huyện Đam Rông trong nỗ lực thu hồi vũ khí tự chế, vật liệu nổ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2020.
 
Bà con đến đổi vũ khí lấy gạo
Bà con đến đổi vũ khí lấy gạo
 
Đối với bà con các DTTS nói chung vốn có truyền thống săn bắn để mưu sinh. Đặc biệt, với bà con dân tộc H’Mông, việc làm súng còn đánh dấu sự trưởng thành của những người đàn ông. Ngoài săn bắn, tiếng súng còn dùng để báo hiệu gia đình có tang hay tiễn đưa người quá cố về trời… Theo số liệu thống kê từ Công an huyện Đam Rông, trên địa bàn huyện đang có khoảng 789 hộ người H’Mông với 4.500 khẩu từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào. Hiện trong cộng đồng này còn có khá nhiều lượng súng tự chế. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc săn bắn thú rừng và mất trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy Đam Rông được xác định là địa bàn trọng điểm trong công tác thu hồi vũ khí tự chế. 
 
Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là nhiệm vụ thường niên được Công an huyện Đam Rông triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Theo đó, Công an huyện Đam Rông đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện giáo dục, vận động đồng bào DTTS tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Để tăng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, mỗi năm Công an huyện Đam Rông chia làm hai đợt tổng kiểm tra cao điểm từ tháng 3 đến tháng 7 và từ tháng 7 đến hết tháng 12. Việc thu hồi được tiến hành ở các địa bàn trọng điểm gồm các tiểu khu 177, 178, 179, 181, khu căn cứ Đạ Mbo, khu vực Tây Sơn thuộc xã Liêng Sronh. Ngoài ra, còn một số khu vực như thôn Dơng Glê xã Phi Liêng, Thôn 4, Thôn 5 xã Rô Men. 
 
Khác với mọi năm, năm 2020, Công an Đam Rông đã thực hiện đổi gạo lấy súng và hỗ trợ thêm các phần quà cho những hộ nghèo giao nộp vũ khí tự chế. Nguồn gạo trên được thực hiện xã hội hóa và do các ban, ngành, đoàn thể của huyện hỗ trợ. Với cách làm trên, có những ngày Công an huyện Đam Rông đã thu hồi được trên 20 khẩu súng. 
 
Bên cạnh thực hiện biện pháp mới, việc tuyên truyền sâu rộng, kiên trì vận động vẫn là giải pháp nòng cốt xuyên suốt. Theo đó, việc tăng cường những cán bộ, chiến sỹ có trình độ, kinh nghiệm và biết nói tiếng của bà con để xuống các xã, các tiểu khu trên địa bàn đã nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Thông qua đó giúp bà con nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và vận động bà con giao nộp. Trong tuyên truyền, trước hết các cán bộ, chiến sỹ công an trong huyện hướng đến đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Bởi khi lực lượng này gương mẫu, đi đầu thì công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ ở trên địa bàn đó sẽ được thực hiện có hiệu quả. Mặt khác, việc phối hợp, phát huy vai trò gương mẫu của các già làng, trưởng bản và những người có uy tín đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì chính đội ngũ này sẽ giúp các lực lượng chức năng điều tra, khảo sát nắm rõ tình hình, số lượng vũ khí còn tồn đọng trong Nhân dân. Đó là cơ sở để cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí cụ thể đối với từng thôn, bản bảo đảm hiệu quả, chất lượng. Và hơn ai hết, các già làng, trưởng bản và những người có uy tín là những người hiểu rõ tâm lí, phong tục, tập quán của bà con nên công tác vận động, tuyên truyền cũng vì vậy mà thêm thuận lợi. Ông Ma Seo Tráng - người uy tín trong cộng đồng người H’Mông ở Tiểu khu 179 là ví dụ. Bằng ngôn ngữ của người H’Mông, ông Ma Seo Tráng đã cùng với các chiến sĩ công an, vận động thuyết phục để bà con tự nguyện giao nộp vũ khí. 
 
Ngoài lực lượng công an, các cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng thực hiện nhiều công tác tuyên truyền qua các buổi họp chi bộ, họp thôn, sinh hoạt của các đoàn thể. Điều này cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề này. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và việc đổi mới phương pháp, nên trong đợt tổng kiểm tra cao điểm vừa qua, lượng súng tự chế thu được cao hơn nhiều lần so với các năm trước. Cụ thể, riêng địa bàn xã Liêng Sronh đã thu được hơn 40 khẩu súng, 7 địa bàn còn lại trong toàn huyện cơ quan chức năng thu được hơn 60 khẩu súng các loại. 
 
Việc quản lý, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ không phải chuyện ngày một, ngày hai và chỉ có được hiệu quả thực sự bền vững khi người dân nhận thức đúng và có ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Bởi vậy các hoạt động tuyên truyền sâu rộng vẫn tiếp tục được cơ quan chức năng huyện Đam Rông đẩy mạnh. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần thúc đẩy sự phát triển kinh tế giúp người dân làm giàu chính đáng. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nói chung và giảm thiểu việc sử dụng vũ khí tự chế, vật liệu nổ nói riêng.
 
HOÀNG MY