Khẩn trương nạo vét các hồ thủy lợi, phục vụ sản xuất

05:05, 27/05/2020

Sau nhiều năm đi vào vận hành, khai thác, sử dụng, các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã bị bồi lắng nghiêm trọng, dẫn đến lượng nước chứa trong hồ bị giảm xuống so với dung tích thiết kế...

Sau nhiều năm đi vào vận hành, khai thác, sử dụng, các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã bị bồi lắng nghiêm trọng, dẫn đến lượng nước chứa trong hồ bị giảm xuống so với dung tích thiết kế. Để ứng phó với tình trạng khô hạn, nâng cao năng lực phục vụ của các công trình, việc nạo vét mở rộng sức chứa lòng hồ thủy lợi là hết sức cần thiết hiện nay.
 
Hồ Đan Kia hiện đã bị bồi lắng 50% dung tích hồ
Hồ Đan Kia hiện đã bị bồi lắng 50% dung tích hồ
 
Hạn hán còn gay gắt
 
Theo Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, đến thời điểm hiện tại, tình hình hạn hán vẫn đang diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó, riêng hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương là hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 
 
Tại huyện Đức Trọng, chỉ tính riêng việc Thủy điện Đa Racao điều tiết nước không hợp lý đã gây thiếu nước sản xuất cho khoảng 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại các xã Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa, Phú Hội. Cùng với đó, mực nước tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện như: Yên Ngựa, Tà Hine hiện đang xuống thấp từ 9 - 10 m so với ngưỡng tràn. Chính vì vậy, các trạm quản lý khai thác thủy lợi huyện phải cho người túc trực ngày đêm, tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình mực nước cũng như thực hiện việc xả cửa đáy hồ, điều tiết nguồn nước tưới cho hoạt động sản xuất của người dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng đang vận động người dân thực hiện tận dụng bơm nước từ các ao, hồ, sông, suối tự nhiên, sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, khoan giếng để đảm bảo nước tưới và sinh hoạt. 
 
Tại huyện Đơn Dương, đây là địa phương có nhiều nhất các công trình thủy lợi có mực nước xuống thấp so với ngưỡng nước dâng bình thường. Bà Tou Prong Nai Khoan - Phó phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, hiện nhiều địa phương trong huyện đang đối mặt với tình trạng hạn hán cục bộ. Các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện hầu hết đã hết nước như: hồ Đạ Ròn (-5 m), hồ Proh (-7,3 m), hồ R’lôm (-6 m), hồ Ma Đanh (-8,85 m). 
 
Do đó, hơn 290 ha chuyên sản xuất lúa của toàn huyện đã không đủ nước để xuống giống như kế hoạch đã đề ra. Và với thực trạng các hồ thủy lợi trên địa bàn huyện đều đã ở mực nước chết, nếu thời tiết không có mưa lớn để bổ sung nguồn nước vào các hồ chứa trong thời gian sắp đến, hàng ngàn ha hoa màu của người dân huyện Đơn Dương chết khô là điều khó tránh khỏi. Xa hơn nữa, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên vựa rau 27.000 ha Đơn Dương sẽ buộc phải gián đoạn. 
 
Còn tại huyện Di Linh, trên một số địa phương như: thị trấn Di Linh, các xã Bảo Thuận, Gung Ré, Sơn Điền, Gia Bắc, Gia Hiệp, Tam Bố, Đinh Lạc, Tân Nghĩa không xuất hiện mưa, đã khiến hàng ngàn ha cà phê, hoa màu của người dân bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Mực nước các hồ chứa thủy lợi lớn trên địa bàn huyện như: Ka La, Sek Lào, Đinh Trang Thượng 1 và 2 đều đang ở dưới mực nước dâng từ 3,7 - 5,8 m. 
 
Một số địa phương còn lại, hiện đã có mưa xuất hiện trên diện rộng, nhiều hồ chứa được bổ sung kịp thời nguồn nước, nguy cơ hạn hán đã phần nào được giải tỏa. 
 
Cần sớm nạo vét các hồ chứa
 
Theo nhận định của ngành nông nghiệp nhiều địa phương, năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình hạn hán diễn ra trên diện rộng và khắc nghiệt hơn so với những năm trước. Điều này đã khiến cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác khiến nhiều địa phương bị “phá sản” trong việc thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là do đánh giá không đúng dung tích thực tế của các hồ chứa thủy lợi. 
 
Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết, trên địa bàn huyện có ba hồ chứa thủy lợi lớn là hồ Đan Kia, hồ Trường Sơn và hồ Số 7. Tuy nhiên, có một thực tế là mới hết tháng 2/2020, cả ba hồ chứa trên đã rơi vào cảnh trơ đáy. Nghiêm trọng nhất là hồ Đan Kia, khi đây là công trình đa mục tiêu không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha hoa màu trong huyện mà còn có chức năng thủy điện và đặc biệt còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt. 
 
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp huyện cùng cán bộ quản lý khai thác thủy lợi các trạm đi thực tế, khảo sát lòng hồ để đánh giá toàn diện mức độ an toàn cũng như dung tích thực tế của các hồ thủy lợi trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, hầu hết lòng hồ của ba hồ chứa trên đã bị bồi lấp gần như 40 - 50% so với dung tích thiết kế.
 
Không chỉ riêng huyện Lạc Dương, đây cũng là tình trạng chung tại rất nhiều các công trình thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ông Nguyễn Văn Huề - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho biết, hầu hết các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay đều bị tình trạng bồi lắng gần như bằng dung tích mực nước chết. Nguyên nhân là do các hồ chứa đều được xây dựng từ lâu, thêm vào đó là nạn phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp khiến đất canh tác bị rửa trôi, chảy về làm bồi lắng hồ. 
 
Đơn cử, các hồ Đạ Ròn, Proh, R’lôm tại huyện Đơn Dương, các hồ chứa này đã bị bồi lắng tới hơn mực nước chết. Nếu như trước đây, mực nước xuống tới mực nước chết thì hồ vẫn còn nước ở đáy hồ, các trạm quản lý, khai thác thủy lợi vẫn có thể tiến hành xả cửa đáy để lấy nước phục vụ tưới tiêu, đây được xem là giải pháp cuối cùng để chống hạn; nhưng bây giờ, khi đáy hồ nhô ra, nghĩa là hồ đã không còn nước. Dự báo, dung tích thực tế của các hồ chứa này hiện chỉ từ 40 - 50% so với dung tích thiết kế ban đầu. Đó được xem là nguyên nhân, vì sao hạn hán diễn ra vẫn chưa phải đỉnh điểm nhưng các hồ chứa tại Đơn Dương lại nhanh hết nước đến như vậy. 
 
Theo ông Huề, để đối phó với tình trạng hạn hán đang có phần diễn ra khắc nghiệt hơn qua các năm, các hồ chứa thủy lợi cần sớm được nạo vét. Chỉ riêng hồ Đan Kia, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, hồ cần phải được cải tạo, nạo vét để nâng công suất cung cấp nước từ 49.000 m 3 lên 79.000 m 3/ngày đêm, phục vụ cho hai nhà máy nước và phát điện. Để đạt mục tiêu này, hồ Đan Kia phải được thực hiện nạo vét 1 triệu m 3 lòng, nguồn kinh phí lên đến 150 tỷ đồng. Còn các hồ Đạ Ròn, Proh, R’lôm cũng cần nguồn kinh phí lên đến 50 tỷ đồng để thực hiện. 
 
“Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc đầu tư nạo vét lòng hồ là rất khó. Nhưng đây là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay và phải nhanh chóng thực hiện để ứng phó với tình trạng khô hạn cũng như nhằm tăng lượng nước dự trữ tại các hồ vào mùa mưa, khắc phục được tình trạng thiếu nước cục bộ tại các địa phương, phục vụ yêu cầu thiết thực, lâu dài cho sản xuất” - ông Huề nói.
 
NGÂN GIANG